Chính sách

Hà Tĩnh: Vươn mình ra biển lớn

Dù là một năm đầy “sóng gió” của tình hình kinh tế vĩ mô, Hà Tĩnh vẫn vươn dậy bứt phá trở thành tỉnh đứng thứ 6 trong cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Những công trường công nghiệp ngày cuối năm, không quá nhiều sắc đào, sắc mai, chỉ có ánh lửa hàn lấp loáng trên giàn khung, những chuyến xe tấp nập vào ra và cả không khí lao động khẩn trương, sôi động ở các khu kinh tế dường như đã mang mùa xuân về từ bao giờ…

Những “thỏi nam châm” kỳ diệu

Vũng Áng lại rạo rực vào xuân, một trung tâm công nghiệp nặng lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ đang dần lộ rõ hình hài. Những ai mới đến đây lần đầu chẳng khác nào như bước vào bên trong cỗ máy thần kỳ, đại công trường với những dàn khung thép, ống khói nhà máy cao chọc trời; người, máy móc, xe vận tải lớn nhỏ và cả những con tàu hàng khổng lồ tấp nập không kể ngày đêm. Đi về phía biển, tuyến cầu cảng chạy dài như cánh tay lực lưỡng của chàng trai căng tràn sức trẻ vươn mình ra khơi.

Công trường Nhiệt điện Vũng Áng 1 hối hả những ngày cuối năm
Một góc Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1. Ảnh: Thế Công

Là một trong 5 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ tập trung đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2015, Vũng Áng tập trung các ngành kinh tế trụ cột, có ý nghĩa chiến lược quốc gia như: luyện kim, điện năng, hóa dầu và cụm cảng biển. Đặc biệt, sự góp mặt của các “đại gia” trong lĩnh vực công nghiệp: Tập đoàn Formosa (Đài Loan), Tập đoàn Human (Hàn Quốc), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam… đã biến KKT Vũng Áng trở thành “thỏi nam châm” thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Ông Nguyễn Phùng Quang – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Sở KH&ĐT cho biết: Hiện nay, tại KKT Vũng Áng có trên 330 doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn hơn 16 tỷ USD. Khu kinh tế trọng điểm này liên tục thu hút nhiều công trình, dự án lớn mang tầm quốc gia và khu vực như: khu liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn FoRmosa (10 tỷ USD), Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I (1,56 tỷ USD), Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II (2,4 tỷ USD)”.

Cùng với Vũng Áng, Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cũng là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư. Sở hữu vị trí chiến lược trên QL 8A qua biên giới Việt – Lào, KKT Cầu Treo không chỉ là đầu mối lưu thông nội địa của các nước tiểu vùng sông Mê Kông mà còn là điểm nối ngắn nhất với Thái Bình Dương rộng lớn. Cùng với ưu đãi của tự nhiên và chính sách “khơi thông” thu hút đầu tư, vùng kinh tế trọng điểm phía Tây của tỉnh đang dần thay da đổi thịt từ một thị trấn hoang sơ trở thành đô thị sầm uất thương mại. Năm 2013, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo thu hút 20 dự án đầu tư với tổng số vốn trên 2.500 tỷ đồng.

Tiếp tục vươn mình ra biển lớn…

Hà Tĩnh là một trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước công bố quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Lợi thế này đã giúp một tỉnh nghèo, thuần nông bứt phá trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển. Trong năm qua, tổng số vốn giải ngân hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao. Tiến độ giải ngân nguồn vốn FDI đến cuối 2013 đạt gần 2,3 tỷ USD, tăng gấp đôi năm 2012.

Kinh tế biển Hà Tĩnh - nhìn từ những ngành, nghề ưu tiên
Tàu vào nhận quặng tại cảng Vũng Áng. Ảnh: Trọng Tuệ

Phải nói rằng, các chương trình “mời gọi” xúc tiến đầu tư của tỉnh đã tạo hành lang thoáng rộng để các doanh nghiệp cạnh tranh trong môi trường đầu tư lành mạnh nhất. Bên cạnh nhắm đến các dự án lớn, nhằm tạo sức bật cho phát triển kinh tế trên địa bàn, tỉnh ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho ngành sắt thép; sản xuất các sản phẩm từ thép; đầu tư trực tiếp hoặc BOT, BT, PPP hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, bệnh viện, giáo dục, đào tạo nghề; xây dựng một số chợ đầu mối, trung tâm thương mại, hệ thống khách sạn cao cấp, khu du lịch sinh thái và các dự án nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy hải sản; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; môi trường.

Bước chân vào môi trường đầu tư rộng lớn hơn, cuối năm 2013, đoàn lãnh đạo cấp cao của tỉnh cùng với các doanh nghiệp đã tổ chức thành công 3 hội nghị xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh tại Nhật Bản và Hàn Quốc với sự tham gia của 450 tập đoàn, công ty, các tổ chức và nhà đầu tư. Đặc biệt, hội nghị đã thu hút sự quan tâm của các tập đoàn, tổng công ty lớn hàng đầu thế giới như:

Mitsubishi, Kobelco, SOJITZ, Ngân hàng Sumitomo, Tập đoàn năng lượng JX của Nhật Bản và các tập đoàn, tổng công ty của Hàn Quốc như: Samsung, Huyndai, KUKJEA, Tổng Công ty Khí Hàn Quốc và Công ty Ham Chang. Kết quả, 8 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, thương mại được ký kết và 4 dự án ký thỏa thuận đầu tư vào KKT Vũng Áng với số vốn 2.418 triệu USD.

Xuân đang về trên những công trường, ngập tràn vào xưởng máy. Hà Tĩnh trong mắt các nhà đầu tư không còn là miền đất gió lào, cát trắng, mà là một trung tâm công nghiệp căng sức trẻ vươn mình ra biển lớn…

Nguyễn oanh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP