Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Xót xa mẹ già chăm con trong cũi sắt

Trong căn nhà tồi tàn ở vùng quê nghèo miền Trung có một người mẹ già hàng ngày phải chăm sóc hai đứa con tâm thần, nhốt trong cũi sắt. Đó là hoàn cảnh đáng thương của bà Nguyễn Thị Tân (SN 1954) ở thôn Thành Xuân, xã Cẩm Hà, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Chủ tịch xã Cẩm Hà trao quà, động viên gia đình bà Tân. ảnh:T.G

Trời chẳng chiều lòng người

Đón chúng tôi trong căn nhà lụp xụp, chẳng có nổi vật dụng gì đáng giá, người mẹ già với đôi mắt gần như mờ lòa vì những đêm khóc thương con.

Bà Tân sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo khó, tuổi thơ trải qua biết bao sóng gió, thăng trầm. Giấc mơ được cắp sách tới trường của người phụ nữ ấy cũng thật ngắn ngủi biết bao. Khi vừa nhận biết được mặt chữ, bà đã phải nghỉ học do hoàn cảnh kinh tế gia đình vô cùng khó khăn.

Gia đình nghèo khó nên đến năm 24 tuổi bà Tân được mai mối cho một người đàn ông trong vùng là ông Nguyễn Văn Khánh (SN 1954). Sau khi lấy nhau được một thời gian ông Khánh đổ bệnh, đi khám bác sỹ kết luận bị tiểu đường, sau đó ông chỉ nằm một chỗ, không làm được việc gì.

Vợ chồng bà Tân sinh được hai người con là chị Nguyễn Thị Thiền (SN 1977) và anh Nguyễn Văn Quang (SN 1986). Tưởng chừng đây là niềm vui lớn lao nhất đối với vợ chồng bà Tân, nhưng thật trớ trêu, khi sinh ra hai người con đều mắc bệnh tâm thần. Mọi gánh nặng trong gia đình đều đổ dồn lên đôi vai gầy yếu của bà suốt mấy chục năm qua.

Từng giọt nước mắt vàng đục lăn trên gò má sạm đen, bà nghẹn ngào: “Từ khi hai con tôi được sinh ra chúng nó không may mắn như bao người khác, hàng ngày đứa thì đập phá hết đồ đạc trong nhà, đứa thì đi lung tung khắp nơi không biết đường về. Nhìn cảnh con bị nhốt trong cũi sắt tôi đau đớn lắm”.

Dừng một lúc để lau nước mắt, người mẹ già tội nghiệp kể tiếp: “Thằng Quang hay lên cơn điên, la hét đập phá mọi thứ trong nhà, những lúc như thế tôi không còn cách nào khác đành nhờ hàng xóm sang dùng dây trói lại. Nhiều người khuyên tôi nên làm cũi sắt để nhốt nó trong cho dễ chăm sóc. Biết làm vậy là nhẫn tâm nhưng tôi cũng hết cách rồi”.

Còn chị Thiền thì hàng ngày cứ đi khắp mọi nơi, nhiều hôm đi bộ cách nhà đến hơn 20km, bà Tân phải nhờ hàng xóm đi tìm đưa về. Bà Tân tâm sự: “Cách đây hơn 2 tháng nó đi khỏi nhà hơn 2 ngày, tôi thì già rồi không biết đường nào mà đi tìm. May sao hôm đó có người trong thôn đi trên TP Hà Tĩnh về, thấy nó đang lang thang trên đường nên đã cho nó ăn uống, sau đó đưa về nhà”.

Rất nhiều lần bà Tân đã phải vay mượn tiền của anh em đưa hai người con đi chạy chữa, nhưng bệnh tình con không thuyên giảm. Sức khỏe ngày càng yếu và không còn khả năng lao động để có tiền chữa bệnh cho chồng con, bà Tân đành để hai người con ở nhà, phó mặc tương lai cho số phận.

Một đời bươn chải nuôi chồng bệnh tật, con tâm thần

Hơn 10 năm nay,bà Tân đau xót nhìn người con trai bị nhốt vào cũi sắt

Đến thăm gia đình bà Tân đúng lúc bà cho chồng con ăn trưa, chúng tôi nghẹn ngào trước cảnh tượng người phụ nữ tóc đã bạc theo năm tháng, tấm lưng đã còng rạp xuống nhưng vẫn lọ mọ bón cho chồng con từng miếng cơm. Thỉnh thoảng, các con bà giật nảy mình, thay đổi tính nết rồi đẩy bà ra xa. Lúc đó bà đành đưa bát cơm cho con rồi ngồi xuống bên cạnh vỗ về.

Trước đây, khi còn có sức khỏe bà Tân đi làm thuê, bốc vác, phụ hồ… miễn sao có chút tiền về trang trải bữa cơm cho chồng con. Giờ tuổi đã cao, sức yếu, bà chỉ biết trông cậy vào vài ba sào ruộng, mấy mớ rau nhỏ trong vườn.

Gạt nước mắt, bà Tân tâm sự: “Tôi già rồi khổ sao cũng chịu được, nhưng thương cho hai đứa con, chúng nó đã quá thiệt thòi rồi. Tôi chỉ mong sao gia đình chúng tôi có một bữa cơm quây quần bên nhau như bao gia đình khác. Chỉ một điều ước nhỏ nhưng đối với tôi sao nó khó quá”.

Vì hoàn cảnh nhiều lúc bà Tân muốn cuộc đời mình kết thúc sớm chừng nào hay chừng ấy để bản thân được thảnh thơi. Tuy nhiên, tình mẫu tử thiêng liêng đã không cho phép bà làm điều đó. Bà sẽ cảm thấy vô cùng khổ tâm khi những đứa con do chính bà sinh ra phải lang thang nay đây, mai đó, đói lòng mà chẳng được ăn, lạnh thấu xương cũng không có chăn đắp...

Nghĩ vậy, bà lại tự động viên mình phải cố gắng vượt qua khó khăn để chăm lo cho chồng, cho các con được chừng nào hay chừng ấy. Dù còn một hơi sức nhỏ bà cũng phải cố gắng.

Ông Thông (hàng xóm) chia sẻ: “Nhìn hoàn cảnh gia đình bà Tân mà chúng tôi thấy xót xa. Bà Tân thì già quá rồi, sức khỏe yếu, vậy mà hàng ngày vẫn phải nai lưng chăm sóc hai người con tâm thần, chồng bệnh tật phải nằm một chỗ.

Hàng xóm chúng tôi ai cũng thương gia đình bà, có cái gì ăn cũng hay mang qua cho, nhưng tình cảm làng xóm cũng chỉ giúp nhau được chút ít vậy thôi, vì vùng quê nghèo chúng tôi hầu như hoàn cảnh mọi người đều khó khăn”.

Sống gần hết cuộc đời, bà Tân chỉ mong cho các con mình được ngủ ngon giấc, ăn được chút cơm cháo và bớt đi phần nào tính quấy phá. Nhiều lúc đến bữa, bà Tân phải ngồi bên cạnh, dỗ dành các con như những đứa trẻ mới lớn. Thấy con ăn được chút cơm, khuôn mặt bà cũng thể hiện sự vui mừng, dù lòng đau như cắt...

Rời căn nhà nhỏ của bà Tân mà lòng chúng tôi thắt lại. Mai đây sức khỏe của bà Tân cùng kiệt ai sẽ là người chăm lo cho người chồng bệnh tật và hai đứa con tội nghiệp của bà? Cầu mong cho bà có nhiều sức khỏe để chống chọi với cuộc đời đầy bất hạnh.

Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết: Hoàn cảnh gia đình bà Tân thuộc diện khó khăn trong xã, hàng tháng gia đình bà nhận được 1.620.000 đồng tiền trợ cấp, từng đấy không thấm vào đâu khi một mình bà phải chăm lo bữa ăn, thuốc men… cho chồng con. Hi vọng các nhà hảo tâm có thể chia sẻ, giúp đỡ hoàn cảnh gia đình bà Tân vượt qua khó khăn trước mắt”.



Tác giả: S.Nguyễn – K. Huyền

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG