Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Vì sao xe có dấu hiệu quá khổ, quá tải vẫn còn "đại náo"?

Xe quá khổ và có dấu hiệu quá tải trọng ngang nhiên hoạt động trên các tuyến đường ở tỉnh Hà Tĩnh đã được lực lượng chức năng vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng xe quá khổ, quá tải "đại náo".

Xe tải chở đất hoạt động hết công suất, gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông


Muôn nẻo vi phạm

Sau một thời gian ứng phó với đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (theo Kế hoạch số 299, ngày 13/6/2022 của Bộ Công an), các phương tiện vận tải ở tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục hoạt động rầm rộ trở lại.

Tại các tuyến Quốc lộ 8A, đường mòn Hồ Chí Minh, Quốc lộ 15A, Quốc lộ 12C, Tỉnh lộ 552, Tỉnh lộ 21 và nhiều tuyến giao thông huyết mạch, tình trạng xe tải chở đất đá, vật liệu xây dựng, xe chở gỗ keo quá khổ và có dấu hiệu quá tải trọng diễn ra khá phổ biến.

Xe chở gỗ keo vượt quá chiều dài, chiều cao thành thùng hoạt động rầm rộ trên các tuyến đường ở tỉnh Hà Tĩnh


Qua quan sát, hầu hết các phương tiện vận tải đều tăng ca, tăng chuyến, phóng nhanh, vượt ẩu để bù cho khoảng thời gian dài hoạt động cầm chừng. Còn riêng xe chở gỗ keo thì cắm cọc, hoặc lắp đặt thêm khung sắt thép, chở vượt quá nhiều lần so với chiều dài, chiều cao thành thùng quy định.

Mặc dù các phương tiện vận tải có dấu hiệu vi phạm tải trọng, chở gỗ keo cồng kềnh gây mất trật tự an toàn giao thông, băm nát nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và các trục đường huyết mạch, vậy nhưng, việc kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng ở tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa mang lại kết quả thiết thực.

Xe tải chở đất gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường trên tuyến Tỉnh lộ 21 ở huyện Thạch Hà


“Xe tải chở đất, chở gỗ keo hoạt động rầm rộ suốt ngày đêm, gây nguy hiểm cho người và các phương tiện tham gia giao thông. Trên tuyến Tỉnh lộ 21, Tỉnh lộ 3, Quốc lộ 15A… thỉnh thoảng có thấy lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, nhưng sau đó các phương tiện vận tải tiếp tục chạy rầm rộ hơn. Giờ đây các tuyến đường đang bị xe tải cày xới, xuống cấp nghiêm trọng” - một người dân ở xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà bức xúc phản ánh.

Vì sao khó xử lý?

Thực hiện Kế hoạch số 299 của Bộ Công an, Công an Hà Tĩnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là nồng độ cồn, ma túy và chở quá tải trọng.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Hà Tĩnh tuyên truyền các cơ sở thu mua gỗ keo không vi phạm chở quá khổ, quá tải trọng


Qua tìm hiểu được biết, đợt cao điểm (từ ngày 20/6 - 20/9/2022) lực lượng công an các cấp ở tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức ký cam kết cho 3.578 chủ phương tiện; vận động và yêu cầu tháo dỡ, cắt bỏ thành thùng cơi nới 898 trường hợp vi phạm.

Điều ghi nhận là sau đợt cao điểm, hầu hết phương tiện vận tải đều không còn vi phạm cơi nới thành thùng, nhưng tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, chở có dấu hiệu quá tải trọng, đặc biệt là xe chở gỗ keo cồng kềnh, xe quá khổ… đang diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi mà không bị xử lý.

Xe chở hàng hóa cồng kềnh, vượt quá nhiều lần so với thành thùng quy định lưu thông trên đường mòn Hồ Chí Minh


Đại úy Hoàng Tùng Lâm - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Can Lộc cho biết, sau một thời gian tập trung xử lý, hiện nay trên địa bàn không còn xe cơi nới thành thùng. Tuy nhiên, xe chở gỗ keo vượt quá chiều dài, chiều cao thành thùng thì vẫn còn.

“Nguyên nhân do lực lượng mỏng, chưa thể quán xuyến hết địa bàn, trong khi đó các phương tiện chở gỗ keo hoạt động lén lút, chủ yếu vào buổi trưa hoặc đêm tối khi không có lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát. Vì vậy, đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi, nắm tình hình, tập trung điều tra cơ bản các phương tiện vận tải thường hay vi phạm để có phương án xử lý” - đại úy Hoàng Tùng Lâm cho biết thêm.

Lực lượng mỏng, phương tiện vận tải vi phạm dù hoạt động lén lút hay công khai thì công tác kiểm tra, xử lý vẫn phải được duy trì thường xuyên, liên tục để lập lại trật tự kỷ cương giao thông. Còn nếu như đợt cao điểm ra quân quyết liệt, rầm rộ, nhưng sau đó các phương tiện lại tái vi phạm thì coi như đợt cao điểm thực hiện Kế hoạch số 299 của Bộ Công an chưa mang lại kết quả thiết thực.

Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Đăng Nhàn - Chủ tịch UBND xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang cho biết, địa bàn xã có tuyến đường mòn Hồ Chí Minh đi qua và đặc biệt có Nhà máy gỗ MDF Thanh Thành Đạt nên phương tiện vận tải qua lại rất nhiều. Hầu hết xe chở gỗ keo đều quá khổ và có dấu hiệu quá tải trọng, nhưng lực lượng công an vẫn chưa thể xử lý dứt điểm, nguy cơ mất an toàn giao thông luôn tiềm ẩn.

Phương tiện chở gỗ keo hoạt động trên tuyến Tỉnh lộ 552, huyện Vũ Quang


Liên quan đến vấn đề xe chở quá khổ và có dấu hiệu vi phạm tải trọng nói chung, xe chở gỗ keo cồng kềnh nói riêng, đại tá Đặng Hoài Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động, tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, vì nếu để xẩy ra tai nạn sẽ gây nên những hậu quả khó lường.

“Quan trọng là chính quyền các địa phương cần tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng để tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao của lái xe, chủ doanh nghiệp vận tải trong việc cam kết không chở quá khổ, quá tải trọng. Sau đó nếu phát hiện các trường hợp vi phạm việc xử lý cũng sẽ thuận lợi hơn, thuyết phục hơn, sức lan tỏa của pháp luật mới thực sự đi vào cuộc sống” - đại tá Đặng Hoài Sơn chia sẻ.

Xử lý các phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông nói chung, xe tải chở đất, chở gỗ keo quá khổ, quá tải trọng nói riêng bên cạnh ý thức chấp hành của các chủ phương tiện, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của lực lượng chức năng và chính quyền các cấp. Có như vậy thì sau Kế hoạch số 299 của Bộ Công an, việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở Hà Tĩnh mới hiệu quả, đáp ứng niềm tin, sự kỳ vọng của Nhân dân.

Tác giả: Văn Chương

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP