Người dân hồ hởi sau một chuyến ra khơi |
Sau hơn một năm sự cố môi trường biển xảy ra tại Hà Tĩnh, cùng với những nỗ lực của các cấp, các ngành khắc phục hậu quả, đến nay ngư dân Hà Tĩnh lại phấn khởi vươn khơi. Những con tàu vươn xa khắp vùng biển của đất nước trở về bờ với đầy tôm cá, báo hiệu một mùa thắng lợi.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, 8 tháng đầu năm 2017, sản lượng khai thác trên biển của tỉnh Hà Tĩnh đạt 16.715 tấn, với tổng giá trị hơn 435,6 tỷ đồng, tăng hơn 168% so với cùng kỳ năm ngoái. Toàn tỉnh đã thành lập được 54 tổ đội khai thác hải sản trên biển với tổng số tàu là 295 chiếc, 2 nghiệp đoàn nghề cá và 15 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ.
Những khoang thuyền ra khơi đầy ắp cá, tôm |
Dù gặp sự cố môi trường biển nặng nề, nhưng Hà Tĩnh vẫn được đánh giá là một năm có thời tiết tương đối thuận lợi cho các đội tàu đánh bắt thủy sản. Nghề khai thác thủy sản tại Hà Tĩnh đã khôi phục trở lại, sản lượng tàu khai thác ven bờ đạt từ 65% - 70%, tàu khai thác vùng lộng, vùng khơi đạt tỷ lệ từ 85% - 90%. Ngoài việc khai thác ở vùng biển Hà Tĩnh, ngư dân đang vươn ra các ngư trường lớn như vùng biển quanh đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô, vùng biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận.
Rộn ràng, hối hả, nhộn nhịp... là không khí của những ngư dân vùng cảng cá Cửa Nhượng (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên), trước mắt chúng tôi là hàng trăm tàu, thuyền vừa cập bến với những khoang thuyền đầy ắp cá, tôm.
Từ tờ mờ sáng, những tàu cá cập bến, với các loại hải sản đầy ắp khoang như: cá thu, cá trích, cá nục, mực ống, mực sim, con ruốc... Giá tại thời điểm, mỗi kg cá thu trên dưới 180 ngàn đồng; mực ống 250 ngàn đồng... Mỗi chuyến đi biển về, mỗi tàu công suất từ 300CV đến 820CV thu nhập vài chục triệu đồng.
Một ngư dân "khoe" một con cá đánh bắt được |
Vừa trở về từ chuyến đi biển dài ngày ở ngư trường Bạch Long Vỹ, ngư dân Tôn Đức Vinh (thôn Tân Hải, xã Cẩm Nhượng), chủ tàu vỏ thép HT 96719 TS công suất 829CV cho biết: Từ khi hạ thủy (tháng 5-2017) đến nay, tàu đã cho lãi ròng gần 1 tỷ đồng. Riêng chuyến ra khơi đầu tiên trong 5 ngày, tàu đánh bắt được 6 tạ hải sản, thu về 80 triệu đồng. Chuyến này đi 7 ngày thu được gần 1 tấn, chủ yếu là cá thu trồi, với giá bán từ 180.000 đồng/kg.
Nhìn thấy rõ, dù mới cập bến chưa đầy một giờ đồng hồ, tất cả số hải sản đánh bắt về tại cảng Cửa Nhượng đã được thương lái thu mua hết. Từ những con tàu vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67/CP, ngư dân Cẩm Nhượng vô cùng phấn khởi, tự tin vươn khơi, ra biển lớn.
Cũng tại vùng biển xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) để hỗ trợ người dân bám biển, ngày 18/8/2017 UBND xã đã quyết định thành lập Tổ khai thác hải sản xa bờ Cẩm Nhượng. Tổ có 6 tàu (250 CV trở lên) với 35 lao động, do chủ tàu vỏ thép Tôn Đức Vinh làm tổ trưởng. Tổ hoạt động với mục đích hỗ trợ liên kết sản xuất, tìm kiếm cứu nạn, vừa khai thác hải sản xa bờ, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo, đoàn kết nhau lại để hoạt động chuyên nghiệp hơn.
"Lộc" biển luôn đến với ngư dân |
Tại các vùng biển khác của Hà Tĩnh như Nghi Xuân, Lộc Hà, Kỳ Anh, ngư dân đang dần thay đổi thói quen sản xuất. Nhiều gia đình ngư dân đã sử dụng nguồn tiền đền bù từ sự cố môi trường biển để đầu tư, thay mới những chiếc tàu cũ để vững vàng ra khơi bám biển.
Theo chỉ đạo chung của tỉnh, để hỗ trợ người dân bám biển đạt hiệu quả, ngư dân nên khai thác theo tổ, đội hỗ trợ nhau trên biển. Đồng thời phổ biến thông tin ngư trường đến bà con ngư dân, nhất là đội tàu đánh bắt xa bờ, đội tàu đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ như: Khuyến khích ngư dân thực hiện, trong đó có việc đóng mới tàu vỏ thép, tàu vật liệu mới.
Ngoài ra, cần tăng cường bảo dưỡng duy tu để không những khai thác hiệu qủa mà còn lâu bền, tránh hư hỏng trong quá trình sử dụng. Tập trung vào các giải pháp về khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả khai thác, không khuyến khích phát triển thêm tàu, giảm lượng tàu khai thác ven bờ để khai thác đi vào chiều sâu và phát triển bền vững.
Tác giả: Mỹ Hoa
Nguồn tin: Báo Infonet