Nông Thôn Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Vì sao không ai muốn làm nông dân?

Nông dân xã Hương Thọ (huyện Vũ Quag) bị một doanh nghiệp tận Hà Nội “xù” tiền trồng ớt liên kết. Gần 200 hộ nghèo xã Hương Giang (Hương Khê) chưa kịp vui mừng vì được lợn hỗ trợ của nhà nước thì đàn lợn lăn đùng ra chết. Những vụ việc gần đây ở tỉnh Hà Tĩnh khiến tôi nghĩ đến câu hỏi “vì sao không ai muốn làm nông dân?” của ông Nguyễn Quốc Cường, chủ tịch Hội nông dân Việt Nam đặt ra tại Đại hội Đảng lần thứ XII vừa qua.

Vậy vì sao không ai muốn làm nông dân?

Chưa nói ở đâu xa, thử liệt kê một số vụ việc ở Hà Tĩnh trong năm vừa qua và thời gian gần đây để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên.

Người nông dân Việt Nam từ ngàn đời xưa đến nay đã biết rằng, sản xuất nông nghiệp thì phụ thuộc “ông trời”. Nhưng mỗi lần chứng kiến cảnh mùa màng thất bát vì thiên tai, thời tiết không thuận lợi khiến tôi hay bất kì ai cũng không thể không khỏi xót xa.

Cách đây chưa lâu, đáng ra rất nhiều hộ nông dân Hà Tĩnh đã có thể đón một cái tết Bính Thân 2016 ấm no nếu không có đợt rét đậm, rét hại siêu kỉ lục trong nhiều năm trở lại đây. Với nhiệt độ có thời điểm chỉ 5, 6 độ C, 156 tấn cá nuôi lồng bè và nuôi ao đất tại 6 huyện, thành phố của Hà Tĩnh đã chết rét vì không chịu nổi giá lạnh, thiệt hại gần 14 tỷ đồng. Nhìn hình ảnh người nông dân nấu nước nóng để “cấp cứu”, sưởi ấm cho cá mà tôi không khỏi chạnh lòng. Vậy là rất nhiều hộ gia đình mất tết.

hatinh (2)
Người nông dân Hà Tĩnh nấu nước nóng “cấp cứu” cho cá trong thời tiết giá rét (nguồn: báo Dân Việt).

Thế rồi vừa ăn tết xong, báo chí lại được dịp “khóc” cùng người nông dân Hà Tĩnh trước tình trạng hàng ngàn ha lúa mạ bị chết rét. Trả lời trên infornet.vn, ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh – cho biết, vụ xuân 2016, đợt gieo, cấy trước tết Nguyên đán gặp rét đậm từ ngày 23 – 27.1 nên nhiều diện tích lúa của Hà Tĩnh bị hư hỏng. Thống kê có 6379 ha lúa gieo, cấy bị chết trên 50%; 5756 ha chết từ 30 – 50%; mạ xuân bị chết 242 ha. Diện tích lúa bị chết xảy ra ở tất cả 13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Cho đến tận thời điểm này, xuống nhiều cánh đồng của Hà Tĩnh, không khó để chứng kiến cảnh những người nông dân chân lấm tay bùn cào từng ruộng lúa hỏng để gieo lại. Thiệt hại nhiều đến mức ông Lê Đình Sơn, Bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phải ra tận chân ruộng, chỉ đạo các địa phương quyết liệt cùng nông dân “cứu” lúa.

Những ngày gần đây, dư luận lại xôn xao trước tin gần 200 hộ nông dân nghèo của xã Hương Giang (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) “vui hụt” vì lợn hỗ trợ từ chính quyền vừa đưa về nuôi được vài ngày thì bỗng lăn đùng ra chết. UBND xã Hương Giang vốn đã lập dự án, hỗ trợ hộ nghèo mỗi hộ một con lợn, giá 1,5 triệu đồng/con. “Niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi lợn vừa đưa về nuôi đã chết.

Nhiều câu hỏi đã được đặt ra về tính minh bạch của số tiền mua lợn hỗ trợ? nguyên nhân vì sao lợn chết? vì sao không hỗ trợ tiền trực tiếp cho dân tự  mua lợn và xã giám sát? mà ngược lại, xã “bao” hết, nhiệt tình “bất ngờ” khi ra tận Nghệ An mua lợn đem đến tận chuồng cho dân?.v.v.

 Tôi chưa bàn đến những câu hỏi nêu trên, mà từ câu chuyện lợn hỗ trợ cho người nghèo có thể thấy, với nhiều vị “Quan” thì 1 triệu hay 1,5 triệu đôi khi chỉ là…bữa nhậu, nhưng đối với người nông dân thì từng quả trứng gà, quả cam, con gà, con vịt… hay con lợn hỗ trợ chỉ có mấy kg đã là cả một tài quý giá đối với họ. Đó, đôi khi là miếng cơm, manh áo mưu sinh từng bữa qua ngày; đó cũng chính là tiền đề để họ phát triển sản xuất, dành dụm lúc ốm đau khi trái gió trở trời, nhất là với những nông dân nghèo. Cho nên, thiết nghĩ, chính quyền nếu đã thực sự quan tâm, hỗ trợ người nghèo thì cũng nên làm cho tử tế với trách nhiệm thực sự.

Nông dân xã Hương Thọ bị doanh nghiệp “xù” tiền ớt (nguồn: báo Nông nghiệp)

Và câu chuyện người nông dân trồng ớt liên kết ở xã Hương Thọ (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) bị một doanh nghiệp ở tận Hà Nội “xù” tiền lại cho thấy người nông dân khốn khổ như thế nào. Theo thông tin trên báo Dân Việt, vụ xuân năm 2015, xã Hương Thọ ký hợp đồng liên kết trồng ớt với Công ty cổ phần Steva Ventures có trụ sở chính tại P602, CCA2, Tòa nhà Thanh Hà, Bắc Linh Đàm, Hoàng Mai (Hà Nội). Và xã này đã chuyển đổi gần 5ha đất cát pha trồng 3 vụ màu ven sông sang trồng ớt cay. Theo hợp đồng ký kết giữa công ty với các tổ hợp tác (THT) tại xã Hương Thọ, phía công ty sẽ cung ứng cây giống và hỗ trợ 50%, còn người dân phải trả 50% tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Công ty hỗ trợ về kỹ thuật, người dân có trách nhiệm chăm sóc ớt và công ty sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm (ớt tươi, ớt khô và lá). Nhưng vụ ớt đã thất bại, công ty thu mua giá rẻ, phá vỡ hợp đồng. Hơn nữa, đến nay đã 7 tháng nhưng người dân nơi đây vẫn chưa lấy được tiền, còn doanh nghiệp thì đã…cao chạy xa bay. Bao nhiêu công sức, tiền của người dân bỏ ra có nguy cơ trở thành công cốc.

Ai cũng biết, một khâu rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp là đầu ra sản phẩm. Trong quá trình đi tác nghiệp ở không ít địa phương, tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp các doanh nghiệp tìm về các vùng quê liên kết sản xuất với người nông dân. Nhưng có lẽ, đã kinh doanh thì bao giờ ai cũng đặt lợi ích của mình lên trên hết. Thuận lợi chưa nói, mà khi gặp khó khăn thì người chịu thiệt hại nhiều nhất chắc chắn là người nông dân.

Đó là chưa kể đến tình trạng nông dân ở nhiều địa phương mất đất sản xuất vì các dự án đô thị, công nghiệp. Chưa kể đến không biết bao nhiêu sản phẩm nông nghiệp như thanh long, hành tím, dưa hấu…ở các địa phương khác trên cả nước lâm vào tình trạng “được mùa mất giá” lặp đi lặp lại năm này qua năm khác…

Những ví dụ kể trên ở Hà Tĩnh đã cho thấy phần nào đời sống khó khăn, sản xuất bấp bênh và thu nhập không ổn định của người nông dân. Họ phải “cõng” trên mình bao nhiêu loại thuế, phí; sản xuất thì phụ thuộc “ông trời”, chính quyền địa phương nhiều nơi thiếu trách nhiệm, doanh nghiệp liên kết thì ép giá, được thì “ăn”, mất thì…”bỏ chạy” … Thử hỏi, ai muốn làm nông dân?

Với lại bây giờ, ai cũng muốn làm quan, có mấy ai muốn làm dân, mà nhất lại là nông dân?

Mai Nguyễn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP