Lực lượng chức năng ra quân thu giữ cò giả bằng xốp trên một cánh đồng huyện Lộc Hà - Ảnh: HÀ ANH |
Những ngày đầu tháng 9-2022, có mặt tại một số khu vực được xem là thủ phủ của nạn đánh bắt chim trời (cò, cói), phóng viên Tuổi Trẻ Online ghi nhận tình trạng dựng lùm đơm, giăng bẫy đánh bắt chim trời mùa di cư đã có dấu hiệu giảm so với trước.
Nếu như trước, tại các xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà), xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân) nở rộ nạn đánh bắt chim trời, nhiều người dân xem đây là thu nhập chính thì hiện việc này đã cải thiện do các lực lượng liên ngành tổ chức nhiều đợt ra quân, thu giữ dụng cụ bẫy bắt chim trời. Mặt khác, một số người dân cũng dần ý thức được việc đánh bắt chim trời bị ngăn cấm.
Ông Nguyễn Khắc Phong - chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà) - cho biết nhiều ngày nay địa phương bố trí lực lượng công an, dân quân tham gia cùng kiểm lâm, công an huyện, bộ đội biên phòng kiểm tra địa bàn, xóa bỏ lùm đơm, tiêu hủy mồi giả, thả chim mồi, kiểm tra việc buôn bán chim trời tại chợ nên nạn bẫy chim trời đã giảm hẳn.
Hiện chỉ còn một số hộ dân có dấu hiệu hoạt động lén lút, quy mô nhỏ, địa phương đang liên tục theo dõi, phối hợp với các lực lượng chức năng để xử lý.
Ông Nguyễn Xuân Mận - hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Hà - cho hay trong 2 tuần qua đơn vị đã phối hợp với các địa phương và lực lượng chức năng tiêu hủy 170 cò giả bằng xốp, 1.330 cây nhạ, thả 26 con chim mồi, phá 10 lùm đơm.
Từ cuối tháng 8-2022 đến nay, các lực lượng chức năng huyện Nghi Xuân đã kiểm tra, ngăn chặn tình trạng săn bắt chim di cư, phá bỏ 10 lùm trú, tiêu hủy 200 mồi giả, 5.000 cây nhạ.
Các dụng cụ người dân sử dụng để đánh bắt chim trời bị lực lượng chức năng thu giữ và thiêu hủy |
Theo ông Trần Thanh Tường - hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nghi Xuân, năm nay đơn vị chủ động phối hợp chính quyền các xã đến những khu vực có hiện tượng đánh bắt chim cò nhiều để vận động người dân, tuyên truyền sẽ tháo dỡ, xử lý các lùm đơm, thu giữ dụng cụ đơn bẫy chim.
"Người dân hiểu được việc dựng lùm đơm, làm bẫy khá tốn kém kinh tế nhưng khi bị phát hiện sẽ bị thu giữ, nên việc làm bẫy đánh bắt chim trời so với cùng kỳ năm ngoái giảm nhiều" - ông Tường nói.
Tại huyện Đức Thọ, dù không phải là điểm nóng đánh bắt chim trời, song nhiều ngày qua lực lượng chức năng cũng tổ chức nhiều đợt ra quân triệt phá nạn bẫy cò, cói, bảo vệ đàn chim trời mùa di cư.
Lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 1.000m lưới giăng lưới bẫy chim; 1 bộ loa máy phát tín hiệu giả tiếng chim; 496 con chim, cò giả bằng xốp, 3.000 cây nhạ bẫy chim…
Tháng 9-2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành văn bản số 6050/UBND-NL hướng dẫn triển khai chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã. Tỉnh này yêu cầu các sở, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã… cho các tổ chức, cá nhân và mọi người dân, do đó tình trạng săn bắt động vật hoang dã nói chung, nạn đánh bắt cò, cói nói riêng tại Hà Tĩnh giảm rõ rệt. |
Tác giả: LÊ MINH
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ