Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, được nhiều địa phương trong cả nước xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và thực hiện theo đúng tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện sáp nhập các xã, huyện, đến nay, Hà Tĩnh đã chuẩn bị kỹ về văn kiện, nhân sự để tiến hành Đại hội Đảng bộ cấp. Hà Tĩnh cũng xác định rõ định hướng của tỉnh trong nhiệm kỳ tới, đó là kinh tế xanh, bền vững, kinh tế tuần hoàn và phát triển tiếp tục chiều sâu của nông thôn mới.
Để hiểu rõ hơn về công tác chuẩn bị Đại hội và định hướng phát triển của Hà Tĩnh nhiệm kỳ tới, phóng viên VOV có cuộc trao đổi với Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn về nội dung này.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn |
PV: Thưa ông, thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và hướng 26 của Ban Tổ chức Trung ương về Đại hội Đảng bộ các cấp, đến thời điểm này, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc chuẩn bị văn kiện và nhân sự được Hà Tĩnh chuẩn bị như thế nào?
Ông Lê Đình Sơn: Hà Tĩnh xác định tổ chức Đại hội Đảng các cấp là phải thực hiện đầy đủ các nội dung theo đúng Chỉ thị 35. Các nội dung đó được quán triệt sâu sắc từ tỉnh cho đến chi bộ. Đồng thời, trong quá trình đó, Hà Tĩnh phát động các phong trào thi đua sâu rộng để lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng. Với quan điểm chung nhất không vì lo Đại hội mà không thúc đẩy kinh tế xã hội và công tác xây dựng Đảng là công tác thường xuyên, then chốt. Chính vì vậy, để tổ chức Đại hội được tốt thì phải chuẩn bị văn kiện Đại hội. Về phía tỉnh quan tâm Văn kiện của tỉnh nhưng đồng thời quan tâm Văn kiện tận cơ sở. Chính Đại hội cơ sở thành công góp phần cho Đại hội huyện và tỉnh thành công. Văn kiện Đại hội chính là chiến lược phát triển cho cả 1 giai đoạn 5 năm. Riêng tỉnh Hà Tĩnh lại chọn 10 năm và đánh giá 30 năm tái lập tỉnh. Văn kiện chúng tôi làm kỹ, dân chủ- công khai, tiếp thu ý kiến các tầng lớp nhân dân, bậc lão thành, nhà khoa học. Bên cạnh đó tổ chức duyệt Đại hội bài bản, kỹ lưỡng.
Nội dung rất quan trọng là bàn về công tác nhân sự. Xây dựng đề án nhân sự với quan điểm chung nhất là làm sao chọn bộ máy mới đủ tầm, đủ tâm, chịu trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm để đưa nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao nhất. Chính vì vậy đề án nhân sự đầu tiên, Hà Tĩnh giảm số lượng 5%. Thứ hai, về cơ cấu phải có cơ cấu cán bộ trẻ, nữ. Theo quy định nữa tối thiểu phải từ 15% trở lên. Tại tỉnh Hà Tĩnh thực hiện biện pháp, thành lập tổ khảo sát nhân sự với quan điểm đánh giá thật khách quan về nhân sự, về con người cụ thể. Khâu đánh giá cán bộ vẫn là khâu khó nhất. Phải có cách đánh giá cho rõ, đúng, trúng cán bộ. Chúng tôi kiên quyết, nếu phát hiện cán bộ tiêu cực, có nhiều dư luận, có dấu hiệu tín nhiệm thấp thì không dùng; nếu phát hiện chạy chọt thì dứt khoát không dùng. Đó là quan điểm xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo.
PV: Hà Tĩnh là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện sáp nhập các xã, huyện. Đến nay bộ máy mới đã đi vào hoạt động thể hiện quyết tâm nhanh chóng ổn định về tổ chức. Việc sáp nhập nhiều đơn vị như vậy có ảnh hưởng gì đến Đại hội?
Ông Lê Đình Sơn: Quá trình sáp nhập huyện xã chúng tôi đã có đề án, trong đó bàn về chiến lược phát triển. Trong quá trình chuẩn bị sáp nhập xã, chúng tôi làm quy trình cán bộ rất bài bản. Khi bộ máy xã mới là đã có cán bộ. Hiện nay một số xã có số lượng cán bộ là 13-15 người, bây giờ chỉ rà soát lại và thực hiện theo đúng quy trình cán bộ. Riêng kỳ này, về các chỉ tiêu của huyện, xã chúng tôi có ban hành Bộ tiêu chí xã để có thống nhất chỉ đạo chung. Còn các xã, huyện có quyền bổ sung các chỉ tiêu khác.
Riêng về vấn đề nhập xã chúng tôi có quan điểm, đánh giá kết quả, rút ra bài học kinh nghiệm và xây dựng tập trung cho xã mới. Vì vậy, Văn kiện của Đại hội xã mới khác với truyền thống trước đây. Bởi vì bây giờ có không gian mở thì kết quả khác và có tầm nhìn tư duy khác. Chúng tôi có hướng dẫn 2044 để cho các huyện, xã chủ động. Tôi tin rằng văn kiện các xã này có tư duy tầm nhìn mở và tốt hơn. Trình tự Đại hội không có gì thay đổi, không thiếu gì, đầy đủ như xã không nhập, tôi tin rằng xã này còn mạnh hơn nữa. Chính vì vậy Đại hội lần này đối với Hà Tĩnh có người nghĩ rằng nhập nhiều như vậy ảnh hưởng đến Đại hội. Chúng tôi khẳng định không hề ảnh hưởng đến Đại hội.
Một đại hội Đảng bộ điểm của Hà Tĩnh |
PV: Nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ 18, nhiệm kỳ 2015 - 2020 vừa qua, Hà Tĩnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng cũng gặp nhiều khăn, thách thức. Vậy định hướng của tỉnh trong nhiệm kỳ tới là gì?
Ông Lê Đình Sơn: Hà Tĩnh bàn hướng phát triển sắp tới đó là: kinh tế xanh, bền vững và kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, động lực mới là phát triển tiếp tục chiều sâu của nông thôn mới. Bởi Hà Tĩnh có phong trào nông thôn mới rất tốt và là 1 trong những tỉnh đứng đầu xây dựng nông thôn mới. Hà Tĩnh xác định phát triển đô thị, hình thành các trục phát triển để kết nối đô thị và nông thôn. Hà Tĩnh xác định 2 trục cần quan tâm. Đó là, trục phát triển dọc ven biển, không chỉ phát triển về kinh tế mà còn đảm bảo quốc phòng, an ninh. Du lịch biển, đây là cơ hội tốt để Hà Tĩnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 của Bộ Chính trị về kinh tế du lịch. Đồng thời, chúng tôi phát triển miền núi gắn với mối quan hệ liên kết với các tỉnh của Lào.
Như vậy, Hà Tĩnh phát triển kinh tế xã hội, môi trường và đảm bảo quốc phòng an ninh bền vững. Đồng thời vấn đề đó chúng tôi xây dựng chiến lược cán bộ, không chỉ ở tỉnh mà còn ở huyện, xã sẽ tăng cường cán bộ trẻ đi cơ sở sở và đưa đội ngũ cán bộ chiến lược này không chỉ tầm nhìn đến năm 2025, 2030 mà thậm chí cán bộ chiến lược đến năm 2045. Một bài học quý của Hà Tĩnh là đưa cán bộ đi cơ sở, đi cơ sở là trực diện để trưởng thành. Chúng tôi tin rằng, động lực mới của Hà Tĩnh chính là con người và văn hóa Hà Tĩnh, đổi mới sáng tạo, động lực mới sẽ tiếp tục phát triển để đưa Hà Tĩnh là 1 trong những tỉnh đứng đầu về thu nhập ở Bắc Trung Bộ.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Tác giả: Việt Cường-Lại Hoa
Nguồn tin: Báo VOV