Ngày 26/8, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 2000/QĐ-UBND thu hồi, chấm dứt hiệu lực Giấy phép khai thác khoáng sản số 1280/GP-UBND ngày 14/04/2015 đã cấp cho Công ty CP Tập đoàn công nghiệp VN1 để khai thác mỏ đá xây dựng nằm trên hai địa bàn phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh và xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).
Nguyên nhân việc thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản đối với Công ty CP Tập đoàn công nghiệp VN1 là do doanh nghiệp này không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí theo quy định và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; không bảo đảm hoạt động khai thác xác định trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ đã được phê duyệt.
Công an huyện Đức Thọ bắt quả tang sà lan hút cát trái phép trên sông La. |
Quá trình hoạt động, mỏ đá của Công ty CP Tập đoàn công nghiệp VN1 có nhiều vi phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân trong khu vực. Đỉnh điểm là vào ngày 22/6/2023, doanh nghiệp tổ chức nổ mìn khai thác đá ngoài khung giờ cho phép, ngoài vị trí mỏ được cấp và trong địa giới hành chính phường Đậu Liêu. Người dân các xã Vượng Lộc và phường Đậu Liêu đã tập trung đông người tại vị trí nhà điều hành của mỏ đá để phản đối việc nổ mìn không đúng vị trí, gây ô nhiễm môi trường và gây rung lắc nhà ở. Vào cuộc kiểm tra, Thanh tra Sở TN&MT Hà Tĩnh phát hiện doanh nghiệp này khai thác khoáng sản vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép theo bề mặt là 0,075ha; khai thác vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác theo độ sâu là 0,8m, trong phạm vi diện tích 0,2128ha tại mỏ đá xây dựng. Với sai phạm này, Công ty CP Tập đoàn công nghiệp VN1 bị xử phạt 30 triệu đồng và buộc cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn. Đồng thời, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm với số tiền là 73,962 triệu đồng.
Cũng liên quan đến lĩnh vực khai thác đá, trước đó, vào ngày 21/8, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định 1976/QĐ-UBND đóng cửa mỏ đá xây dựng trên núi Nam Giới tại xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà đã cấp cho Công ty CP Khai thác và Chế biến đá Thạch Hải theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 1442/GP-UBND ngày 7/6/2016. Quá trình hoạt động, mỏ đá này cũng có nhiều sai phạm, ảnh hưởng đến đời sống của khu dân cư xung quanh. Tháng 3/2020, doanh nghiệp này đã bị xử phạt 80 triệu đồng, bị đình chỉ khai thác 3 tháng vì khai thác không đúng thiết kế được phê duyệt từ đầu; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không đúng trình tự, hệ thống khai thác đã xác định trong thiết kế mỏ được phê duyệt. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, Công ty CP Khai thác và Chế biến đá Thạch Hải liên tiếp bị cử tri phản ánh về việc doanh nghiệp này thường xuyên nổ mìn tùy tiện, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, trong 10 năm qua, đất đá trong quá trình khai thác đã tuồn xuống, gây cản trở, bồi lắng dòng chảy trên lạch Cửa Sót, gây khó khăn, cản trở quá trình tàu thuyền của ngư dân qua lại.
Được biết, trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh triển khai xây dựng nhiều dự án lớn, trong đó có gần 120km dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam nên nhu cầu về vật liệu xây dựng tăng cao, nhất là vật liệu về đất đắp, đá xây dựng. Lợi dụng điều này, không ít cá nhân, tổ chức đã lén lút khai thác vật liệu chui tại những địa điểm không được phép, hoặc cố tình khai thác vượt phạm vi, công suất tại những khu vực mỏ đã được cấp phép, gây ra không út hệ lụy cho xã hội. Để chấn chỉnh tình trạng này, từ đầu năm 2022 đến nay, Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Sở TN&MT, cùng chính quyền địa phương đã tổ chức rà soát, siết chặt công tác quản lý, thanh tra và xử phạt đối với các doanh nghiệp sai phạm; kiên quyết xử lý nghiêm bằng hình thức rút giấy phép đối với các cá nhân, tổ chức sai phạm nhiều lần hoặc sai phạm nghiêm trọng. Trong thời gian nói trên, Hà Tĩnh đã ra quyết định đóng 10 mỏ vật liệu xây dựng, trong đó có 5 mỏ đá xây dựng, 3 mỏ đất san lấp, 1 mỏ sét trắng làm gạch, trên địa bàn các huyện Hương Sơn, Hương Khê và Cẩm Xuyên.
Số liệu thống kê của Công an Hà Tĩnh cho thấy, trên toàn địa bàn Hà Tĩnh hiện có 21 mỏ đất, 8 mỏ cát và 38 mỏ đá đang hoạt động. Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện 21 vụ với 35 đối tượng (trong đó có 4 tổ chức và 31 cá nhân), vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản. Qua đó, lập biên bản xử lý vi phạm và xử phạt hơn 317 triệu đồng, tịch thu 250m3 cát, 71,5m3 đất và 40m3 đá… Thượng tá Ngô Đức Ninh, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết thêm, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của lực lượng Công an và các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tài nguyên khoáng sản trên địa bàn đã Hà Tĩnh “hạ nhiệt” một cách rõ rệt, đặc biệt là tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên các lòng sông gần như đã chấm dứt.
Đối với vấn nạn “cát tặc”, những năm trước đây thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép trên sông La, đặc biệt là đoạn giáp ranh giữa huyện Đức Thọ với huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây bức xúc trong dư luận cán bộ và nhân dân. Để chấn chỉnh tình trạng này, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Công an huyện Đức Thọ, từ tháng 9/2021 đến nay, đã thành lập 3 tổ công tác để đấu tranh với các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác, buôn bán, vận chuyển khoáng sản không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ hợp pháp. Từ đó đến nay, các tổ công tác đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Cảnh sát giao thông, lực lượng Cảnh sát môi trường và các địa phương triển khai nhiều giải pháp trong siết chặt quản lý khai thác khoáng sản. Nhờ đó, một số “điểm nóng” dần được hạ nhiệt, bước đầu được kiểm soát, có sự chuyển biến rõ nét, tạo niềm tin trong nhân dân. Từ năm 2022 đến nay, Công an huyện Đức Thọ đã bắt giữ 11 sà lan khai thác cát trái phép, lập hồ sơ ra quyết định tịch thu tang vật và phương tiện.
Thời gian tới, Công an tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản; phối hợp với các lực lượng có liên quan, Công an các huyện có các mỏ khoáng sản đang trong quá trình vận hành khai thác để tuần tra, kiểm soát, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, qua đó giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình an ninh trật tự, chất lượng môi trường và đời sống của người dân.
Tác giả: Thiên Thảo
Nguồn tin: cand.com.vn