Trong “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ” nêu: “Biển số 244: Dùng để cảnh báo nguy hiểm đoạn đường phía trước thường xảy ra tai nạn để lái xe cần đặc biệt chú ý”. Tuy nhiên, tiêu chí “hay xảy ra tai nạn” không được quy định cụ thể. Phải bao nhiêu vụ, bao nhiêu người thương vong trong khoảng thời gian nào…? Khái niệm “đoạn đường” cũng không xác định cụ thể, trừ một số trường hợp độ dài đoạn đường được cho là “nguy hiểm” đã ghi rõ trên tấm biển, nhưng nhiều trường hợp không ghi thông tin này.
Có thể hiểu đây là biển cảnh báo đoạn đường thiếu an toàn, nhưng không có nguyên nhân. Trên thực tế, những đoạn đường không an toàn (đèo dốc, đường hẹp, trơn trượt, người đông, đang thi công…) đều đã có biển, biển hiệu, tín hiệu cảnh báo đã được quy định cụ thể.
Biển báo “Đoạn đường hay xảy ra tai nạn” trên QL1A ở Hà Tĩnh, không ghi rõ độ dài |
Biển báo “Đoạn đường xảy ra nhiều tai nạn” trên tuyến Vinh – Cửa Lò (Nghệ An), không ghi rõ độ dài |
Ông Võ Minh Đức – Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nghệ An nói: “Hiện không có văn bản nào quy định cụ thể về tiêu chí của “đoạn đường thường xảy ra tai nạn”. Trong tiếng Việt, 2 trở lên nghĩa là “nhiều”. Theo báo cáo của các địa phương, những đoạn đường có số vụ tai nạn làm 2 người chết trở lên trong một năm thì có thể dựng tấm biển “Đoạn đường thường xảy ra tai nạn”.
Ông Võ Minh Đức nói thêm: “Nếu như ở đoạn đường ấy, sau một thời gian mà số vụ tai nạn giảm đi thì tấm biển kia cũng không được tháo dỡ, vì nó có tính chất nhắc nhở”.
Trong thực tế, một số đoạn đường xảy ra nhiều vụ tai nạn nhưng địa phương không báo cáo nên không được cắm biển. Một số đoạn tại thời điểm cắm biển thì có nhiều vụ tai nạn, nhưng sau một thời gian tai nạn giảm, biển vẫn giữ nguyên (bị cắm biển oan).
Cơ quan chức năng cũng không tiến hành nghiên cứu, xác định nguyên nhân làm cho đoạn đường “hay xảy ra tai nạn” để có hướng khắc phục cũng như cảnh báo cho cộng đồng. Còn nếu không xác định được nguyên nhân thì đó là lỗi của người điều khiển phương tiện, vị trí xảy ra tai nạn chỉ có tính chất ngẫu nhiên, không nên “đổ tội” cho một “đoạn đường” nào đó.
Trước đây, khi QL 8A còn “ngon lành”, vị trí “đoạn đường” đi qua các xã Đức Lâm – Đức Long – Đức Yên (Đức Thọ, Hà Tĩnh) một thời gian liên tục xảy ra tai nạn xe máy, gây thương vong nhiều người. Nhưng khi cơ quan chức năng chưa kịp cắm biển “Đoạn đường thường xảy ra tai nạn” thì QL8A xuống cấp, quá trình thi công kéo dài, đoạn đường nói trên đầy rẫy ổ gà, xe cộ chạy như rùa bò. Tai nạn giao thông lập tức thuyên giảm, hầu như không còn. Trong trường hợp này, nguyên nhân gây tai nạn không thuộc về vị trí đoạn đường, mà do người điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu.
Vì vậy, việc đặt các biển báo “Đoạn đường thường xảy ra tai nạn” là phi khoa học, lãng phí, thậm chí che khuất tầm nhìn, làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông, gây tâm lý bất an đối với không ít người đi đường.
Quang Đại/ Lao Động