Ấn tượng mạnh nhất với người xem có lẽ là hình ảnh một người đang đứng bên cạnh thùng rác, tay anh giơ lên hai chân của một người đàn ông đã chết. Đi kèm bức ảnh là câu chuyện của một người lao động. Chị kể nguyên nhân cái chết là do những bất hòa của người Việt trên đất Thái. Từ mâu thuẫn trong làm ăn giữa người Việt với nhau, một bên dàn xếp một bữa tiệc để giảng hòa với bên kia nhưng thực ra là tìm cơ hội để thanh toán. “Anh H. được mời đến tiệc và lại rủ thêm một người nữa, người này đã phát hiện ra âm mưu đó nhưng bị bên chủ mưu dọa nên không dám nói mà về trước. Khi anh H. say, họ trói tay chân, bịt miệng rồi đánh đập đến chết. Sau cùng họ bỏ vào bao bóng cột lại, bỏ vào thùng rác rồi đem giấu trong nhà tắm. Hôm sau chủ nhà mở cửa ra thì phát hiện xác chết. Hai ngày sau cảnh sát lùng bắt được toàn bộ 11 người” – tác giả ảnh kể lại.
Hình ảnh lao động Việt Nam trên đất Thái do người lao động chụp lại.
Một tác giả ảnh khác đem đến triển lãm câu chuyện về hành trình sang Thái Lan của mình, bên cạnh đó là những điều trăn trở của bản thân: “Bây giờ toàn người mình sang làm tội người mình, bọn siêng ăn nhác làm thường tụ tập rượu chè, trộm cắp…”.
Phần lớn những người lao động ở Thái Lan khi nói về nguyên nhân phải tha hương làm việc đều có chung một lời giải thích: Vì nghèo và khổ. Nhiều người trong số họ phải sống chui sống lủi vì đều là những lao động bất hợp pháp. Có người bị bắt, có người bị trục xuất, có người phải đánh đổi sinh mạng trên những chiếc thuyền nhỏ để về nước. Thậm chí lao động Việt Nam còn bị bắt cóc để đòi tiền chuộc.
Trong hành trình đi tìm cơ hội đổi đời, họ luôn phải chống chọi với nhiều nguy cơ có thể ập đến nhưng khi đối mặt với cuộc sống họ vẫn lựa chọn ra đi. Một phụ nữ từng có thời gian lao động ở Thái Lan kể trong nước mắt, chị không nhớ bao lần đã khóc mỗi khi bón cơm cho cháu, đứa cháu mà cả cha mẹ đều đang phải chật vật lao động ở đất nước chùa vàng.
Theo số liệu từ tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 10.000 người đang lao động ở Thái Lan, trong đó riêng huyện Can Lộc đã có 3.000 người. 10.000 người là 10.000 gia đình ly tán, là hàng chục ngàn câu chuyện nước mắt, đắng cay, hờn tủi. “Con tôi bị bắt, bị đòi tiền chuộc, khi chúng tôi chuyển tiền cho họ thì họ cột con tôi rồi ném ở đường như một con chó” – một tác giả ảnh kể lại.
Cũng bắt đầu từ câu chuyện mất đoàn kết của người Việt, rất may câu chuyện của một người lao động khác lại có cái kết ấm hơn. Do mâu thuẫn khi đánh bạc, mấy thanh niên người Việt đã lao vào đánh nhau, có người phải nhập viện. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau xóm trọ đã cùng ngồi lại với nhau nói chuyện, họ khuyên bảo rồi xin lỗi nhau. “Vì mọi người đều là anh em cùng xóm cả, qua đây làm ăn nên cũng như người một nhà” – tác giả này kể lại trong bức ảnh của mình.
Có một điều may khác đọng lại trong rất nhiều câu chuyện kể là những người lao động Việt Nam vẫn luôn dành cho người Thái tốt bụng những ân tình, trìu mến. Tiếc thay, giữa xứ người nơi tình đồng hương, đồng quốc cần phải được siết lại thì những câu chuyện như xác người trong thùng rác vẫn xảy ra. “Bây giờ toàn người mình sang làm tội người mình…” – câu nói của một lao động Việt ở Thái Lan tại triển lãm ảnh sao mà nhức nhối. Hy vọng những câu chuyện, những hình ảnh không vui này khi được đưa về tận cấp xã cho người dân xem sẽ góp phần làm tươi sáng hơn tình hình xuất khẩu lao động của người Việt trên đất Thái trong tương lai.
VIẾT THỊNH