Nông thôn mới kiểu mẫu Thạch Châu (huyện Lộc Hà) nổi bật với những điểm nhấn về văn hóa, giáo dục. |
Xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà) là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, việc duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống luôn được xem là hồn cốt trong công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn xã có di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia nhà thờ họ Phan Huy, 5 di tích cấp tỉnh và hàng chục nhà thờ họ, công trình kiến trúc văn hóa khác đang được bảo tồn, gìn giữ. Mỗi năm, địa phương huy động nguồn xã hội hóa từ 500 – 700 triệu đồng vào việc trùng tu, tôn tạo, sửa chữa các công trình này.
Những công trình này vừa tạo nên những nét chấm phá đặc sắc trong bức tranh nông thôn mới nâng cao, vừa là môi trường sinh hoạt tâm linh, giáo dục truyền thống, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, phát huy trách nhiệm với quê hương... của thế hệ trẻ.
Để đáp ứng yêu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, Thạch Châu đã không ngừng đầu tư công sức, kinh phí, tâm huyết để xây dựng hệ thống cơ sở vật chất văn hóa khang trang, hiện đại. Theo đó, từ năm 2012 đến nay, bình quân mỗi năm địa phương này huy động khoảng 1,2 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công để xây dựng, chỉnh trang khuôn viên các nhà văn hóa thôn, các điểm sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, trên địa bàn cũng đã xây dựng “Nhà văn hóa cộng đồng - ngôi nhà trí tuệ” hiện đại và nhà thư viện xã khang trang với hơn 3.500 đầu sách phục vụ 200 – 250 lượt bạn đọc. Hơn 1 thập kỷ qua, xã Thạch Châu luôn dẫn đầu toàn huyện về thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí số 6) trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng thì đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn cũng không ngừng được chăm lo, cải thiện.
Chị Phan Thị Bích, công chức văn hóa xã Thạch Châu cho biết: “Để nâng cao chất lượng tiêu chí nổi trội, chúng tôi đang tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, lễ hội, việc tang. Xây dựng quy ước, hương ước; phối hợp tổ chức tập huấn cho người dân về kỹ năng sống và văn hóa ứng xử (tỷ lệ hiện đạt trên 70%, phấn đấu sớm đạt 100%). Tăng tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa (hiện đạt trên 90%). Đặc biệt, chúng tôi sẽ duy trì hoạt động tốt các mô hình câu lạc bộ văn hóa (dân ca ví, giặm, bình đẳng giới, thơ...) và các câu lạc bộ thể thao (bóng chuyền, dưỡng sinh, bóng bàn, cầu lông...) hiện có để nâng cao đời sống tinh thần cho bà con”.
Ông Nguyễn Tiến Tám, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Châu chia sẻ: Trong hành trình xây dựng nông thôn mới của xã nhà, chúng tôi luôn bám sát Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu bền vững đất nước và lựa chọn văn hóa là lĩnh vực nổi trội để xây dựng xã nông thôn mới. Đặc biệt, chúng tôi luôn có sự quan tâm đúng mức đối với việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội gắn với xây dựng chuẩn mực con người Thạch Châu và nâng cao trình độ dân trí. Nhờ sự kiên trì vào cuộc, nỗ lực đầu tư, có cách làm sáng tạo nên đến cuối năm 2023, chúng tôi đã đạt chuẩn 8/8 tiêu chí của lĩnh vực văn hóa và hiện nay đang tiếp tục “gia cố” để ngày càng tốt hơn.
Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ được đánh giá là cách làm sáng tạo, mang lại nhiều lợi ích, ý nghĩa trong xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân các địa phương ở Hà Tĩnh. |
Đến với xã Thịnh Lộc (Lộc Hà), cùng với diện mạo khang trang, đời sống vật chất no ấm, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở Thịnh Lộc cũng không ngừng được đẩy mạnh. Đến nay, toàn xã có 1784/1910 hộ gia đình văn hóa (đạt 93,4%); 1028/1910 hộ gia đình thể thao (đạt 53,8%); có 87 hộ gia đình văn hóa tiêu biểu. Phong trào tập luyện thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ luôn sôi nổi. Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa được chú trọng, toàn xã có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 5 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, hằng năm đều được trùng tu tôn tạo bằng các nguồn vận động xã hội hóa. Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao…
Ông Lê Doãn Khánh, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho biết: “Địa phương bắt đầu thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới vào năm 2011. Lúc đó, Thịnh Lộc là xã có điểm xuất phát thấp nhất trong huyện, với cơ sở hạ tầng gần như bằng không. Thế nhưng, cùng với sự chỉ đạo của các cấp, ngành cấp trên, sự chung sức đoàn kết nỗ lực thực hiện của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân, năm 2019, Thịnh Lộc về đích xã nông thôn mới. Đến nay, toàn xã đã cứng hóa bê tông, thảm nhựa được 46km đường giao thông nông thôn; trường tiểu học và trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, trạm y tế khang trang; 4/6 thôn đạt chuẩn khu dân cư mẫu. Đặc biệt, hệ thống thiết chế văn hóa từ cấp xã tới thôn đều được xây dựng đầy đủ, 6/6 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 52,9 triệu đồng/người/năm”.
Không chỉ ở xã Thạch Châu và Thịnh Lộc, xây dựng nông thôn mới đã mang lại cho nhiều vùng quê khắp mọi miền Hà Tĩnh một diện mạo mới. Ở đó, bên cạnh đời sống vật chất, đời sống văn hóa của người dân đều được nâng lên một tầm cao mới.
Đến hết tháng 8/2024, toàn tỉnh có 10/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 181/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 65/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 17/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 đạt 49,23 triệu đồng (năm 2011 là 16,367 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,01% (năm 2011 là 23,91%).
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn liền với phong trào xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 1.905/1.937 thôn, tổ dân phố văn hóa; 354.732/377.691 gia đình văn hóa; 179/181 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (đạt tỷ lệ 98,8 %); 181/181 xã đạt tiêu chí văn hóa; 108/181 xã đạt tiêu chí văn hóa bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Riêng các nội dung xây dựng tỉnh nông thôn mới về văn hóa, thể thao và du lịch thì Hà Tĩnh đã có 100% di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh được bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị; 100% các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cấp tỉnh được bảo tồn và phát huy hiệu quả.
Tác giả: Lê Minh
Nguồn tin: Báo Xây Dựng