Mô hình trồng chè công nghiệp ở xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đã và đang được triển khai và phát triển trở thành cây chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân. |
Năm 2015, được sự hỗ trợ của dự án CIDA, xã Kỳ Thượng đã triển khai mô hình “Chuỗi sản phẩm chè” nhằm đưa chuỗi sản phẩm chè phát triển có hiệu quả và bền vững.
Bên cạnh đó, Tiểu ban quản lý Dự án Trung tâm Khuyến nông tiếp tục hỗ trợ một số hoạt động như mở rộng diện tích trồng mới, hỗ trợ một số trang thiết bị phục vụ sản xuất và thu hái, thành lập tổ dịch vụ bảo vệ thực vật và hỗ trợ trang thiết bị máy móc cho tổ hoạt động nhằm kiểm soát chất lượng chè búp tươi.
Đặc biệt, xã Kỳ Thượng còn hướng tới xây dựng giá trị khác biệt cho sản phẩm chè Kỳ Thượng, phát triển đa dạng hóa thị trường đầu ra nhằm đưa sản phẩm chè vươn ra có giá trị cao hơn và thị trường nội địa.
Ông Vũ Trung Tiến, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng trao đổi với PV Infonet. |
Trao đổi với PV Infonet, ông Vũ Trung Tiến – Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho biết: “Với đặc thù là một xã miền núi, kinh tế khó khăn, xác định trồng chè công nghiệp sẽ đưa lại kinh tế cho người dân, cho nên từ năm 2012 trở lại đây, xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh trồng mới từ 15 – 40 ha chè. Phong trào trồng chè ở đây ngày một phát triển mạnh, trở thành cây mũi nhọn xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Thành công bước đầu từ mô hình trồng cây chè công nghiệp đã làm thay đổi nhận thức của người dân về phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với thị trường, việc ứng dụng các quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, góp phần thúc đẩy các vùng sản xuất chè có quy mô và bền vững đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng năng suất lao động, đảm bảo đúng lịch thời vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất cho các hộ dân trên địa bàn miền núi xã Kỳ Thượng”.
“Bên cạnh đó, với hình thức thành lập các tổ hợp tác, người trồng chè được hướng dẫn về kỹ thuật làm đất, chăm bón; cung ứng giống chất lượng cao, hỗ trợ vay vốn không lãi suất để mua phân bón, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với mô hình, đạt kinh tế, giảm chi phí sản xuất.
Từ đó, tăng khả năng tiếp cận với công nghệ, nguồn lực sản xuất và thị trường mới, tăng vị thế khả năng cạnh tranh, nâng cao năng lực về tố chức và kiến thức nhờ vào sự chia sẽ kinh nghiệm, rủi ro trong nhóm sản xuất. Liên kết giữa nông dân với nhau để đáp ứng nhu cầu thị tường tốt hơn, do đó nông dân mới có thể cung cấp sản phẩm đủ lớn về số lượng, đồng đều về chất lượng, kịp thời gian cho đối tác thu mua.
Không những vậy, với hình thức sản xuất này thì nông dân mới có khả năng quản lý về chất lượng sản phẩm để tăng giá trị, tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường đối với các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Nhờ cây chè mà đời sống vật chất của người dân được đảm bảo, đời sống tinh thần ngày một khởi sắc. |
Qua đó, chính quyền xã cũng phải tạo điều kiện giúp bà con nông dân liên kết có hiệu quả với các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, cũng như được giao lưu, học tập, trao đổi thông tin, kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất.
Đến thời điểm hiện tại, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm của người dân làm ra với Công ty Cổ phần chè Hà Tĩnh, Xí nghiệp Chè 12/9 đã giúp các hộ gia đình ổn định sản xuất, mỗi ngày trung bình một lao động có thể hái được từ 45 – 50 kg chè búp tương tương 350 – 400 ngàn đồng/ngày.
Trong thời gian tới, xã sẽ động viên bà con mở rộng diện tích trồng chè, nâng cao sản lượng và tính cạnh tranh mặt hàng chè thông qua sản xuất theo chuỗi giá trị, đạt chất lượng cao, sản phẩm an toàn đạt VietGAP, tạo liên kết với thị trường nâng cao thu nhập cho bà con nông dân góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi của địa phương, nhằm xóa đói giảm nghèo trong toàn xã”, ông Tiến cho biết thêm.
Có thể nói, nhờ cây chè mà đời sống vật chất của người dân được đảm bảo, đời sống tinh thần ngày một khởi sắc, góp phần xây dựng nông thôn mới tại xã miền núi Kỳ Thượng.
Tác giả: Đặng Sơn
Nguồn tin: Báo Infonet