Dù mưa, rét nhưng anh Tuất đang khẩn trương gieo lại ruộng lúa bị hỏng vì xuống giống vào đợt rét trước tết. Ảnh: Trần Tuấn
Ngày 16.2, mặc dù trời mưa phùn, giá rét, nhưng trên khắp các cánh đồng ở Hà Tĩnh, nhiều nông dân vẫn ra đồng khẩn trương gieo sạ lại những ruộng lúa vụ xuân 2016 bị chết rét trong đợt xuống giống vài tuần trước tết Nguyên đán.
Đang xuống giống gieo lại 1 sào đất (500m2) ở thôn Mỹ Triều, anh Lê Đăng Tuất (34 tuổi, thôn Mỹ Triều, xã Thạch Tân, Thạch Hà) – cho biết, vụ xuân này, do trời rét, kèm mưa nên gia đình anh có 4 sào ruộng đã gieo nhưng không nảy mầm, phải gieo lại. “Ăn tết xong, gia đình tôi phải khẩn trương ủ giống, làm đất gieo lại cho kịp thời vụ. Chứ chậm trễ, phải bỏ hoang thì chết đói” – anh Tuất tâm sự. Về lịch ngâm, ủ giống, anh Tuất cho biết, gia đình thực hiện đúng theo lịch mà thôn thông báo chứ không tùy tiện.
Tội nghiệp hơn, gia đình ông Nguyễn Văn Hường (xã Thạch Điền, Thạch Hà) phải gieo lại 11 sào lúa vì hư hại do rét. Năm nay, khi đi thăm ruộng về, biết lúa bị hỏng, vợ chồng ông đón một cái tết buồn.
Không chỉ lúa gieo sạ bị hỏng, hàng ngàn ha lúa cấy trên địa bàn Hà Tĩnh cũng bị chết rét. Ông Trần Đình Ngôn (58 tuổi, trú xã Đồng Lộc, Can Lộc) cho biết, vụ xuân này, gia đình cấy 4 sào lúa nhưng 2 sào bị chết rét. Nay ông đã bắc mạ mới chuẩn bị cấy lại trên diện tích bị hỏng.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh – PGĐ Sở NNPTNT Hà Tĩnh – cho biết, vụ xuân 2016, toàn tỉnh Hà Tĩnh gieo, cấy 52.292 ha. Trong đó, cấy 11476 ha; gieo 40.816 ha. Do đợt gieo, cấy trước tết Nguyên đán gặp rét đậm từ ngày 23 – 27.1 nên nhiều diện tích bị hư hỏng. Thống kê có 6379 ha lúa gieo, cấy bị chết trên 50%; 5756 ha chết từ 30 – 50%; mạ xuân bị chết 242 ha. Diện tích lúa bị chết xảy ra ở tất cả 13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Trong đó, thiệt hại lớn nhất là huyện Thạch Hà, tiếp đến là Hương Sơn, Can Lộc…
Công tác khắc phục, tính đến ngày 14.2, các địa phương đã gieo lại được 6802 ha, bắc mạ bổ sung 187 ha để chuẩn bị cấy. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo tập trung gieo, cấy lại bằng các giống ngắn ngày như PC6, OM4218… Việc gieo thẳng phải hết sức khẩn trương, hoàn thành trước 20.2 để kịp thời gian sinh trưởng.
Trước thông tin, người dân khẳng định xuống giống theo đúng lịch thông báo của thôn, xóm chứ không tùy tiện xuống giống đúng vào cao điểm đợt rét lịch sử, ông Thành cho rằng, đã có công điện chỉ đạo ứng phó với đợt rét đậm trước tết, nhưng do khi giống đã ngâm ủ rồi thì không kịp nữa, buộc phải gieo, cấy nên xảy ra thiệt hại.
Clip nông dân gồng mình gieo lại
Hàng ngàn ha lúa xuống giống vào đợt rét đậm khiến nông dân lâm vào tình cảnh phải gieo lại thế này. Ảnh: Trần Tuấn
Theo nhiều nông dân, họ xuống giống theo đúng lịch thông báo của thôn, xóm. Nhưng sau đó lúa gặp rét đậm chết, họ cũng tự chịu thiệt rồi lo khắc phục chứ chính quyền không chịu trách nhiệm cho “nồi cơm” của họ. Ảnh: Trần Tuấn
Ông Nguyễn Tuấn Thanh – PGĐ Sở NNPTNT Hà Tĩnh – tại buổi làm việc với PV Báo Lao Động. Ảnh: Trần Tuấn