Hà Tĩnh ngày nay

Hà Tĩnh: Những “Bom nước” lơ lửng trên đầu dân

Với túi nước khổng lồ 38 triệu m3 treo lơ lửng trên cao trình 72 m, không có tràn xả lũ, thủy điện Hố Hô được ví như quả “bom nước”.

Một đôi vợ chồng già bên ngôi nhà ngập lũ

“Quả bom” này luôn tiềm ẩn nguy cơ đẩy hàng vạn dân cư Hương Khê (Hà Tĩnh) và Hương Hóa (Quảng Bình) ra biển Đông, nếu chẳng may… vỡ đập.

Năm 2007, thủy điện Hố Hô được lãnh đạo cùng các ban ngành của 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh chấp thuận cho xây dựng. Sự chấp thuận chóng vánh đã làm đảo lộn hoàn toàn đời sống của hàng vạn dân cư vốn sống bình yên bao đời ven sông Ngàn Sâu. Mùa nắng, sông bị cạn trơ đáy do thủy điện tích nước; mùa mưa lại dồn dập xả lũ gây thiệt hại về người, tài sản, nhà cửa ruộng vườn của hàng vạn dân cư phía hạ du.

Một lãnh đạo huyện Hương Khê vẫn chưa hết bàng hoàng về trận xả lũ năm 2010, kể: Năm đó, lũ về dồn dập khiến các cánh cửa van xả lũ bị tê liệt; cả tháp nước khổng lồ cuồn cuộn vượt mặt đập trên 1m.

Nguy cơ vỡ đập trong gang tấc. Dân cư nháo nhác như ong vỡ tổ. Đứng trước lâm nguy, Tư lệnh Quân khu 4 đã cấp tốc điều động hàng trăm chiến sỹ cùng hàng tấn thuốc nổ đợi lệnh nổ mìn mở “đường máu” bằng cách phá xả lũ hai vai đập để cứu dân.


Ba gia đình ở xóm Ngọc Bội bị lũ cuốn trôi nhà cửa do bờ sông lở sâu vào hơn 40 mét

Ông Lê Đức Khang, Trưởng BQL các dự án xây dựng cơ bản huyện Hương Khê khẳng định, sự cố thủy điện Hố Hô xả lũ năm 2010 gây sạt lở bờ sông Ngàn Sâu nghiêm trọng đoạn chảy qua các xã Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Hương Thủy và Phương Mỹ. Để khắc phục sự cố nói trên, phải đầu tư chừng khoảng 325 tỷ đồng xây kè chống sạt lở.

Cũng trong lúc này, lực lượng cứu hộ đã “gỡ kẹt” được các cánh cửa van xả, hàng triệu m3 nước từ độ cao 72 m giận dữ đổ xuống gây thành tiếng nổ lớn. Chỉ trong giây lát, tất cả làng mạc phía hạ du đã bị ngập chìm trong biển nước. Người, nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò bị lũ cuốn phăng…

Trở lại Hương Hóa (Quảng Bình), tiếp xúc với nhiều người dân ở thôn Trung Lĩnh và Bắc Lĩnh. Chị Trần Thị Nguyệt ở thôn Tân Đức, cho biêt trong số 25 ha đất SX bị lũ cuốn trôi, trong đó nhà chị mất gần 1 mẫu đất chuyên sản xuất hai vụ lạc xen ngô và 1 vụ đậu xanh, dẫn đến 7 miệng ăn trong nhà rơi vào cảnh túng đói. Thế nhưng thủy điện họ chẳng hề đền bù cho gia đình chị một đồng nào.

Ghé thăm xã Hương Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) tìm hiểu về những hệ lụy kể từ ngày có thủy điện Hố Hô, được biết kể từ trận lũ năm 2010, khi thủy điện Hố Hô ào ạt xả lũ, túi nước khổng lồ thốc về cuốn trôi hết tài sản, ruộng vườn, kéo theo là đất vườn của trên chục hộ dân.

Nhà của các hộ Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Sỹ Kỳ… bị lở tận móng, phải bỏ của chạy lấy người, bỏ lại vườn không nhà trống. Vườn ông Hán Duy Tùng bị lở, chiều dài 70 m, chiều rộng 50 m, cuốn trôi 30 cây bưởi, 20 cây mít cổ thụ.


Toàn cảnh thủy điện Hố Hô nơi hiểm họa đang rình rập

Trước mất mát do thủy điện Hố Hô gây nên, Chủ tịch UBND xã Hương Trạch – Trần Xuân Lý, buồn bã, nói: “Hương Trạch chúng tôi mất rất nhiều đất sản xuất, nhất là đất vườn của hàng chục hộ dân sống bên đôi bờ. Nếu chẳng may sự cố vỡ đập xảy ra, chúng tôi là địa phương phải gánh chịu thảm họa nặng nề nhất. Chừng nào còn thủy điện Hố Hô, chừng đó, dân chúng tôi còn phải sống trong nơm nớp lo âu”.

Hàng vạn dân cư Hà Tĩnh và Quảng Bình sống trong vùng, cũng như lãnh đạo hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, khi được hỏi về vấn đề này đều rất lo lắng vì sợ đập thủy điện Hố Hô vỡ. Nguyện vọng thiết tha của họ là, nếu không thể đảm bảo an toàn hồ đập, thì tốt nhất, xin hãy đừng tích nước, đừng để hàng vạn công dân vô tội luôn sống trong lo âu khắc khoải về nguy cơ vỡ đập.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP