Nhà máy nước sạch bỏ hoang, người dân dùng nước ô nhiễm sinh hoạt
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Toàn, một người dân thôn Sơn Quang, xã Đức Lạng vô cùng bức xúc: “Người dân mong chờ có nguồn nước sạch, an toàn để sử dụng, tránh bệnh tật vì nguồn nước ngầm bị ô nhiễm xăng dầu nghiêm trọng, ngày càng phát hiện nhiều người mắc bệnh ung thư. Trong khi nhà máy nước sạch xây dựng lên sử dụng hai tháng rồi để hoang…”
Nhà máy nước sạch Đức Lạng bỏ hoang nhiều năm nay |
Tìm hiểu chúng tôi được biết, vào khoảng năm 1960, trên địa bàn xã Đức Lạng có đường ống trung chuyển xăng dầu chiến lược bị trúng bom, bóc cháy nhiều ngày liền. Cuộc sống người dân sau sự kiện diễn ra gặp rất nhiều khó khăn, đầu tư hàng chục triệu đồng để đào giếng khoan nhưng vẫn không có nước để ăn uống, sinh hoạt do phát hiện xăng dầu đã ngấm vào cả nguồn nước ngầm.
Theo phản ánh của người dân, lượng xăng dầu ngấm vào nguồn nước ngầm quá lớn nên giếng khoan chỉ sử dụng nước để rửa, tắm giặt do có mùi nồng nặc xăng dầu, đất ở giếng đào vẫn bốc cháy khi chạm lửa. Chỉ một số ít hộ dân nằm sát núi còn được sử dụng nước suối hợp vệ sinh, phần lớn nước ăn uông phải dùng dụng cụ để tích trữ nước mưa.
Các hạng mục được đầu tư bài bản nhưng không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật |
“Không ở đâu xa, gần trụ sở UBND xã Đức Lạng vào những ngày hè mùi xăng dầu từ đất bay lên nồng nặc, không thể đứng lâu được. Ngoài ra, khu vực trường mầm non cũng bị ảnh hưởng là điều khiến người dân vô cùng bức xúc…”, ông Nguyễn Đình Chiểu- Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lạng cho biết.
Nhằm khắc phục tình trạng nguồn nước ngầm bị nhiễm xăng, năm 2009, xã Đức Lạng đã được Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh nông thôn Hà Tĩnh đầu tư nhà máy nước sạch với số vốn 5,6 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Công trình do Công ty CP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Miền Trung (TP Hà Tĩnh) thi công.
Nhiều năm nằm đắp chiếu nên Nhà máy đã bị rêu phủ, cây cối bủa vây |
Được biết, cuối năm 2011, nhà máy được bàn giao cho chính quyền địa phương để đưa vào sử dụng. Người dân hưởng lợi chia sẽ thêm, để được sử dụng nước sạch mỗi hộ phải đóng thêm 2 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, mọi việc chỉ được đáp ứng trong hai tháng, sau đó nhà máy nằm đắp chiếu cho đến nay, người dân vẫn phải dùng nước ô nhiễm sinh hoạt.
Có hay không việc “chạy” tiêu chí để về đích NTM…?
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà máy nước Đức Lạng ngừng hoạt động, theo chính quyền địa phương là do quá trình xây dựng hệ thống ống dẫn có quá nhiều thứ bất cập, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật nhưng không được chủ đầu tư nghiên cứu kỹ. Đáng nói, vị trí lấy nước nằm ở khúc cua của con sông Ngàn Sâu nên mỗi lần mưa lũ cát bồi lấp hết cả phần ống hút, hệ thống ống dẫn tiếp nhận tắc nghẽn. Ngay trong thời hạn bảo hành (2 năm), máy bơm nước của nhà máy cháy đến 4 lần.
Mặc dù đã được UBND xã Đức Lạng khắc phục bằng cách thay hệ thống ống dẫn nhưng vẫn không thể vận hành |
Quá trình dẫn chúng tôi thực tế tại nhà máy nước sạch, ông Nguyễn Đình Chiểu- Phó chủ tịch UBND xã Đức Lạng chia sẽ: Lâu nay hơn 100 hộ dân ở thôn Sơn Quang không thể dùng nước giếng khoan, giếng đào để sinh hoạt do nguồn nước ngầm bị nhiễm xăng dầu. Để duy trì cuộc sống, lâu nay người dân sắm dụng cụ để tích trữ nước mưa, còn nước giếng chỉ dùng để rửa, tắm giặt.
Được biết, năm 2015, xã Đức Lạng đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí của xã Đức Lạng, để đạt được kết quả trên, đến ngày 15/11/2015, tổng số tiêu chí xã tổ chức đánh giá đạt chuẩn NTM theo quy định là 18/18(đạt 100%), trong đó tiêu chí số 17- tiêu chí Môi trường kết quả thực hiện được báo cáo 100% số hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh(tổng số 900 hộ)…?
Được biết, quá trình thực hiện để "cán đích" NTM, UBND xã Đức Lạng thành lập Ban bảo vệ, trích kinh phí 39 triệu đồng/năm để tái khởi động nhà máy nhưng không hiệu quả |
Từ một xã đã về đích NTM, có nghĩa các tiêu chí được cơ quan chuyên môn, Ban chỉ đạo NTM đánh giá, chứng nhận đạt chuẩn. Cụ thể, tiêu chí Môi trường(nước sạch…), được Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh nông thôn Hà Tĩnh kiểm tra nghiêm ngặt, lấy mẫu phân tích, cấp chứng nhận.
Thôn Sơn Quang đang phải gánh chịu ô nhiễm từ xăng dầu thời kỳ chiến tranh để lại |
Dư luận đặt câu hỏi việc cấp chứng nhận đạt chuẩn nguồn nước sạch ở xã Đức Lạng đã thực sự khách quan hay đó chỉ là cái trò của bệnh thành tích? Phóng viên Báo TN&MT đã liên hệ với ông Lê Văn Hiệp- Chủ tịch UBND xã Đức Lạng để làm rõ một số vấn đề liên quan.
Trao đổi với phóng viên, ông Hiệp chia sẽ về thực trạng nguồn nước tại địa phương đúng như người dân phản ánh. Rất nhiều hộ dân đang phải dùng nước nhiễm phèn, nhiễm xăng dầu để sinh hoạt nhưng hiện tại vẫn chưa có phương án để khắc phục.
Hàng trăm hộ dân xã Đức Lạng đang phải dùng nước ô nhiễm sinh hoạt, mặc dù xã đã về đích NTM |
Liên quan đến báo cáo của địa phương về xây dựng NTM đã đảm bảo vệ sinh môi trường, ông Hiệp khẳng định không có chuyện “chạy” tiêu chí. Thời điểm xã “nước rút” để về đích năm 2015 thì dự án nhà máy nước sạch được địa phương trích kinh phí, khắc phục được Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu kiểm tra, bởi đây là tiêu chí khá nặng nề nhưng đã được đánh giá đạt yêu cầu. Tuy nhiên, sau đó nhà máy tiếp tục hư hỏng nên dừng hoạt động
Mặc dù vậy, người dân cho biết chỉ được sử dụng nước từ nhà máy khoảng hai tháng vào năm 2011, từ đó đến nay, nhà máy đã xuống cấp, hư hỏng không sử dụng được và bị bỏ hoang. Ông Lê Văn Hiệp- Chủ tịch UBND xã Đức Lạng cũng không dám khẳng định sẽ tái khởi động lại nhà máy khi chúng tôi đề cập, bởi nhiều hạng mục của công trình đến nay đã xuống cấp.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.
Tác giả: Đức Cảnh
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường