Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Những “bất thường” tại công trình nhà đa chức năng trường Tiểu học Thạch Linh

Ngay tại thời điểm nghiệm thu để đưa công trình vào khai thác sử dụng, nhà đa chức năng trường Tiểu học Thạch Linh, TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) đã bộc lộ nhiều “bất thường” như một số vị trí nền, tường có vết nứt; một số vị trí sơn chưa đạt về mặt thẩm mỹ; một số vị trí trần bị cong vênh... khiến dư luận không khỏi hoài nghi về chất lượng của công trình này.

Trường Tiểu học Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, nơi công trình nhà đa chức năng có nhiều dấu hiệu xuống cấp.

Nhà học đa chức năng trường Tiểu học Thạch Linh do UBND phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh làm chủ đầu tư; Cty CP Ân Phú Thịnh tư vấn giám sát và Cty CP Việt Sao Á chịu trách nhiệm thi công.

Công trình được thiết kế 01 tầng, rộng 16,8m, dài 31,95m, sàn mái sảnh bê tông cốt thép, mái lợp tôn màu mạ kẽm, xà gồ thép. Kết cấu đơn bê tông cốt thép kết hợp móng đá đỡ tường, phần thân sử dụng hệ khung dầm sàn bê tông cốt thép toàn khối. Tổng mức đầu tư xây dựng công trình trên 3,2 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp gần 2,7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Hà Tĩnh và chủ đầu tư huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

Mục tiêu đầu tư xây dựng nhà đa chức năng trường tiểu học Thạch Linh nhằm đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh nhà trường.

Toàn bộ bờ tường dưới 04 cửa sổ phía Nam đều bị nứt dọc từ trên xuống nghi do móng nhà bị lún.

Tuy nhiên, ngay trong quá trình triển khai thi công, công trình này đã bộc lộ nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Tại Biên bản kiểm tra ngày 11/4/2017, giữa đại diện Sở Xây dựng với đại diện chính quyền địa phương; đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế; đơn vị tư vấn giám sát; đơn vị thi công, ghi rõ: Biên bản lấy mẫu vật liệu đầu vào (cát, đá, thép, xi măng, gạch xây, nước, thiết kế cấp phối bê tông, mác vữa...) và kết quả thí nghiệm còn ghi chung chung, không phù hợp với quy định; không có biên bản nghiệm thu vật liệu đổ vào công trường; chỉ lấy 02 tổ mẫu của các cấu kiện bê tông là không phù hợp; không có kết quả thí nghiệm R28 ngày của các cấu kiện bê tông từ móng đến mái; không có chứng chỉ xuất xứ của các loại vật liệu như điện, nước hoặc cấu kiện đúc sẵn; không có chứng nhận hợp quy của vật liệu cát, đá, xi măng, gạch xây; chưa có thí nghiệm chỉ tiêu cơ lý và thí nghiệm độ chặt của đất đắp nền; chưa lập và trình chủ đầu tư phê duyệt biện pháp thi công; nhật ký thi công ghi chép sơ sài, thông tin không đầy đủ; một số nội dung trong bản vẽ hoàn công không phù hợp với thực tế (chưa thực hiện nhưng đã hoàn công).

Có nhiều đường nứt ngang trên đầu cửa sổ và cửa chính.

Biên bản kiểm tra cũng chỉ rõ việc chậm tiến độ thi công so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư, nhưng chưa có gia hạn hợp đồng theo quy định.

Mặc dù đã được nhắc nhở và yêu cầu bổ sung hồ sơ nhưng đến ngày 3/8/2017, tại Biên bản nghiệm thu công trình để đưa vào sử dụng, đơn vị thi công vẫn không khắc phục một cách triệt để. Vẫn còn thiếu biên bản bàn giao mặt bằng, cốt thi công; kết quả độ chặt K của đất nền ghi phiếu đo là chưa phù hợp; thiếu kết quả siêu âm chất lượng đường hàn vì kèo thép; thiếu kết quả đo chống sét và biên bản nghiệm thu chống sét.

Biên bản nghiệm thu cũng chỉ rõ những tồn tại trong kỷ thuật thi công như: “Một số vị trí nền phòng đa năng, tường có vết nứt; một số vị trí sơn chưa đạt về mặt thẩm mỹ; một số vị trí trần bị cong vênh”. Và kết luận: “Công trình đủ điều kiện tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng”.

Nền nhà bị bong tróc từng đám, một số điểm bị nứt nẻ ngang dọc dẫn đến tình trạng “bục ruột”.

Tại hiện trường, xuất hiện nhiều đường nứt ngang trên đầu cửa sổ và cửa chính. Toàn bộ bờ tường dưới 04 cửa sổ phía Nam đều bị nứt dọc từ trên xuống. Nhiều chỗ trên đầu cột hành lang phía Bắc và phía sảnh trước nhà cũng bị nứt nẻ kết cấu, có chỗ dài tới 2,5m. Về vấn đề này, một nhà thầu có tiếng trên địa bàn cho biết: “Đường nứt ngang là do sự co ngót của vật liệu gạch không nung. Còn hiện tượng nứt dọc từ trên xuống là do móng nhà bị lún”.

Mặt nền cũng bị phù rộp, bong tróc rất nhiều do chất lượng mác vữa xi măng không đảm bảo. Một số điểm bị nứt nẻ ngang dọc dẫn đến tình trạng “bục ruột”. Mặc dù đã được đơn vị thi công tiến hành khắc phục nhưng “bệnh nào vẫn tật nấy”.

Toàn bộ thiết bị quạt điện đã bị hư hỏng. Hệ thống đèn chiếu sáng không còn sử dụng được, trần nhà bị rơi rụng.

Trần nhà không chắc chắn nên bị gió đánh rơi.

Trao đổi với Ban giám hiệu nhà trường thì được biết, công trình này xuống cấp quá nhanh, mới đưa vào sử dụng được khoảng một tháng thì bị bong tróc toàn bộ. Quạt điện bị hư hỏng và tự rơi rụng; hệ thống điện bị nhiễm vào tường khiến lượng tiêu thụ nhiều và đèn bị chập nổ, cháy đen cả mảng; trần nhà không chắc chắn nên bị gió đánh rơi.

Làm việc với đơn vị chủ đầu tư, ông Trương Quang Sơn - Chủ tịch UBND phường Thạch Linh cho biết: “Công trình đã được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Trong quá trình làm có những hạng mục chưa đảm bảo đã cho sửa lại rồi. Việc nhà trường phản ánh điện tiêu thụ nhiều nhưng thực ra bật đèn sáng cả đêm để chơi thể thao nên vậy, lắp nhiều bóng thì sử dụng nhiều thôi. Chưa có cơ sở nào xác định do điện nhiễm vào tường cả. Nếu điện nhiễm vào tường thì sẽ bị giật và không thể sáng được”.

Toàn bộ thiết bị quạt điện đã bị hư hỏng, rơi rụng.

Ông Sơn cũng thừa nhận hiện tượng cháy nổ là có thật nhưng cháy ở thiết bị đầu cuối chứ không phải ở hệ thống nguồn. Hiện tại chưa thấy ai báo cáo về dấu hiệu nứt nẻ, xuống cấp. Công trình này được bảo hành 24 tháng nên hỏng chỗ nào thì sẽ cho xử lý chỗ đó.

PV Báo Xây dựng sẽ làm rõ vấn đề này qua các bài viết tiếp theo.

Tác giả: Phi Long - Trần Hoàn

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP