Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự – xác nhận, dù kinh tế Hà Tĩnh đang có sự bứt phá rõ nét, trong đó chương trình xây dựng nông thôn mới phát triển sâu rộng góp phần giúp tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh; tuy nhiên, hiện địa phương này vẫn còn một bộ phận người lang thang, ăn xin, tập trung nhiều nhất là TP Hà Tĩnh và địa bàn KCN Vũng Áng, huyện Kỳ Anh. Theo ông Cự, thực trạng này không chỉ gây phiền hà đối với người dân, gây mất mỹ quan đô thị, mà còn ảnh hưởng nhiều đến chính sách an sinh của địa phương.
“Có những người hoàn cảnh khó khăn thật, nhưng không ít trường hợp dù có đủ sức khỏe, có khả năng lao động, có tư liệu sản xuất nhưng không chịu làm, cứ đi xin như là một nghề để kiếm sống. Nhiều người dân phản ánh với tôi, cứ đi ăn sáng là bị người ăn xin làm phiền, có trường hợp còn giả câm điếc để ăn xin” – ông Cự nói.
Một gia đình cả cha lẫn mấy đứa con nheo nhóc sống vất vưởng, ăn xin tại địa bàn TP Hà Tĩnh (ảnh: Văn Dũng).
Trước thực trạng nêu trên, ông Cự cho biết, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có công văn gửi Sở LĐTB-XH, UBND các huyện, thị xã yêu cầu giải quyết dứt điểm, không để tái diễn cảnh các đối tượng lang thang ăn xin ngay từ trước Tết Nguyên đán .
“Chúng tôi giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp, từ tuyên truyền, vận động các gia đình có thân nhân đi lang thang, ăn xin trở về quê, đồng thời rà soát lại các chính sách hỗ trợ an sinh, hỗ trợ sản xuất của nhà nước đối với các đối tượng khó khăn, người neo đơn, tàn tật… Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng các chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước không đến được với các đối tượng khó khăn này” – ông Cự cho hay.
Ngoài ra, theo ông Cự, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng khuyến khích người dân khi phát hiện người lang thang, ăn xin báo ngay cho các đơn vị đầu mối là Sở LĐ-TB&XH, Chủ tịch UBND các huyện thị để kịp thời đưa các đối tượng này về các trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh. “Chúng tôi đã yêu cầu các trung tâm bảo trợ xã hội phải chủ động ngay các việc làm cần thiết để khi phát hiện, đưa các đối tượng lang thang, ăn xin về đây là họ có thể có chỗ ăn, chỗ nghỉ. Từ đây, chúng tôi sẽ cho phân loại, trường hợp nào có đủ sức khỏe, có gia đình sẽ trả về địa phương, giao địa phương quản lý; trường hợp nào không nơi nương tựa, bệnh tật không thể lao động thì các trung tâm bảo trợ sẽ nuôi dưỡng”- ông Cự nói thêm.
PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Thông cho hay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã cùng với UBND các huyện thị đồng loạt triển khai các biện pháp nhằm đưa người lang thang ăn xin về với gia đình, địa phương hoặc vào các trung tâm bảo trợ xã hội. “Sở LĐ-TB&XH và các phòng cùng chức năng của các huyện thị xã sẽ là đầu mối nhận thông tin, sau đó sẽ phối hợp với công an, trật tự đô thị giải quyết các vấn đề liên quan đến người lang thang ăn xin” – ông Thông nói.
Cũng theo ông Thông, theo yêu cầu của Sở LĐ-TB&XH tỉnh, hiện 4 đơn vị trực thuộc là Trung tâm bảo trợ xã hội, Trung tâm chữa bệnh – giáo dục – lao động, Làng trẻ mồ côi SOS và Trung tâm dạy nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật đã chuẩn bị mỗi đơn vị từ 20-40 chỗ ăn nghỉ sẵn sàng đón các đối tượng lang thang, ăn xin về nuôi dưỡng.
Văn Dũng