Chính sách

Hà Tĩnh: Tăng cường cải cách, phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp

Ông Võ Kim Cự – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Đoàn ĐBQH  tỉnh Hà Tĩnh  – đã hơn một  lần  trong cuộc trả lời phỏng vấn của Báo Lao Động khẳng định quan điểm và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trong việc cải cách thủ tục hành chính, không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức để phục vụ ngày càng tốt hơn cho doanh nghiệp, doanh nhân.

Dự án cấp nước cho khu kinh tế Vũng Áng có tổng đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho Cty Tập đoàn Hoành Sơn làm chủ đầu tư.

Thưa ông, Hà Tĩnh được đánh giá cao về thu hút đầu tư, bằng chứng là rất nhiều dự án lớn đang được triển khai…

Giai đoạn 2011-2013 kinh tế Hà Tĩnh đã thay đổi căn bản, tăng trưởng nhanh, năm sau cao hơn năm trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn này đạt 14,8%, trong đó năm 2013 đạt 19,2%. Tỉnh đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các dự án đầu tư trên địa bàn. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, giai đoạn 2011-2013 ước đạt  trên 117 nghìn  tỉ đồng, riêng năm 2013 đạt  trên 58 nghìn  tỉ đồng, gấp 2,3 lần so với năm 2011.

Hiện nay Hà Tĩnh đã thu hút được 398 dự án đầu tư trong nước và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký trên 20 tỉ USD, trong đó đầu tư trong nước 349 dự án với số vốn đăng ký 82 nghìn tỉ đồng, đầu tư nước ngoài 49 dự án với số vốn đăng ký hơn 16 tỉ USD và đứng thứ 6 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong đó có những dự án lớn như: Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương với tổng mức đầu tư giai đoạn I gần 10 tỉ USD (là dự án FDI lớn nhất đến giai đoạn hiện này); Trung tâm điện lực Vũng Ang tổng công suất 6.300 MW với tổng vốn đầu tư gần 8 tỉ USD; Dự án thuỷ lợi thủy điện Ngàn Trươi – Cẩm Trang, tổng mức đầu tư là 9.164 tỉ đồng; Dự án cấp nước Khu kinh tế Vũng Áng có tổng mức đầu tư 4.415 tỉ đồng… Bên cạnh đó nhiều dự án phụ trợ có tổng mức đầu tư từ 50 – 70 triệu USD cũng đang tích cực được triển khai.

Xin ông nói rõ thêm những nguyên nhân cơ bản đã mang lại sự thành công trong thu hút đầu tư ở Hà Tĩnh?

Thành công của Hà Tĩnh trong thu hút đầu tư xuất phát từ kết quả điều hành quản lý, sự tập trung cao độ trong chỉ đạo, lãnh đạo cả hệ thống chính trị cùng đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Cụ thể: Tỉnh đã hoàn thiện quy hoạch và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050; ban hành các chính sách về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và phát triển DN; công khai chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển kinh tế xã hội để DN biết, phục vụ cho quyết định đầu  tư, sản xuất kinh doanh.

Xâydựng môi trường đầu tư thông thoáng với những quy định rõ ràng, cụ thể về trình tự, thủ tục đầu tư; giải quyết các thủ tục hành chính tại trung tâm giao dịch một cửa của các sở, ban ngành; xây dựng cơ chế một cửa liên thông, giúp DN hoàn thành thủ tục đầu tư, thành lập DN nhanh gọn; tổ chức công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch, văn hóa kịp thời, hiệu quả giúp DN dễ dàng tiếp cận thông tin. Thường xuyên tổ chức tiếp xúc, lắng nghe các ý kiến phản hồi từ phía DN, từ đó có những quyết sách xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN phát triển. Tăng cường hợp tác phát triển kinh tế đối ngoại.

Thưa ông, là một tỉnh nghèo ở khu vực miền Trung, Hà Tĩnh đã và đang không ngừng nỗ lực vươn lên. Vậy trong sự bứt phá để phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, Hà Tĩnh có coi trọng việc liên kết với các địa phương khác để phát triển kinh tế vùng?

Hà Tĩnh là nơi hội  tụ các  tuyến giao  thông Bắc  – Nam, Đông  – Tây. Mạng  lưới đường bộ, đường biển và đường sắt thuận lợi cho giao thông đối nội và đối ngoại. Chạy dọc theo hướng Bắc – Nam có QL 1A, QL 15A, đường HCM và đường sắt Bắc – Nam; theo hướng Đông – Tây có QL 8A sang Lào qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, QL 12 qua cửa khẩu Cha Lo và thị xã Thà Khẹt tỉnh Khăm Muộn (Lào) đến vùng Đông Bắc Thái Lan; có cảng nước sâu Vũng Ang – Sơn Dương là cửa ngõ thông ra biển Đông thuận lợi và ngắn nhất cho Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan và Mianma…

Xác định được lợi thế của mình, thời gian qua Hà Tĩnh đã không ngừng đẩy mạnh hợp  tác,  liên kết chặt chẽ với các  tỉnh  trong vùng Bắc Miền Trung và cả nước. Việc  liên kết vùng và  liên vùng vừa  là nhân và quả nhằm  tăng  thêm  sức mạnh tổng hợp, chống manh mún, dàn trải (dùng chung hạ tầng), đẩy mạnh hợp tác phát triển (giảm thiểu cạnh tranh nội bộ không cần thiết; tập trung đầu tư, phối hợp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao để cạnh tranh bên ngoài) nâng cao hiệu quả hợp tác với các nước trong khu vực, nhất là với Lào, Thái Lan và các nước  trong khối ASEAN để phát  triển và khai  thác  tối đa  tiềm năng  lợi  thế của mình.

Việc liên kết với các địa phương để phát triển kinh tế vùng đã được xác định là một trong 7 nhóm giải pháp trọng tâm để phát triển của Hà Tĩnh.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP