Gia phong – truyền thống dòng họ trở thành một nhân tố văn hóa, hạt nhân cơ bản góp phần tạo nên truyền thống văn hóa làng xã, địa phương, dân tộc. Do vậy, văn hóa dòng họ còn đồng nghĩa với sự đa dạng văn hóa, bản sắc văn hóa, một nhân tố động lực thúc đẩy sự phát triển văn hóa, xã hội.
Rước bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nhà thờ họ Nguyễn Duy (thị trấn Nghèn – Can Lộc). Ảnh: Đạt Võ |
Trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc đã xuất hiện nhiều dòng họ “danh gia vọng tộc”, những dòng họ văn hiến – sản sinh, lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa tiêu biểu, đóng góp xứng đáng vào kho tàng di sản văn hóa chung của dân tộc.
Tuy nhiên, quan hệ dòng tộc từ quá khứ đến hiện tại đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, tiêu cực cần được nhận diện và khắc phục; đó là “kiểu tư duy” lấy gia đình hình dung thế giới, lấy ứng xử gia tộc làm chuẩn mực đạo đức xã hội; là lối sống bè phái, cục bộ, dựa dẫm; là thói gia trưởng, coi thường thể chế dân chủ cộng đồng; tư tưởng tông pháp, tộc quyền bám rễ trong mọi mặt đời sống xã hội…
Trách nhiệm của những nhà nghiên cứu và quản lí văn hóa, xã hội là phải biết nhận diện những mặt hạn chế để khắc phục, trân trọng những giá trị tốt đẹp để bảo tồn, phát huy.
Một trong những giá trị văn hóa tinh thần tiêu biểu nhất của dòng họ người Việt là ý thức hướng về nguồn cội tổ tiên như nội dung một câu ca thường được mở đầu trong các bản tộc phả: “Cây có gốc mới thắm cành xanh lá/ Nước có nguồn mới biển rộng, sông sâu”; hoặc cao hơn là cội nguồn linh thiêng của dân tộc, đất nước: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”… Ý thức này trước hết được thể hiện rất rõ trong việc thờ cúng tổ tiên, dòng tộc. “Tộc trưởng là người kế tục việc thờ cúng ông tổ chung. Vai trò người đó thuần túy chỉ là thờ cúng. Với danh nghĩa đó, người này giữ và quản lí hương hỏa”. Nhiều dòng tộc thực hành nghi thức tế lễ rất qui mô, bài bản.
Lễ hội Đô đài tế thủy tổ Bùi Cầm Hổ của họ Bùi (phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh) là một ví dụ điển hình. Việc tế tổ đã trở thành một lễ hội truyền thống cho cả vùng như câu ca truyền tụng từ bao đời nay ở Xứ Nghệ: “Tháng giêng Đô đài, tháng hai Hương Tích… Ngay cả những người dân Việt vì nhiều lý do phải biệt xứ, ly quê, định cư tại các châu lục nhưng ý thức về tổ gốc vẫn không hề phai nhạt. Tiêu biểu là dòng họ Lý gốc Việt ở Hàn Quốc. Không chỉ xây dựng một Trung hiếu đường tại Bong-hwa trên đất Hàn để sớm tối khói hương mà hàng chục năm qua, vào ngày 15/3, con cháu dòng họ Lý vẫn trở lại cố hương, tề tựu tại đền Đô (Bắc Ninh) thắp nén tâm nhang cầu mong được liệt tổ, liệt tông chứng giám, phù trì. Lễ tế tổ vào tiết Thanh minh của dòng họ Võ Tá ở Hà Hoàng (Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) không chỉ có con cháu định cư ở Liên bang Nga về dự mà nhiều năm, một số linh mục là con cháu trong họ từ Mỹ, Đức cũng về tham gia…
Hiện nay, ý thức tầm nguyên thủy tổ có xu hướng trỗi dậy. Nhiều dòng tộc trên khắp mọi miền đang ra sức hợp nhất chi phái, ghép nối phả hệ, truy nguyên thủy tổ. Họ Nguyễn có nguồn gốc phát tích ở Hà Ngọc, Hà Trung, Thanh Hóa đã hợp nhất các chi ở Hà Nội, Hà Tây (cũ), Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa… truy nguyên đến thủy tổ Nguyễn Bặc (924-979) – công thần khai quốc nhà Đinh.
Họ Doãn có nguồn gốc phát tích ở Tân Ninh, Triệu Sơn, Thanh Hóa đã ghép nối các chi ở Hà Nội, Hà Tây (cũ), Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An… phát hiện thủy tổ là Doãn Anh Khái giữ chức Lệnh thư gia dưới triều Lý Thần Tông.
Họ Vũ/Võ có nguồn gốc tại Mộ Trạch, Bình Giang, Hải Dương đã hợp nhất các chi ở Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… tìm đến ông tổ họ Vũ/Võ là thần tổ Vũ Hồn (804-853).
Họ Mai nhận thượng thủy tổ là Mai An Tiêm; họ Hồ xác định thủy tổ là Hồ Hưng Dật; họ Phan thờ thủy tổ Phan Tây Nhạc thời Hùng Vương; họ Phạm xác định Phạm Tu (thế kỷ thứ VI); họ Trần xác định Trần Quốc Kinh ở Tức Mạc; họ Lê chọn Lê Đột (thế kỷ thứ IX) – ông của Lê Hoàn; họ Đỗ xác định Đỗ Cảnh Thạc (thế kỷ X); họ Trương suy tôn Trương Hán Siêu; cả những họ có nguồn gốc Chiêm cũng xác định thủy tổ như Ông Lý Trai (thời Lý) thủy tổ họ Ông v.v…
Nhà thờ họ Đào Doãn Thắng (xã Sơn Bằng, Hương Sơn) đón nhận bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ảnh: Đậu Bình |
Ý thức tìm về thủy tổ của các dòng tộc trong việc ghép nối gia phả, tầm nguyên thủy tổ trên đây đang diễn ra theo 2 xu hướng: lịch sử hóa và huyền thoại hóa. Trong phần mở đầu cuốn sách “Họ Mai Việt Nam”, các tác giả đã nói: “Một trong những mục tiêu quan trọng của sách này là xác định được thủy tổ họ Mai nước Việt, là chỗ dựa tâm linh, là niềm tự hào cội nguồn chính đáng của mọi người. Việc xác định tổ tiên loài người cũng như thủy tổ họ Mai nước Việt theo cơ sở sinh học là công việc ngoài khả năng của chúng ta, kể cả các nhà nghiên cứu khoa học”. Xu hướng lịch sử hóa thường xác định ông tổ của dòng tộc mình là những nhân vật lịch sử cùng mang tộc họ, có danh tiếng và công trạng trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Xu hướng huyền thoại hóa thường tạo ra một lớp khói sương bàng bạc sắc màu huyền thoại bao phủ cuộc đời thủy tổ. Gác lại việc bàn luận đúng sai trong việc truy nguyên thủy tổ ở cả 2 xu hướng trên, ta thấy rõ ràng, người Việt đời nào cũng vậy, rất khát khao tìm về nguồn cội.
Trong quan hệ huyết tộc, ý thức về cội nguồn, gốc gác được xem như tiêu chí đạo đức quan trọng nhất để xem xét nhân cách, đánh giá đạo đức một con người. Do bảo lưu một hệ giá trị đạo đức truyền thống đậm chất nhân văn nên người Việt dù thời nào cũng luôn vọng tưởng về tổ quán để thờ phụng, tri ân với tâm niệm: Người ta có tổ có tông/ Như cây có cội như sông có nguồn. Vì vậy, người Việt thực hiện tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, trước hết là thờ cúng tổ tiên dòng tộc, không chỉ bằng niềm tin tín ngưỡng mà còn thực hiện bởi đạo lý làm người – đạo lý sâu nặng nghĩa tình, mang đậm màu sắc nhân văn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước cổ truyền.
Cùng với việc sản sinh, lưu truyền và kết tinh thành những giá trị văn hóa tinh thần mang tính phổ quát, hay như cách nói của một số nhà nghiên cứu là tạo ra các hằng số văn hóa, mỗi dòng họ lại mang chứa, tích tụ những giá trị truyền thống riêng, tạo nên sự đa dạng, đặc thù trong bức tranh văn hóa chung của dân tộc, quốc gia theo nguyên lý “thống nhất trong đa dạng”.
Đó là truyền thống khai canh lập quốc, trị nước an dân của các hoàng tộc như Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Mạc, Nguyễn… đã thay nhau giữ gìn bờ cõi, quyết chống ngoại xâm, phát triển kinh tế, thúc đẩy giao thương, mở mang văn hóa để góp phần kiến lập một quốc gia Đại Việt hưng thịnh. Đó là truyền thống hiếu học, lập thân, lập nghiệp của những danh gia vọng tộc đã sản sinh, nuôi dưỡng và dâng hiến cho quốc gia những nhân tài kiệt xuất, góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước. Chính những danh nhân xuất sắc của các dòng tộc ấy đã góp phần tạo dựng tinh hoa văn hóa Việt.
Bên cạnh những danh gia vọng tộc, người Việt còn có bách tính trăm họ bình dân. Trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài, nhiều dòng họ đã xây dựng và lưu giữ truyền thống tốt đẹp riêng. Có những dòng họ vang danh bởi nghiệp khoa cử như họ Nguyễn (Kim Đôi, Bắc Ninh), họ Ngô Thì (Tả Thanh Oai, Hà Nội), họ Hồ (Quỳnh Lưu, Nghệ An)… Họ Vũ (Mộ Trạch, Bình Giang, Hải Dương) từ thời Trần đến thời Lê có tới 36 tiến sỹ, vua Tự Đức đã khen tặng: “Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ” – làng Mộ Trạch có nhân tài nhiều bằng nhân tài của một nửa quốc gia… Có những gia tộc vốn xuất thân bình dân nghèo khó nhưng đã vươn lên bằng những cá nhân đột khởi để phát triển thành những cự tộc giàu truyền thống; cũng có những dòng họ nối đời làm nghề và phát triển ngành nghề thủ công với những thế hệ nghệ nhân tài ba; những dòng họ phát triển nghề giao thương v.v…
Dòng họ là một yếu tố quan trọng trong chuỗi liên kết: cá nhân – gia đình – dòng họ – làng xã – vùng miền – dân tộc/quốc gia. Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dòng họ cũng chính là góp phần bồi đắp, xây dựng hạnh phúc của mọi cá nhân, cộng đồng và của toàn dân tộc.
TS. Võ Hồng Hải/ Baohatinh.vn