Vụ clip "bôi trơn" hải quan Hải Phòng, nhiều cán bộ đã bị kỷ luật khiển trách. |
Tiếp tục kỳ họp thứ 5, ngày 13/6, Quốc hội (QH) dành cả ngày để thảo luận về dự án Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.
Góp ý dự thảo luật, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) dẫn trường hợp cụ thể: "Khi cuộc chiến chống tham nhũng bước vào giai đoạn cao trào thì 5 cán bộ hải quan Hải Phòng nhận mức kỷ luật khiển trách cho hành vi nhận hối lộ. Đây như cái tát vào cuộc chiến chống tham nhũng".
Theo ông Nhân, đây là "mức kỷ luật đầy tình người và đầy ẩn ý" dành cho các cán bộ hải quan Hải Phòng. Tuy nhiên, điều này không khác nào sự dung dưỡng cho cái ác, cái xấu tiếp tục lộng hành và gặm nhấm niềm tin của người dân.
"Để chống tham nhũng, cần phải giải được 4 ẩn số: Không dám, không thể, không cần và không được tham nhũng. Bốn ẩn số này đã được Singapore tìm ra, tạo nên một trong những chính phủ trong sạch nhất thế giới", ông Nhân nói.
Trước đó, hôm 8/5/2018, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xác minh, xử lý cán bộ công chức và các giải pháp phòng ngừa tiêu cực trong thực thi công vụ của ngành hải quan.
Theo đó cho biết, Cục Hải quan Hải Phòng đã tổ chức họp kiểm điểm và quyết định thi hành kỷ luật đối với 10 trường hợp. Trong đó xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với 5 cán bộ gồm: 1 Chi cục trưởng, 2 Phó chi cục trưởng, 2 Đội trưởng để làm gương, nghiêm khắc chấn chỉnh trong toàn Cục.
Xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với 5 trường hợp và điều chuyển vị trí công tác đối với 3 công chức thừa hành có hình ảnh trên báo. Cục Hải quan TP. Hải Phòng báo cáo lên Tổng cục Hải quan cho biết không bố trí 3 công chức nêu trên làm công tác nghiệp vụ, đồng thời đã đưa vào danh sách điều động, chuyển đổi vị trí công tác theo kế hoạch tổng thể của Cục Hải quan TP. Hải Phòng trong tháng 5/2018.
Đối với 4 lãnh đạo Đội (2 lãnh đạo Đội thủ tục hàng hoá xuất nhập khẩu, 2 lãnh đạo Đội Giám sát Hải quan thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ), Cục Hải quan TP. Hải Phòng đang thực hiện các thủ tục để điều động.
Trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Công Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, quan điểm của Tổng cục Hải quan là chủ động phòng, chống, ngăn chặn vi phạm, tiêu cực của cán bộ công chức. Trong trường hợp vi phạm phải kiên quyết xử lý, không bao che, dung túng đối với những cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực dù là cán bộ ở cấp nào.
Năm 2017, số công chức viên chức bị xử lý kỷ luật trong ngành Hải quan là 69 người; tính từ đầu năm 2018 đến tháng 5 có 33 trường hợp bị kỷ luật.
Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tiếp tục xây dựng dự thảo “Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý vi phạm của công chức trong ngành Hải quan”- một văn bản quan trọng có tác động, điều chỉnh toàn bộ hành vi của CBCC, viên chức, người lao động trong Ngành khi thực thi công vụ. So với các quyết định trước đây Quy chế này sẽ định danh hơn 300 hành vi vi phạm, tương ứng với đó là đi kèm các chế tài xử lý từ nhắc nhở, phê bình đến kỷ luật buộc thôi việc, trong đó quy định quy trình kiểm tra hoạt động công vụ.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí