Toàn cảnh hồ nuôi tôm của Hợp tác xã Bảo An Phú xả thải ra môi trường biển. |
Vừa qua, Báo Đại Đoàn Kết liên tiếp nhận được phản ánh của người dân về việc Hợp tác xã Bảo An Phú (có địa chỉ tại khu vực Khe Ngâm, thôn Xuân Phú) nuôi tôm trên cát đã xả chất thải có màu xanh đen, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra nơi đây, khi du khách hay người dân đi tắm biển còn có hiện tượng bị mẩn ngứa và sưng đỏ.
Nhận thông tin phản ánh, khoảng 7h sáng ngày 7/7, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết phối hợp cùng ông Nguyễn Đình Hào, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân và người dân địa phương có mặt tại khu vực biển thôn Xuân Phú nơi xả thải.
Tại đây, phóng viên ghi nhận khu vực nuôi tôm của Hợp tác xã Bảo An Phú nằm cạnh dòng nước Khe Ngâm. Những hồ tôm của hợp tác xã này chỉ cách biển khoảng hơn 100m. Trong khu vực nuôi tôm của hợp tác xã có một hồ lắng. Tuy nhiên, có một ống xả thải chôn sâu dưới cát được kéo dài ra biển và vẫn đang xả tại khu vực sát mép biển.
Ông Nguyễn Đình Hào, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân (ngoài cùng bên phải) cùng người dân địa phương có mặt nơi xả thải. |
“Trước đây bãi biển nơi này rất đẹp, khách du lịch khi ghé đến rất thích thú vì nước biển trong xanh, bãi cát phẳng. Những năm vừa qua, mọi người không ai dám bước chân xuống tắm tại đây nữa vì nước khu vực này đã đổi màu kèm theo mùi hôi thối. Nếu ai không biết và vẫn tắm ở đây khi về nhà sẽ bị nổi mẩn ngứa rát khắp người”, ông Nguyễn Đình Hào thông tin.
Vào thời điểm có mặt, phóng viên cùng người dân phát hiện nước thải khi xả ra hòa vào nước biển có màu xanh đen và loang ra một khu vực lớn đang bốc mùi hôi thối.
“Mỗi ngày, từ lúc chiều tối cho đến sáng sớm hôm sau nước thải từ hồ tôm chảy ra khu vực biển bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Từ nhiều năm nay, chúng tôi phải chịu cảnh cảnh ăn không ngon, ngủ không yên, sức khỏe và đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc hồ tôm thường xuyên xả thải ra môi trường”, ông Nguyễn Văn Hà (51 tuổi, trú tại thôn Xuân Phú) bức xúc.
Đường ống từ hồ tôm của Hợp tác xã Bảo An Phú kéo dài ra biển. |
Theo những người dân có mặt tại khu vực xả thải, trước đây chủ hồ tôm cho xả trực tiếp ra Khe Ngâm rồi chảy thẳng ra biển gây ô nhiễm nên người dân đã phản đối và chính quyền đã có hình thức xử phạt hành chính. Tuy nhiên, sau đó họ lại lắp đặt một đường ống ngầm dưới cát để xả thải trực tiếp ra biển khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng, nhất là mỗi khi thủy triều lên.
Anh Nguyễn Tiến Đường (chủ nhà hàng Hồng Đường, trên bãi biển Xuân Phú) cho biết, khu vực biển Xuân Phú có bãi đẹp và mặt biển phẳng nên khách du lịch khi ghé qua rất thích dừng chân ăn uống và tắm nơi này. Tuy nhiên, những năm qua không còn ai dám ghé lại đây vì khi tắm biển bị nổi mẩn ngứa và xuất hiện nhiều nốt đỏ, ngoài ra khi thấy dòng nước xanh đen chảy trực tiếp từ khu vực nuôi tôm xả ra biển khiến mọi người lo sợ.
“Ban đầu, có nhiều khách không dám tắm vì sợ ngứa nên chỉ vào nhà hàng ăn uống để vãn cảnh. Tuy nhiên, lúc ngồi ăn trong quán mùi hôi thối theo gió bay vào khiến du khách rất khó chịu và một đi không quay lại”, anh Đường nói.
Chủ nhà hàng Hồng Đường cho hay, nước bơm từ dưới biển lên xuất hiện ngứa và có mùi hôi thối. |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thành Chung, Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân cho biết, Hợp tác xã Bảo An Phú bắt đầu nuôi tôm ở vùng khe Ngâm từ năm 2016 với tổng diện tích mặt nước hơn 1 ha. Đây là khu vực đất cá nhân và thỏa thuận thuê lại của một số hộ dân khác ở khu vực bỏ hoang, canh tác nông nghiệp không hiệu quả.
Cũng theo ông Chung, quy hoạch phân khu du lịch biển Kỳ Xuân và phát triển Thương mại dịch vụ du lịch biển năm 2019, nơi Hợp tác xã Bảo An Phú đang nuôi tôm sẽ là khu vực trồng cây xanh.
Miệng ống từ hồ tôm xả ra môi trường có màu xanh đen và bốc mùi hôi thối. |
Năm 2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản về quản lý nuôi tôm và bảo vệ môi trường ở Khe Ngâm. Văn bản nêu rõ, trong thời gian khu vực Khe Ngâm chưa sử dụng theo quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch biển Kỳ Xuân thì đồng ý cho Hợp tác xã Bảo An Phú tiếp tục nuôi tôm tại khu vực này trong khoảng thời gian 3 - 5 năm với điều kiện đảm bảo về môi trường, nếu vi phạm sẽ đình chỉ nuôi và xử lý nghiêm theo quy định.
Khu đất đang nuôi tôm khi nhà nước bố trí sử dụng theo quy hoạch được duyệt thì phải bàn giao cho địa phương kịp thời, nhà nước không bồi thường, hỗ trợ các chi phí đã đầu tư.
Những dòng nước xanh đen được xả ra từ hồ tôm chảy ra biển. |
Trong quá trình nuôi, do vi phạm xả nước thải ra môi trường vượt quy chuẩn cho phép nên hợp tác xã trên đã từng bị UBND xã Kỳ Xuân xử phạt hành chính 5 triệu đồng. Đặc biệt, vào tháng 11/2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã xử phạt Hợp tác xã Bảo An Phú số tiền 392 triệu đồng vì xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường. Tuy nhiên, hiện tại hợp tác xã này vẫn chưa hoàn thành việc nộp tiền phạt vi phạm hành chính theo quy định.
“Sau lập biên bản xử phạt hành chính, chúng tôi tiếp tục nhận được phản ánh của người dân về việc Hợp tác xã Bảo An Phú vẫn đang xả trực tiếp nước thải nuôi tôm chưa qua xử lý ra môi trường gây ảnh hưởng đến phát triển du lịch ở bãi tắm biển Kỳ Xuân nên đã có văn bản báo cáo UBND huyện Kỳ Anh”, ông Chung nói.
Nước thải khi xả ra hòa vào nước biển có màu xanh đen và loang ra một khu vực lớn, bốc mùi hôi thối. |
Từ những phản ánh của người dân, UBND xã Kỳ Xuân đã tiến hành kiểm tra việc xả thải của Hợp tác xã Bảo An Phú. Tuy nhiên, do hợp tác xã này đặt ống xả thải chôn dưới cát rồi kéo dài ra chìm dưới nước biển nên rất khó kiểm soát và khó phát hiện trong quá trình xả thải.
Ông Nguyễn Thành Chung thông tin, quá trình kiểm tra thấy nước xả thải có màu xanh đen và hôi thối, hồ xử lý nước thải chưa đảm bảo tiêu chuẩn và vận hành xử lý không thường xuyên. Ngay sau đó, UBND xã Kỳ Xuân đã kiến nghị lấy mẫu để phân tích việc xả thải của Hợp tác xã Bảo An Phú.
Ống xả thải chôn dưới cát được kéo dài ra biển và chìm dưới nước biển khi thuỷ triều lên nên rất khó phát hiện trong quá trình xả thải. |
Trước tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường, UBND xã Kỳ Xuân cũng đề nghị UBND huyện Kỳ Anh sớm thông báo chấm dứt hoạt động của hợp tác xã Bảo An Phú cũng như các hộ liên kết trong hợp tác xã này để thu hồi quỹ đất do vi phạm pháp luật về đất đai, bàn giao UBND xã quản lý nhằm thực hiện có hiệu quả quy hoạch phân khu du lịch biển và phát triển dịch vụ thương mại, du lịch biển đảm bảo môi trường trong cộng đồng dân cư và phát triển bền vững trên địa bàn xã Kỳ Xuân.
Tác giả: CẨM KỲ - ĐẶNG SƠN
Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết