Hà Tĩnh ngày nay

Hà Tĩnh: “Sa tặc” tàn phá sông La

Mỗi ngày, có tới hàng trăm lượt tàu hút cát hoành hành tại khúc sông La chảy qua địa phận các xã Liên Minh, Đức Hòa, Trường Sơn, Tùng Ảnh… (thuộc huyện Đức Thọ – Hà Tĩnh). Hậu quả của tình trạng này là nguồn nước sông bị ô nhiễm, dòng chảy biến dạng, đất nông nghiệp bị sạt lở gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Cận cảnh đàn “thủy quái”

Trong vai người đại diện của một doanh nghiệp xây dựng đi mua cát, chúng tôi đã tiếp cận được một chủ tàu cát tại huyện Đức Thọ. Chúng tôi bày tỏ ý muốn được cùng đi theo tàu để “thị sát” nguồn cát. Người chủ tàu tên Ngân, lúc đầu tỏ ra nghi ngờ nhưng có lẽ muốn chiều ý “khách sộp” nên sau đó cũng miễn cưỡng đồng ý. Anh ta vẫn chưa hết nghi ngờ và không quên buông lời hăm dọa: “Nếu thật sự đi xem cát thì không có vấn đề gì. Nhưng có ý gì khác là không xong đâu nha. Dân sông nước bọn này không biết đùa đâu…” – Vừa nói, Ngân vừa xoáy ánh mắt ngờ vực vào chiếc máy ảnh trên tay anh bạn đồng nghiệp của tôi.

phà hút cát quần thảo suốt ngày đêm

Một giờ sáng, đoàn tàu hút cát bắt đầu xuất bến, lũ lượt kéo nhau đi “ăn hàng”. Tàu của Ngân hút ở khúc sông thuộc địa phận của xã Liên Minh. “Đi đêm hôm thế này tuy vất vả một chút nhưng tránh được sự truy quét của các lực lượng chức năng”, miệng Ngân giải thích trong khi tay thoăn thoắt tháo chiếc vòi hút. Những chiếc vòi hút cát như những chiếc vòi bạch tuộc dài hơn chục mét được cắm thẳng xuống lòng sông. Nửa giờ sau, màn đêm yên tĩnh bị xé toang, hơn 20 chiếc tàu thi nhau quần thảo trên một khúc sông dài chưa đầy 200m thuộc địa phận xã Liên Minh. Tiếng máy rền khô khốc, khói dầu đen kịt từ đầu máy. Lòng sông rung chuyển, sục lên thứ nước đục ngầu. Trong đêm, những chiếc tàu cát với sức chứa từ 40 – 70 m3 cứ đua nhau gầm gừ chẳng khác nào một đàn quái vật hung tợn đang tranh nhau “moi ruột” sông La – dòng sông vốn thanh bình với nhiều địa danh lịch sử như bến Tam Soa, cầu Thọ Tường – là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho các huyện Đức Thọ, Can Lộc và thị xã Hồng Lĩnh.

Phía trên bờ sông, cách khu vực hoạt động của tàu hút cát chừng 100m là những xóm thôn vẫn yên ắng trong giấc ngủ. Có lẽ những người dân nơi này đã quen với cảnh chịu đựng tiếng ồn, khói bụi từ đàn “thủy quái” kia. Tôi hỏi Ngân: “Tiếng máy ồn ào trong đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ, chẳng lẽ người dân không có phản ứng gì sao?” Ngân nói, giọng tự đắc: “Phản ứng thì cũng làm được gì. Chửi bới thì bọn tôi không sợ. Còn bắt phạt, ai giỏi thì cứ bơi ra đây…”.

Đàn “thủy quái” càng lúc càng gầm rú hung tợn, dàn hàng ngang như một ma trận với những chiếc vòi tham lam và ác độc. Hai bên bờ sông, đất bị xói nham nhở. Đê La Giang – “tấm lá chắn” bảo vệ cho hơn 20 vạn dân cùng hàng ngàn hecta đất nông nghiệp và là trọng điểm số 1 trong chiến lược phòng chống lũ lụt của Hà Tĩnh – đang phải đối mặt với nguy cơ sụt lún. Những rặng tre người dân trồng để chống sạt lở đất cũng bị đánh bật gốc do hậu quả của việc hút cát sát bờ sông. Không chỉ xã Liên Minh, nhiều địa phương khác dọc hai bên bờ sông La như Đức Hòa, Trường Sơn, Tùng Ảnh… cũng đang phải chịu cảnh tương tự.

Chính quyền bất lực?

Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông La đã diễn ra nhiều năm và đang có xu hướng ngày càng tăng, khiến người dân vô cùng phẫn nộ. Thế nhưng, việc xử lý tình trạng này đối với chính quyền sở tại lại hết sức khó khăn. Thực tế, lực lượng công an các xã cũng như công an huyện Đức Thọ và Phòng CSGT đường sông – công an tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các ngành chức năng mở nhiều đợt truy quét và xử phạt. Nhưng chỉ ít ngày sau, khi tình hình lắng xuống thì đội “sa tặc” lại quay trở lại và hoạt động thì càng ráo riết hơn, để bù lại những ngày bị truy quét.

Theo ông Nguyễn Văn Tuyến – Phó chủ tịch UBND xã Trường Sơn (huyện Đức Thọ) thì khó khăn nhất trong việc truy quét nạn khai thác cát trái phép đó là thời gian hoạt động của chúng chủ yếu vào ban đêm. “Vì chúng hoạt động về đêm nên việc bắt giữ, xử lý phương tiện là rất khó khăn. Những kẻ khai thác cát lậu lại rất liều lĩnh và sẵn sàng lợi dụng đêm tối, chống trả lực lượng truy bắt và nổ máy tháo chạy”, ông Tuyến cho biết. Vì chính quyền xã bất lực trong xử lý nên “sa tặc” càng được thể lộng hành khiến cuộc sống người dân hai bên bờ sông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cũng theo ông Tuyến thì do quá bức xúc trước sự lộng hành đó nên vào tháng 2/2012, một số người dân xóm 10 xã Trường Sơn đã bắt giữ và đốt cháy một tàu hút cát.

Sự hoành hành của “sa tặc” khiến dòng chảy sông La bị biến dạng nghiêm trọng

Còn theo ông Phan Tiến Dũng – Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh thì gian nan nhất trong cuộc chiến chống “sa tặc” là vấn đề thiếu phương tiện truy bắt. Ông Dũng nói: “Chúng tôi đi bằng thuyền đánh cá mượn của dân, trong khi bọn chúng đi tàu công suất lớn thì việc truy bắt là gần như không thể. Mà nếu có bắt được thì cũng chỉ phạt hành chính chứ không có thẩm quyền thu giữ phương tiện. Phạt rồi, thả ra họ lại tiếp tục khai thác vì nguồn lợi quá lớn…”. Xã Tùng Ảnh có vùng bãi soi giữa sông La với diện tích 36,5 hecta và 19 hộ dân sinh sống. Do hậu quả của nạn khai thác cát trái phép, diện tích vùng bãi soi này đang dần bị thu hẹp. Nếu vấn nạn này không được ngăn chặn thì nguy cơ bị “xóa sổ” của bãi soi này là đang cận kề.

Như lời anh Ngân, chủ tàu cát thì mỗi lần hút như thế, tàu của anh chở được khoảng 70m3 cát, trừ mọi chi phí thì mỗi chuyến anh còn lãi trên 2 triệu đồng. Nếu tính cả đoàn tàu hơn 100 chiếc thì mỗi ngày có trên 7000m3 cát ở lòng sông La bị khai thác trái phép. Phải chăng vì lợi nhuận quá lớn mà các chủ tàu cát đã bất chấp pháp luật, tàn phá lòng sông; hay do sự thiếu quyết liệt, không đồng bộ của các ngành chức năng trong việc truy quét, xử lý nên các đối tượng này đang ngày càng “được thể làm càn”?

Phạm Tường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP