Từ “sôi động” đến… “bất động”
Cách đây ít năm, đến địa bàn Kỳ Anh, ngoài sự hoạt động nhộn nhịp tại đại công trường Pormosa, thì phía ngoài “hàng rào” đại dự án này có hàng chục mỏ đá khai thác cũng hoạt động nhộn nhịp không kém để cung cấp cho thị trường Pormosa. Suốt ngày đêm xe cộ tấp vận chuyển đá từ các mỏ vào công trường. Hàng ngày có hàng trăm ngàn khối đá được vận chuyển vào đại công trường.
Hàng loạt mỏ đá tại địa bàn Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang ngắc ngoải chờ chết |
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mọi việc đã thay đổi hoàn toàn. Hầu hết các mỏ đã đều đóng cửa mỏ, số ít còn lại sống lay lắt, hoạt động cầm chừng qua ngày.
Đến các mỏ, đất đá trên địa bàn Kỳ Anh vào những ngày cuối tháng 9/2015, khác với cách đây vài năm trước, đập vào trước mắt chúng tôi là một khung cảnh trầm lắng, vắng bóng công nhân, xe cộ thưa thướt, máy móc và các loại dây chuyền nằm đắp chiếu không hoạt động, …
Hầu hết các chủ mỏ cho biết, để đầu tư vào khai thác mỏ đá ở đây, họ đã phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng, đến nay thu hồi lại chưa được 1/3. Hiện tại, vì đầu ra giảm mạnh nên chỉ giám sản xuất cầm chừng qua ngày, máy móc thiết bị được đầu tư hàng chục tỷ đồng tuy nhiên thời điểm này hoạt động với công suất không quá 30%, chỉ hoạt động một ca, còn lại nằm “đắp chiếu” bất động.
Gian nan cầm cự qua ngày
Bên cạnh những mỏ lớn như Hồng Sơn, Cơn Tria, Xuân Hồng, Khe Đá Giàn.. cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng vì đầu ra giảm mạnh, thì hầu hết ở các mỏ được đầu tư tiền tỷ cũng đang trong tình trạng ngắc ngoải chờ chết, đóng cửa không thể hoạt động.
Anh T, một chủ mỏ kể: “Đến thời điểm hiện tại, không những mỏ của tôi mà các mỏ khác đều trong tình trạng ảm đạm như vậy. Làm sao có đầu ra để khai thác, cầm cự nuôi công nhân, máy móc là tốt lắm rồi. Sản lượng làm ra không đủ để xoay vòng, chưa nói đến việc phải trả ngân hàng và đóng nộp các loại thuế.
Lượng hàng sản xuất ra không bán được, khiến các mỏ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nộp các khoản thuế, nuôi sống công nhân, máy móc |
Các anh thấy đó, máy móc, dây chuyền thiết bị ở đây chúng tôi phải vay mượn ngân hàng hàng tỷ đồng để đầu tư bây giờ hoạt động không hoạt động, đắp chiếu hoen rỉ, nợ ngân hàng ngày một tăng, không có việc làm công nhân cũng bỏ đi hết, chắc cũng phải đóng cửa mỏ thôi…”.
Một chủ mỏ khác bức xúc, không hiểu sao thị trường ở Hà Tĩnh nói chung và Kỳ Anh nói riêng các mặt đều giảm mạnh, nhưng tuyệt nhiên thuế là không giảm, chính điều này không những khiến cho chúng tôi mà tất cả các mỏ đang trong tình trạng dở sống, dở chết…
Hiện tại, vì thị trường ở đây ế ẩm nên tôi phải chuyển máy móc thiết bị đi tỉnh khác đầu tư còn để lại một phần ở lại hoạt động với công suất nhỏ lẻ. Nếu không đi kiếm thị trường nơi khác ở đây không biết đóng cửa mỏ lúc nào…
Ngoài việc, đầu ra giảm mạnh, kéo theo giá bán cũng giảm xuống 20% (đá hộc trước đây 110 ngàn đồng/m3, nay chỉ còn 80 ngàn đồng/m3, đá xay 1×2 trước đây 280 ngàn/m3, giờ chỉ còn 230 ngàn/m3…). Bên cạnh đó do thị trường bán ra ế ẩm nên một số mỏ bán phá giá vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến giá cả cũng như mức tiêu thụ của các mỏ đang còn hoạt động.
Trước tình trạng, các chủ mỏ gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu dùng thì việc đời sống công nhân cũng bị ảnh hưởng. Không có thị trường bán ra, sản lượng giảm vì vậy công nhân từ các mỏ cũng giảm 1/2 số lượng, mức tiền lương cũng giảm theo.
Anh Hùng, một công nhân tại mỏ đá tâm sự, trước đây, mỏ mới đi vào hoạt động, hàng hoá nhiều, có thời điểm làm 2, 3 ca nên mức thu nhập theo sản lượng cũng khá cao. Tuy nhiên, một năm lại đây, với việc sản xuất ra không bán được, giá cả lại giảm vì vậy hoạt động của mỏ thì cầm chừng, chỉ hoạt động một ca nên tiền lương cũng giảm, đời sống gặp nhiều khó khăn…
Nhiều dây chuyền hiện đại được đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng tại các mỏ đá chỉ hoạt động khoảng trên dưới 20% công suất. |
Chính những khó khăn chung như vậy nên nhiều công nhân đã phải tự bỏ ra đi tìm việc làm khác, nhiều công nhân thất nghiệp không có việc làm.
Gắn bó với mỏ đá đã hơn 5 năm nay, anh Bảo cho biết, với việc các mỏ lâm vào tình trạng sống dở, chết dở như lúc này thì đồng nghĩa với công nhân cũng vậy, một ngày làm một buổi, làm hưởng theo sản phẩm thì chú xem so với trước đây lương chưa bằng một nữa, làm sao để trang trải cuộc sống gia đình đây.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 100 mỏ khai thác đá, riêng địa bàn Kỳ Anh có đến 60 mỏ. Những năm trước ở Kỳ Anh có khoảng 30 mỏ hoạt động nhưng đến nay chỉ 15/30 mỏ hoạt động, với công suất hoạt động từ 20 – 30%.
(còn tiếp)
Đặng Sơn – Hà Vy – Hà Vũ
(Theo Tầm Nhìn)