Cần Giúp Đỡ

Hà Tĩnh: Người mẹ nghèo đau đớn lo lũ lên cuốn trôi con trai bị bệnh tâm thần

Nhìn vào đôi mắt sâu hoắm của người mẹ già đã khóc cạn cùng nước mắt vì đứa con bị bệnh tâm thần không ai có thể cầm lòng. Mười năm bà chịu đựng những trận đánh bất thình lình của người con có số phận không may mắn và chỉ biết nguyện cầu có phép nhiệm mầu cho con trai được khỏi bệnh.

Vào một buổi chiều mưa tầm tã, đúng thời điểm mực nước ở nhiều xã thuộc huyện Hương Khê lên cao hơn 2m, chúng tôi ghé qua ngôi nhà nhỏ nằm chênh vênh cách một con sông chừng vài trăm mét, gọi là nhà nhưng thực chất chỉ có mấy tấm lá tro phủ che trên những bức vách làm bằng tre nứa. Những thanh tre nứa làm vách cũng bị người con trai mỗi lần lên cơn “điên” bẻ gãy để lại mấy cái cột nhà xiêu vẹo chống đỡ những ngọn lá tro khô khốc.
Bà Xuân nhặt nhạnh mấy nhành củi để lo chuẩn bị nấu bữa tối  bên ngôi nhà rách nát, cũ kĩ chưa đầy vài ba mét vuông, nằm chênh vênh cách bờ sông vài trăm mét.
Trước mắt chúng tôi là hình ảnh người mẹ già lom khom nhặt nhạnh mấy nhánh củi khô để chuẩn bị nấu bữa tối. Bà Trần Thị Xuân (thôn 8, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh ) là mẹ của anh Nguyễn Văn Học (sinh 1990).

Trong ngôi nhà tranh tạm bợ, cũ nát chỉ có âm thanh khó hiểu phát ra mỗi ngày của anh Học. “Cháu Học sinh ra có bị tật bẩm sinh ở mang tai, một bên có tai, còn một bên không có, nhưng cháu vẫn lớn lên bình thường, không có biểu hiện gì bệnh tật. Sau khi học xong lớp 9, cháu Học nghỉ học vì nhà nghèo không có tiền đi học tiếp, ở nhà làm ruộng phụ giúp bố mẹ. Được vài năm thì bống nhiên cháu phát bệnh tâm thần, gia đình có đưa cháu đi chữa trị nhưng vẫn không khỏi, bệnh càng nặng thêm. Do đi lại chi phí tốn kém, không có tiền để tiếp tục mua thuốc men và làm lộ phí đi lại nên gia đình đã để cháu ở nhà”, bà Xuân kể.

Anh Nguyễn Văn Học cả ngày chỉ lẩm bẩm những câu chữ không hiểu.
Bà Xuân có 6 người con, 2 trai và 4 gái. Con trai đầu mất vì bệnh viêm cầu thận, còn lại người con trai duy nhất là anh Học bị bệnh tâm thần. 3 người con gái lấy chồng về các xã trong huyện nhưng cuộc sống cũng nghèo khổ, còn lại người con gái út không có tiền phải nghỉ giữa chừng ở nhà làm rộng. Gia đình bà Xuân sống nhờ vào 3 sào ruộng. Ở mảnh đất Hương Khê không hạn hán thì lũ lụt, ruộng nương quanh năm làm cũng không đủ ăn.

Gia đình bà Xuân thuộc diện hộ nghèo, “nghèo rớt mồng tơi”, “Ở đây ngoài làm ruộng ra thì không biết làm gì thêm để kiếm sống. Đến mùa thì đi làm nhưng tui cũng còn phải canh thằng Học, lo nó lên cơn tháo được dây xích ra là chạy la hét, đập phá. Nhà cửa nó phá hết vách rồi, chỉ sợ nó ra ngoài đánh đập người ta tui lấy chi mà đền cho họ. Tui phải chịu chưa biết bao nhiêu trận đòn của nó rồi. Nhiều khi mang cơm lại cho nó ăn, đang cúi cúi nó “ đấm” bất thình lình vào mặt, cũng chỉ biết ngồi ôm mặt khóc thôi. Càng khóc càng nghĩ thương con và xót xa cho cuộc sống của gia đình mình.”, gạt dòng nước mắt bà Xuân kể.


Bà Xuân chỉ biết ngồi nhìn con và nguyện cầu có phép nhiệm màu gips cho con trai bà khỏi bệnh.

Bản thân bà Xuân cũng bị bệnh thận, viêm mật đi điều trị nhiều lần ở bệnh viện nhưng vẫn không khỏi. Mỗi lần trái gió trở trời bà Xuân đau cũng phải chịu đựng vì không có có tiền để lấy thuốc. Ông Nguyễn Văn Sơn (chồng bà Xuân) cũng đau yếu nhưng khi chúng tôi đến thì ông còn đi ra bờ ruộng mò mẫm bắt con tôm con tép về làm thức ăn cho cả nhà.

Cứ thấy trời mưa to, nước dâng lên là ruột tui nóng bừng, đứng ngồi không yên, trong nhà thì không có gì lo ngập nước cả, chỉ có mấy cân gạo cứu trợ còn để đó thì gửi được sang nhà hàng xóm , tui chỉ lo nước dâng lên ngập cuốn trôi thằng Học mất. Nó ăn ở ngủ chỉ một chỗ, nếu có chạy lũ thì lo nó không đi theo cùng cha mẹ mà bỏ chạy đi đâu mất, khổ thân con tui quá, thương con tui với, giúp con tui với các cô ơi”. Nghe bà Xuân nói mà chúng tôi không thể cầm lòng.

Có những lúc nửa đêm em Học tháo được dây xích ra đập phá đồ đạc rồi chạy đi, ông bà lại tất tưởi chạy đi tìm. Phận làm con cái rất thương cha mẹ nhưng chúng tôi cũng nghèo khổ lắm, không biết làm chi để giúp cha mẹ cả. Trong nhà buồn lắm, nhìn mẹ vợ khi nào trên mặt cũng khắc khổ, không có lấy một nụ cười, trong người bệnh tật, già yếu nhưng phải nai lưng ra làm ruộng và lo cho em Học bệnh tật nữa”, anh Tuấn con rể bà Xuân chia sẻ.

Bà Xuân phải xích chân anh Học lại vì tháo xích ra là anh chạy đi đâu mất. Xích con lại bà đau xót lắm nhưng không còn cách nào khác, biết là thương con nhưng không muốn con hại người khác. Nhìn lên gương mặt vô hồn và cái miệng lẩm bẩm những ngôn từ không hiểu của anh Học chúng tôi càng xót thương người mẹ già đau nỗi đau vì con cái.

Bước chân ra về trời mưa như trút, những giọt mưa như than khóc cho một kiếp người, của một người mẹ cả cuộc đời hi sinh vì con, chịu đựng bệnh tật đau đớn vì con. Nỗi đau tinh thần cộng với nỗi đau bệnh tật làm cho người mẹ già héo hon, sống “lay lắt” không lối thoát. Mong sao các nhà hảo tâm đồng lòng, chia sẽ cùng mẹ con bà Xuân trong cơn hoạn nạn này.

Ông Tăng Phước Toản, trưởng thôn cho biết: “Gia đình bà Xuân thì cả xã ai cũng biết. Ông bà già yếu, bản thân bà Xuân bệnh tật chữa trị nhiều nơi nhưng giờ cũng không có tiền mà chạy chữa. Con gái thì lấy chồng cũng nghèo khổ cả, được 2 người con trai, 1 người mất vì bệnh tật, còn 1 người thì đang bị bệnh tâm thần. Ở địa phương cũng quan tâm nhưng không thấm vào đâu được. Mong các tổ chức xã hội, cá nhân hãy giúp đỡ gia đình bà Xuân vượt qua cơn hoạn nạn. Ở xã Hòa Hải, huyện Hương Khê trận lũ vừa rồi cũng thiệt hại nặng nề, ở xóm 8 này cũng ngập nặng, chưa khắc phục xong thì giờ lại lũ lên tiếp. Cuộc sống gia đình bà Xuân nói riêng và người dân ở đây nói chung khổ cực lắm.”

Thu Hoài

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP