Xã hội

Hành trình đòi quyền lợi tại trạm thu phí BOT Bến Thủy (Nghệ An): “Mừng chảy nước mắt”

Việc người dân hai đầu cầu Bến Thủy (bắc qua sông Lam, nối hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh) không đi mét đường BOT nào mà phải đóng phí khiến họ rất bất bình. Điều vô lý này khiến họ đội nắng mưa suốt 6 tháng trời để đổi lại niềm vui đến “mừng chảy nước mắt”.

Gian nan đi đòi lại quyền lợi

Nhớ lại quá trình cùng người dân hai đầu cầu Bến Thủy đi đòi quyền lợi, ông Nguyễn Ái Văn (người dân huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn nhớ như in, đó là ngày 3/12/2016, khi xe ô tô của ông chết máy phải đẩy từ phía Nam cầu Bến Thủy để qua cầu sang TP Vinh sửa. Khi đẩy xe đến trạm thu phí thì nhân viên buộc ông phải mua vé mới được qua cầu. “Xe chết máy là chuyện không may nhưng nhân viên bán vé không thông cảm khiến chúng tôi rất bất bình. Nhiều người dân có mặt lúc đó cũng bực tức và tập trung rất đông tại trạm thu phí để phản đối trạm thu phí này” – ông Văn bức xúc.

Ông Nguyễn Ái Văn kể lại hành trình đi đòi quyền lợi.

Nhưng không phải ngày 3/12/2016 người dân mới có những hành động phản đối. Trước đó, nhiều người dân huyện Nghi Xuân đã liên tục gửi các văn bản gửi đến cơ quan chức năng cũng như phản ánh trực tiếp với đại biểu quốc hội trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Nhưng sự việc vẫn không được giải quyết, kéo dài khiến người dân càng bất bình.

Ông Văn trầm ngâm: “Có người dân ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) sang điều trị tại một bệnh viện tại TP. Vinh (Nghệ An) hết 2,8 triệu đồng nhưng mất hơn 3 triệu tiền vé xe qua cầu. Rồi nhiều gia đình góp mãi mới mua chiếc xe ô tô chở con sang TP.Vinh đi học cho đỡ vất vả những ngày nắng mưa nhưng nghĩ đến việc mua vé qua cầu ngày mấy lượt lại đành ngậm ngùi cho con đạp xe đến trường. Không những vậy, người già đau ốm cũng phải đắn đo tính toán tiền phí qua cầu trước rồi mới đến tiền điều trị tại bệnh viện…”.

Quá bức xúc trước những bất công này, người dân hai đầu cầu bắt đầu tập hợp lại và đưa xe ô tô dán băng rôn phản đối đi qua cầu. Ban đầu, người dân tập trung phía nam cầu Bến Thủy 1 vào hai ngày cuối tuần. Vẫn không thấy động tĩnh gì từ phía cơ quan chức năng, người dân bắt đầu đưa xe diễu hành và dùng “chiêu” tiền lẻ để mua vé qua cầu. Sự việc này khiến quốc lộ 1A đoạn từ phía nam cầu Bến Thủy 1 sang TP. Vinh ách tắc kéo dài buộc cảnh sát giao thông Công an Nghệ An phải nhiều lần giải tỏa.

Người dân đưa ô tô phản đối trạm thu phí Bến Thủy.

Từ tháng 3/2017, những người dân ở huyện Nghi Xuân và TP Vinh không chỉ đưa xe diễu hành vào hai ngày cuối tuần mà họ thay phiên nhau tập trung lên cầu Bến Thủy 1 phản đối liên tục, không kể nắng mưa. Nhiều người dân đã đi xe đạp, xe máy tiếp tế nước, bánh mỳ để động viên đoàn người đi đòi quyền lợi.

Sang tháng 4/2017, người dân tiếp tục phản ứng mạnh mẽ. Đến ngày 3/4, Bộ Giao thông Vận tải thông báo giảm 50% phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Bến Thuỷ 1 và Bến Thuỷ 2 với người dân hai đầu cầu nhưng không được sự đồng tình của họ. Liên tiếp những ngày sau đó, người dân tiếp tục dùng tiền lẻ để gây sức ép lên trạm thu phí BOT này. Đỉnh điểm trong hai ngày 6/4 và 9/4 hằng trăm xe ô tô của người dân tập trung tại hai trạm thu phí BOT tại cầu Bến Thủy 1, 2 để phản đối.

Đến ngày 11/4, Bộ Giao thông chủ trì cuộc họp với chính quyền hai tỉnh và nhà đầu tư và quyết định giảm 100% phí cho các phương tiện loại 1 (xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn), loại 2 (xe 12-30 chỗ; tải trọng từ 2 đến dưới 4 tấn) và xe buýt của chủ xe cư trú tại TP Vinh, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An), thị xã Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) khi đi qua trạm BOT Bến Thủy.

“Độc chiêu” tiền lẻ

Nếu mới đây, các tài xế khi qua trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) dùng tiền lẻ bỏ trong chai để trả phí thì trước đó “độc chiêu” tiền lẻ đã xuất hiện tại trạm thu phí BOT Bến Thủy. Đây là “sáng kiến” của nhiều người tham gia đấu tranh đòi quyền lợi vì họ quá bức bách. Theo người dân trong cuộc, do muốn kéo dài việc mua vé nhằm gây thêm sức ép đến Tổng công ty xây dựng công trình giao thông (Cienco 4) – đơn vị khai thác, quản lý trạm thu phí BOT này để họ kịp thời giải quyết bức xúc của người dân. Từng đồng tiền lẻ chính là mồ hôi, nước mắt của họ từ việc buôn bán đá lạnh, hàng tạp hóa được góp lại.

Tài xế tham gia phản đối dùng nhiều đồng tiền lẻ loại 200, 500, 1000 đồng để mua vé qua cầu.

Khi sử dụng đến phương án dùng tiền lẻ sẽ để mua vé sẽ làm chậm lại quá trình lưu thông của nhiều phương tiện phía sau. Những người dân này nhiều phen “vò đầu” suy nghĩ vì việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiều xe container chở hàng đông lạnh, xe tải cơ lớn chở gia súc, động vật phía hai đầu cầu phải dừng lại thời gian chờ đợi để qua cầu dưới trời nắng gần 40 độ C.

Đến khi dùng tiền lẻ mua vé ở trạm BOT Bến Thủy có kết quả thì nhiều người trong đoàn đi đòi quyền lợi đã xuống xe chạy lại phía những xe container, xe chở gia súc, gia cầm để mong họ thông cảm. "Họ ủng hộ chúng tôi ngay và bảo sẽ hi sinh thời gian, cho xe nổ máy liên tục để bảo quản hàng hóa. Nếu cần họ cũng sẽ tham gia đoàn để phản đối việc thu phí vô lý này. Mãi khi nhận được tin về việc người dân sẽ được miễn phí qua cầu, họ đã ôm nhau khóc. Ai cũng vui nhưng nước mắt cứ chảy dài”, ông Văn nhớ lại.

Tác giả: VŨ ĐỒNG

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

  Từ khóa: BOT , quyền lợi

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP