Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 3,98%

Sáng 15.12, HĐND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khai mạc kỳ họp thứ 11 để đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2022; thống nhất chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.

Các đại biểu dự họp kì họp thứ 11 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh sáng 15.12. Ảnh: Trần Tuấn.


Theo báo cáo tại kỳ họp, năm 2022, tình hình kinh tế xã hội tỉnh Hà Tĩnh dần phục hội sau ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng cũng bị tác động lớn, gặp nhiều khó khăn khi giá xăng dầu tăng cao kéo theo giá nguyên liệu, hàng hóa tăng, tỷ giá lãi suất tăng cao...

Năm 2022, Hà Tĩnh có 19/26 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45,08 triệu đồng/năm (kế hoạch 39 triệu đồng/năm); tổng thu ngân sách đạt 16.900 tỉ đồng (kế hoạch 16.300 tỉ đồng).

Trong đó, thu nội địa 8.100 tỉ đồng, thu xuất nhập khẩu 8.800 tỉ đồng (kế hoạch 8.500 tỉ đồng); thành lập mới trên 1.300 doanh nghiệp (kế hoạch hơn 1.000 doanh nghiệp)

Có 6/26 chỉ tiêu ước không đạt kế hoạch gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 3,98% (kế hoạch 8,5-9%); GRDP bình quân đầu người đạt 70,5 triệu đồng/người (kế hoạch 71 triệu đồng/người); tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 40.124 tỉ đồng (kế hoạch 43.000 tỉ đồng); kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỉ USD (kế hoạch 2 tỉ USD)...

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2022 ước đạt 3,98%. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,23% (công nghiệp giảm 8,66%, xây dựng tăng 24,88%), khu vực nông nghiệp tăng 0,83%, khu vực dịch vụ tăng 13,08%.

Một góc thành phố Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Tuấn.


Khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 3,23%, làm giảm 1,5 điểm % tăng trưởng chung. Trong đó, ngành công nghiệp chiếm gần 31,5% cơ cấu kinh tế, tăng trưởng giảm 8,66%, làm giảm 3,3 điểm % tăng trưởng chung.

Nguyên nhân chính là do sản lượng điện và thép sụt giảm mạnh. Tỷ trọng sản xuất điện của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 chiếm khoảng 5% cơ cấu nền kinh tế, do sự cố Tổ máy số 1 làm giảm sản lượng điện sản xuất gần 2,1 tỷ kWh so với năm 2021 (giảm gần 39% sản lượng, giảm hơn 2 điểm % tăng trưởng chung).

Tỷ trọng sản xuất thép của Formosa Hà Tĩnh chiếm hơn 21% cơ cấu nền kinh tế, bắt đầu giảm sản xuất từ tháng 7 dẫn đến sản lượng thép cả năm chỉ đạt 4,3 triệu tấn, giảm gần 1,1 triệu tấn so với năm 2021 (giảm hơn 20%, giảm gần 2,4 điểm % tăng trưởng chung).

Ngành xây dựng chiếm gần 9% cơ cấu kinh tế, theo kế hoạch đầu năm dự kiến tăng trưởng 35,8% nhờ vào hoạt động đầu tư mạnh mẽ của một số dự án lớn như Nhà máy Pin VinES, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2, giải ngân vốn đầu tư công...

Ngoại trừ dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 có tiến độ giải ngân tốt và đóng góp lớn vào tăng trưởng ngành xây dựng cũng như tổng vốn đầu tư toàn xã hội (vốn đầu tư hơn 8.600 tỉ đồng, vốn xây dựng gần 6.300 tỉ đồng) thì các dự án còn lại chưa đạt như kỳ vọng.

Cụ thể: Nhà máy Pin VinES điều chỉnh giảm tổng mức từ 8.800 tỉ đồng xuống còn 3.800 tỉ đồng, giải ngân đầu tư công chưa đạt yêu cầu, nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp đang vướng mắc quy định nên chưa hoàn thiện hồ sơ thủ tục triển khai.

Chấp thuận chủ trương đầu tư 18 dự án, trong đó 16 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 5.000 tỉ đồng, 2 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 278 triệu USD.

Tác giả: Trần Tuấn

Nguồn tin: Báo Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP