Vì thế, khi dịch cúm gia cầm xảy ra ở 2 xã thuộc huyện Cẩm Xuyên và 1 xã ở huyện Can Lộc liền được các lực lượng tập trung khoanh vùng dập dịch nhanh chóng kịp thời.
Được biết Hà Tĩnh là tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, mật độ chăn nuôi dày đặc nên thường hay xảy ra dịch bệnh. Ngoài ra yếu tố khí hậu thời tiết nơi đây thường xuyên bất lợi cộng với việc vận chuyển gia súc, gia cầm từ các tuyến đường từ Nam ra, Bắc vào.
Đặc biệt Hà Tĩnh tiếp giáp với nước bạn Lào có 2 Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo và Cửa khẩu Cha Lo thuận lợi cho việc vận chuyển, mua bán gia súc gia cầm các loại mỗi khi có dịch bệnh xảy ra. Vả lại chăn nuôi ở Hà Tĩnh còn mang tính manh mún nhỏ lẻ, trâu bò, gà, vịt còn thả rông theo kiểu bầy đàn khá phổ biến. Với những đặc điểm trên nên UBND Hà Tĩnh đã xem việc phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm là nhiệm vụ cấp bách.
Xã Cẩm Quang kịp thời lập 4 chốt kiểm dịch ngay sau khi phát hiện có
dịch cúm gia cầm
Được biết ngày 15/2/2014 tại 4 thôn của 2 xã Cẩm Quan và Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) đã xảy ra dịch cúm gia cầm được xác định ở hộ anh Nguyễn Văn Thông và anh Nguyễn Văn Hiến (thôn 5, Cẩm Quang). Theo anh Thông cho biết: Gia đình anh nuôi 1.000 con vịt 5 – 6 tháng tuổi, mấy ngày trước còn khỏe mạnh, chỉ trong một vài ngày có hiện tượng lờ đờ, bỏ ăn, rồi ốm, chết hàng loạt.
Cũng tại Cẩm Hòa, cũng trong thời điểm nói trên hai thôn Bắc Hòa và Phú Hòa dịch cúm gia cầm xảy ra làm 746 con gia súc mắc bệnh, trong đó 634 con gà và 112 con ngan. Ngoài hai xã ở Cẩm Xuyên tại thôn Làng Khang (Thuần Thiện, Can Lộc) đàn gia cầm của ông Lê Sỹ Mậu cũng có hiện tượng tương tự. Sau khi phát hiện các hộ dân nói trên đã kịp thời báo cáo lên chính quyền địa phương.
Ông Phạm Thanh Bình – Giám đốc chi cục thú y Hà Tĩnh cho biết: Ngay khi có thông báo tình hình, lực lượng thú y đã có mặt kịp thời lấy mẫu kiểm tra. Tuy nhiên, sau khi xem xét biểu hiện lâm sàng, chúng tôi chỉ đạo tiêu hủy toàn bộ 2.143 con gia cầm nói trên; đồng thời, chỉ đạo gấp rút công tác tiêm phòng, phun hóa chất và rắc vôi bột tiêu độc khử trùng nhằm bao vây, khống chế mầm dịch không để phát sinh. Ông Bình khẳng định dịch bệnh chỉ xảy ra từ 15 – 21/2 được dập tắt hoàn toàn và đến thời điểm này 24/2 ở Hà Tĩnh không phát sinh thêm ổ dịch nào mới.
Cũng theo Ông Nguyễn Lương Tâm – Giám đốc trung tâm y tế dự phòng Hà Tĩnh cho biết: Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh cúm A(H5N1), A (H7N9) trên người. Hiện tại chúng tôi đang tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến và chỉ đạo quyết liệt nhằm hạn chế lây lan gia cầm sang gia cầm và gia cầm sang người.
Rõ ràng sự chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và nhận thức của người dân trong công tác phòng chống dịch là động thái tích cực tăng hiệu quả công tác dập dịch tại cơ sở. Đây sẽ là yếu tố góp phần quan trọng giảm thiểu rủi ro nhằm tạo ra môi trường chăn nuôi an toàn, bền vững.
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có quyết định về việc giao chỉ tiêu tiêm vắc xin phòng bệnh gia súc, gia cầm năm 2014 cho các huyện, thành, thị trong tỉnh.
Theo đó, kế hoạch tiêm vắc -xin cúm gia cầm H5N1 cho đàn gà năm 2014 này là 3.747.520/4.684.400 con, đàn vịt 1.135.500/1.135.500 con; đàn trâu bò, tiêm 192.390 liều vắc xin lở mồm long móng và 192.390 liều vắc-xin tụ huyết trùng; đàn lợn tiêm 320.024 liều vắc-xin dịch tả và 320.024 liều vắc-xin tụ huyết trùng; đàn chó tiêm 216.562 liều vắc-xin dại.
Các chỉ tiêu trên được giao cho mỗi đợt tiêm (mỗi năm 2 đợt: vụ xuân và vụ đông), riêng vắc-xin tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó giao tiêm đợt 1 trong năm.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức chỉ đạo, triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo chỉ tiêu được giao, trong đó ưu tiên tập trung tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm và LMLM gia súc trước, đồng thời chỉ đạo các xã/phường/thị trấn thường xuyên rà soát để tiêm phòng bổ sung cho gia súc, gia cầm chưa được tiêm và hết thời gian miễn dịch…