Ông N. ( chủ một doanh nghiệp vận tải hành khách đóng trên địa bàn Hà Tĩnh), đại diện cho nhiều đơn vị vận tải bức xúc: “Chúng tôi là những đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định luôn chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về vận tải hành khách bằng ôtô mà nhà nước đã ban hành, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho hành khách. Nhưng hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh có rất nhiều xe không đăng ký luồng tuyến, hoạt động trá hình, bất chấp pháp luật, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các ngành chức năng, cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến trật tự an ninh, an toàn giao thông, gây ảnh hưởng rất lớn cho các đơn vị vận tải hành khách kinh doanh chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật”.
Ông Phan Ngọc Quyết – Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh cho biết: “UBND tỉnh đã có công văn giao cho bộ phận xử lý tình trạng xe dù. Còn lực lượng thanh tra thì theo luật GTĐB chủ yếu kiểm tra tại bến xe chứ không được phép dừng xe trên Quốc lộ. Theo thống kế của phòng Vận tải, hiện nay rất nhiều xe dù vẫn đang hoạt động trên đường…”.
Một hành khách cho biết: “Vì công việc, nên tôi thường xuyên phải đi tuyến Hương Sơn- Hà Nội và ngược lại. Vì thế, tôi chọn những xe chất lượng cao, chạy tuyến cố định và đặt trước vé. Nhưng có lần vì đột xuất, không đặt vé trước được nên tôi phải đi xe ngoài. Thấy xe giường tầng lại có treo biển “chất lượng cao” nên tôi khá yên tâm. Nhưng không ngờ tôi gặp phải xe “dù”. Khi lên xe, tôi thỏa thuận đến bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) nhưng xe lại không vào bến Nước Ngầm mà trả khách tại bãi đỗ xe gần bến xe Mỹ Đình. Khi tôi và các hành khách khác phản ứng thì mấy phụ xe mặt mày bặm trợn, đuổi hết khách xuống”.
Cơ quan chức năng bất lực?
Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh, vừa qua Sở đã nhận được công văn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu kiểm tra 2 chiếc xe mang BKS 38B-006.50 và 38B-006.76, không có luồng tuyến cố định, có hành vi đuổi khách xuống dọc đường…
Qua kiểm tra, được biết 2 xe này là của nhà xe Văn Chương, thuộc huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Mặc dù không làm thủ tục để cấp Giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu chạy xe theo quy định nhưng vẫn hoạt động thường xuyên trên tuyến Hà Tĩnh – Hà Nội. Xe đón khách tại nhà riêng ở xã Sơn Tây, nằm trên quốc lộ 8 (gần cây xăng dầu Sơn Tây) và trả khách ở đường Phạm Hùng, cách bến xe Mỹ Đình 300m.
Ông L. (một doanh nghiệp vận tải đóng trên địa bàn huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) bức xúc: “Nhà xe Văn Chương này đã hoạt động mấy năm nay, đón khách từ Hương Sơn đi Hà Nội và ngược lại. Không có luồng tuyến, không có phù hiệu nhưng vẫn chạy bình thường. Xe chạy ngang nhiên chứ có trốn tránh gì đâu mà lực lượng Công an không biết…”
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Bảo – Trưởng phòng quản lý phương tiện, vận tải và người lái thuộc Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh thoái thác: “Chúng tôi đã gửi cho Công an tỉnh, Tổng cục đường bộ VN về vấn đề này. Đáng lẽ việc này là bên Thanh tra Sở đi kiểm tra thực hiện trước, nhưng chúng tôi nhận được phản ánh nên đã gửi danh sách các xe dù lên Công an tỉnh rồi. Cái này là ngoài đường, chúng tôi không có trách nhiệm, những xe này không liên quan đến Sở Giao thông vì chưa đăng ký. Khi nào họ đến đăng ký làm thủ tục thì chúng tôi mới quản lý. Bên chúng tôi đã cung cấp thông tin cụ thể từ nơi đậu xe, chạy tuyến nào thì có gì mà không bắt được. Việc không bắt là việc của họ. Chạy qua 5-7 tỉnh nhưng không hiểu nổi tại sao mà thoát được cả, không biết bên Công an làm ăn sao?”.
Hà Tĩnh từng được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tuyên dương là một trong những địa phương quyết liệt xử lý xe quá tải khi Chủ tịch tỉnh cùng các cơ quan chức năng “xuống đường”. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng Hà Tĩnh cần có biện pháp đồng bộ, xử lý mạnh tay hơn nữa để sớm chấn chỉnh công tác vận tải hành khách bằng ôtô trên địa bàn, nhằm bảo vệ quyền lợi cho hành khách đi xe cũng như đem lại công bằng trong lĩnh vực kinh doanh vận tải.