Gần một tháng nay, dư luận chờ đợi sự lên tiếng của cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh, sau khi Báo điện tử TN&MT có bài viết: “Mặt trái của dự án đường lâm nghiệp”, phản ánh, thời gian qua, hoạt động khai thác, vận chuyển gỗ tại rừng phòng hộ Sông Tiêm diễn ra công khai và dự án đường lâm nghiệp đã vô tình “tiếp tay” cho lâm tặc phá rừng, quá trình lập dự án không đánh giá tác động môi trường.
Văn bản báo cáo, giải trình của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh |
Trước thông tin trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cùng các ngành chức năng đã vào cuộc kiểm tra. Ngày 4/11, Sở NN&PTNT đã có văn bản số 595/BQLDA phản hồi, giải trình và cung cấp một số thông tin về dự án đường lâm nghiệp. Kết quả cho thấy, nội dung Báo điện tử TN&MT đã phản ánh là đúng sự thật, kịp thời giúp cơ quan chức năng nắm bắt được sự việc, có giải pháp chấn chỉnh.
Theo đó, Dự án đường lâm nghiệp tại huyện Hương Khê được bắt đầu từ xã Hương Vĩnh đi vào rừng phòng hộ Sông Tiêm, triển khai thi công từ năm 2014, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2015; chiều dài 6,6km với mức đầu tư 16 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách trung ương đầu tư từ chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững; ngân sách tỉnh trích từ Quỹ bảo vệ và phát triển rừng; huy động các nguồn vốn hợp pháp khác và lồng ghép các chương trình dự án có liên quan. Quá trình thực hiện khảo sát lập, thẩm định và trình phê duyệt dự án, căn cứ vào quy định hiện hành đã không đánh giá tác động môi trường.
Dự án đường lâm nghiệp vào rừng phòng hộ Sông Tiêm “tiếp tay” cho lâm tặc |
Ông Nguyễn Bá Thịnh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, cho biết: “Sau khi tiếp nhận thông tin, ngành đã vào cuộc kiểm tra, thừa nhận việc sử dụng con đường dự án lâm nghiệp theo mục đích ban đầu không hiệu quả. Chúng tôi cho đây là những thông tin hết sức quý giá, giúp cho ngành kịp thời phát hiện, chấn chỉnh”.
“Sẽ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân để xảy ra hoạt động khai thác rừng trái phép, có hình thức xử lý nghiêm khắc. Phê bình Ban QL rừng phòng hộ Sông Tiêm thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực quản lý và khẳng định sẽ đề xuất ý kiến thay đổi bộ máy. Có như vậy mới giữ được rừng”, ông Thịnh nói.
Được biết, nằm trong quy mô của Dự án đường lâm nghiệp tại Hà Tĩnh, cùng thời điểm có tất cả mười tuyến đường được đầu tư, triển khai thi công trên các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên với cấp công trình giao thông nông thôn loại A; tổng chiều dài 38, 762km; tổng mức đầu tư 59, 62 tỷ đồng.
Như Báo điện tử TN&MT đã phản ánh trước đó, sau khi hoạt động khai thác, vận chuyển gỗ lậu tại rừng phòng hộ Sông Tiêm được phát giác, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra và có báo cáo số 543/BC-KL, ngày 6/10, phản hồi thông tin Báo điện tử TN&MT, thừa nhận những phản ánh của Báo là đúng sự thật.
Đức Cảnh