Xã hội

Hà Tĩnh: Vào cuộc ngăn chặn săn bắt chim di cư mùa mưa bão

Chính quyền xã Cương Gián và các lực lượng chức năng ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung vào cuộc ngăn chặn, xử lý săn bắt chim di cư mùa mưa bão.

Các lực lượng chức năng ở huyện Nghi Xuân tập trung xử lý, tiêu hủy lùm lán, phương tiện, dụng cụ săn bắt chim di cư mùa mưa bão


Trước đó, báo Kinh tế và Đô thị đăng loạt bài (Hà Tĩnh: nhức nhối nạn săn bắt chim di cư mùa mưa bão (10/9) và Hà Tĩnh: săn bắt chim di cư, nguy cơ xâm hại rừng phòng hộ ven biển (11/9)). Nội dung phản ánh, tại xã ven biển Cương Gián, huyện Nghi Xuân người dân săn bắt chim di cư tràn lan trong mùa mưa bão.

Người dân vùng ven biển xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân săn bắt chim di cư mùa mưa bão


Phương tiện, dụng cụ mà người dân xã Cương Gián dùng để bẫy bắt chim di cư chủ yếu là cò giả (làm bằng xốp), que nhạ (keo bẫy chim siêu dính) và chim cò mồi còn sống. Dụng cụ bẫy bắt chim lắp đặt khắp nơi, được ví như “thiên la, địa võng”, hễ có chim di cư đậu xuống đất hoặc bụi rậm là không còn lối thoát.

Hệ lụy của săn bắt chim di cư gây nhiều ảnh hưởng, tác động đến môi sinh, môi trường, nguy cơ tận diệt các loài chim hoang dã và xâm hại rừng phòng hộ ven biển. Bởi tại khu rừng phòng hộ ven biển có nhiều cây phi lao đã bị chặt phá để làm lùm lán trú ẩn cho người và dùng cành ngọn cắm xuống lạch sông Động Kèn tạo ra hàng loạt bụi cây (trên cây chi chít que nhạ) phục vụ cho việc dụ dỗ, bẫy bắt chim di cư.

Chim cò giả cắm trắng đồng ở xã Cương Gián để dụ dỗ, bẫy bắt chim di cư

Nhiều người sử dụng chim mồi còn sống, xâu đui mắt để dụ dỗ, bẫy bắt chim di cư

Rừng phi lao phòng hộ ven biển xã Cương Gián có dấu hiệu bị xâm hại do săn bắt chim di cư trái phép


Sau khi báo đăng, ngày 11/9 UBND xã Cương Gián đã ra Thông báo số 41/TB-UBND về việc nghiêm cấm các hành vi săn, bắt, bắn, bẫy, mua bán, giết mổ, vận chuyển, tàng trữ, quảng cáo, tiêu thụ trái phép các loài chim di cư tự nhiên và động vật hoang dã. Đồng thời huy động lực lượng phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Nghi Xuân ra quân tháo dỡ, tiêu hủy lùm lán, chim cò giả và các phương tiện, dụng cụ săn bắt chim di cư.

“Bên cạnh tuyên truyền thay đổi hành vi, nhận thức cho người dân, địa phương đang tập trung lực lượng gồm công an, ban chỉ huy quân sự xã phối hợp với lực lượng kiểm lâm tháo dỡ, xử lý các hành vi săn bắt chim di cư mùa mưa bão. Mỗi tuần sẽ duy trì tổ chức lực lượng ra quân 2 đợt với quyết tâm tháo dỡ, xử lý triệt để tình trạng săn bắt chim di cư trên địa bàn”, ông Hoàng Văn Hà- Chủ tịch UBND xã Cương Gián thông tin.

Các lực lượng chức năng tập trung xử lý, đốt lùm lán, chim cò giả tại lạch sông Động Kèn


Ghi nhận tại hiện trường, thời điểm các lực lượng ra quân tháo dỡ, xử lý lùm lán trú ẩn cho người và hàng loạt bụi cây giữa lạch sông Động Kèn cho thấy, các dụng cụ bẫy bắt chim được làm rất tinh vi. Ngoài chim cò giả, chim mồi còn sống thì có vô số que keo bẫy chim siêu dính gắn chi chít vào cành cây để bẫy bắt chim di cư.

Trên cành ngọn cây phi lao là chi chít que keo bẫy chim siêu dính

Chim đậu xuống lùm cây trong chốc lát sẽ bị keo dính chặt, không thể vùng vẫy, thoát ra ngoài


Trao đổi với phóng viên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nghi Xuân Trần Thanh Tường cho biết, công tác ngăn chặn, xử lý săn bắt chim di cư tại xã ven biển Cương Gián tiếp tục được thực hiện. Trong đó, chú trọng xử lý, tiêu hủy lùm lán, bụi cây, các dụng cụ bẫy bắt chim tại đồng ruộng, đầm lầy và khu vực ven bờ lạch sông.

“Hệ thống lùm lán, bụi cây giữa sông nước rất sâu phải chờ thủy triều rút xuống mới bố trí lực lượng để xử lý. Vấn đề săn bắt chim di cư gây ảnh hưởng, xâm hại rừng phi lao phòng hộ ven biển là có xảy ra, còn mức độ xâm hại chúng tôi sẽ kiểm tra, đánh giá cụ thể để xử lý theo quy định”, ông Trần Thanh Tường thông tin.

Trong khu rừng phòng hộ ven biển xã Cương Gián có nhiều võng do người dân mắc lên để phục vụ bẫy bắt chim di cư


Săn bắt chim di cư tại xã ven biển Cương Gián, huyện Nghi Xuân diễn ra tràn lan, gây nên những tác động, hệ lụy khó lường đến môi sinh, môi trường và đặc biệt là nguy cơ tận diệt các loài chim hoang dã. Hy vọng, mùa mưa bão năm nay, các cấp chính quyền, lực lượng kiểm lâm và các bên liên quan sẽ vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, góp phần bảo vệ sự sinh trưởng, phát triển của các loài chim di cư, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Tác giả: Văn Chương

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP