>> Hà Tĩnh: Bức xúc tại Bệnh viện Đa khoa TX. Hồng Lĩnh
Sở Y tế xác nhận việc bác sĩ Trần Bằng Phi, công tác tại BVĐK Thị xã Hồng Lĩnh đã bỏ đi Angola 03 năm nay và vẫn hưởng lương và được đóng bảo hiểm là đúng sự thật. Liên quan đến vấn đề này, Sở Y tế Hà Tĩnh nói thêm: Việc Giám đốc BVĐK Thị xã Hồng Lĩnh, Phan Thanh Tùng trả lời rằng “ngay khi bác sĩ Trần Bằng Phi bỏ đi Angola về phía bệnh viện đã có báo cáo lên Sở” là có đó là Tờ trình số 78/TT-BVĐK ngày 08/11/2013 về việc tự ý bỏ việc của bác sĩ Trần Bằng Phi kèm theo Trích sao biên bản họp Ban Chấp hành Đảng ủy mở rộng của BVĐK Thị xã Hồng Lĩnh. Trong công văn cũng nêu rõ việc sau khi nhận được Tờ trình trên (vào ngày 02/12/2013), Sở Y tế đã ban hành văn bản số 1432/SYT-TCCB ngày 04/12/2013 về việc xử lý kỷ luật viên chức thì bác sĩ Trần Bằng Phi thuộc biên chế và thẩm quyền quản lý của bệnh viện đồng thời hướng dẫn Bệnh viện thực hiện các quy trình xử lý kỷ luật đối với ông Trần Bằng Phi theo quy đình và gửi toàn bộ hồ sơ kỷ luật về Sở Y tế để xem xét kỷ luật. Nhưng sau đó, Sở Y tế không nhận được hồ sơ xử lý kỷ luật bác sĩ Trần bằng Phi.
Công văn số 1544/SYT-VP của Sở Y tế Hà Tĩnh trả lời nội dung báo nêu.
Bên cạnh đó, qua xác minh, kiểm tra của Sở Y tế thì quỹ lương được duyệt hằng năm (từ 2013-2016) vẫn có tên Trần bằng Phi trong danh sách quỹ lương của đơn vị. BVĐK Thị xã Hồng Lĩnh đã dùng nguồn ngân sách của đơn vị để đóng nộp Bảo hiểm kể từ tháng 11/2013 đến tháng 6/2016 với số tiền 43.605.240 đồng.
Như vậy, có nghĩa tại BVĐK Thị xã Hồng Lĩnh bác sĩ bỏ đi Angola 03 năm nay nhưng vẫn có tên trong quỹ lương và được đóng bảo hiểm. Dư luận đang thắc mắc rằng ai là người “bao che, chống lưng” cho việc cán bộ đã bỏ đi khỏi bệnh viện 03 năm nay nhưng vẫn có tên trong quỹ lương và được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp?
Và số tiền lương hằng tháng, hằng năm cuả cán bộ này đi về đâu, ai là người nắm giữ số tiền lương trên? Có lẽ việc làm thất thoát ngân sách Nhà nước cần phải được xử lí nghiêm. Nhưng liệu rồi việc xử lí việc làm thiếu trách nhiệm, gây thất thoát tiền của ngân sách Nhà nước, này có được xử lí hay không khi trong báo cáo của Sở Y tế trả lời báo chí lại không được đề cập đến. Theo báo cảo trả lời báo chí của sở y tế về vấn đề bác sĩ Trần Bằng Phi, công tác tại BVĐK Thị xã Hồng Lĩnh đã bỏ đi Angola 03 năm nay và vẫn hưởng lương thì liệu đây có phải có dấu hiệu lợi dụng chức trách nhiệm vụ được giao để làm trái quy định về quản lý cán bộ và quán lý tài sản công của nhà nước hay không? Và có dấu hiệu tham ô tài sản của nhà nước không?
Hi vọng rằng trong thời gian tới cơ quan chức năng Hà Tĩnh sớm vào cuộc điều tra quyết liệt hơn để hạn chế bức xúc của cán bộ, nhân dân, sớm làm rõ vấn đề tồn tại trên trong thời gian qua.
Chúng tôi sẽ tiếp tục có thông tin tiếp tới bạn đọc sớm nhất.
Lê Nga