Hình ảnh chiếc thuyền cứu sinh là vật nổi duy nhất du khách bám vào khi rơi xuống biển.
Du khách tự phát tín hiệu cầu cứu
Hơn 1 ngày sau khi trở về đoàn tụ bên gia đình, 34 nạn nhân trong vụ chìm tàu du lịch tại xã Thiên Cầm, tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại “chuyến đi để đời và cũng tưởng hết đời” - như lời anh Bùi Văn H. (trú xã Thạch Lạc) nói.
![]() |
Anh H. diễn tả lại khoảnh khắc bắn pháo sáng phát tín hiệu cầu cứu giữa giông lốc. Ảnh: Thanh Nga. |
18 người trong cùng một tốp lái xe tải là bạn bè, đồng nghiệp với nhau, họ đến từ nhiều xã của tỉnh Hà Tĩnh. Chiều 19/7, họ góp tiền cùng với 3 tốp du khách khác (khoảng 17 người) thuê tàu du lịch Nguyễn Ngọc (trên tàu có 4 thuyền viên), do ông Nguyễn Trọng Hoàng, trú xã Thiên Cầm làm chủ vươn khơi câu mực.
18h30 tàu xuất bến, sau khi đi được khoảng 0,5 hải lý, tàu dừng lại cho du khách trải nghiệm câu mực. 1 giờ sau, tốp khách khoảng 6-7 người đến từ Hà Nội lên ghe quay vào bờ trước. 3 tốp du khách còn lại (30 người) ở lại tàu tiếp tục câu mực.
Ông Nguyễn Công B., 60 tuổi, trú phường Thành Sen nhớ lại: “Tầm 20h ngày 19/7 sóng yên biển lặng bỗng nổi cơn giông lốc cuồn cuộn. Tầm 2-3 phút sau, sóng đánh dồn dập kèm mưa, toàn bộ bàn ghế, đồ đạc trên tàu bị xô đổ, rơi loảng xoảng. Chúng tôi bắt đầu mặc hết áo phao đề phòng tình huống xấu nhất”.
![]() |
Sóng đánh làm anh H. ngã bị thương trong quá trình bắn pháo sáng. Ảnh: Thanh Nga. |
Anh Bùi Văn H., trú xã Thạch Lạc - người có kinh nghiệm 3 năm đi tàu viễn dương - bình tĩnh dò hết các vị trí trên buồng lái để tìm vật dụng gửi tín hiệu cầu cứu về bờ.
“Tôi tìm thấy 3 cây pháo sáng trên buồng lái. Bắn được 2 phát lên trời, đến phát thứ 3 sóng đánh quá mạnh, hất tôi ngã xuống tàu, pháo sáng bám vào tay làm bị thương”, anh H. kể, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, khi xảy ra sự cố trên biển, phải xác định tự mình cứu mình. Luôn giữ bình tĩnh, tìm các vật dụng có thể phát tín hiệu cầu cứu đến tàu cá lân cận và đất liền. Khi rơi lênh đênh giữa biển, vật nổi sẽ là “phao cứu sinh” tốt nhất.
Diễn tả lại giây phút tàu chìm, anh Hoàng B., trú thôn Tân Đông, xã Thạch Xuân (xã Nam Điền Cũ) ví không khác gì “cảnh chìm tàu Titanic”. Khi tàu chìm khoảng 2 phần thì dựng đứng, sóng biển cao 3-4 m vượt qua mũi tàu. Lúc này khoảng 20 người đang bám trên mũi tàu phải nhảy xuống biển để tránh bị hút chìm theo tàu.
Sau khi rơi xuống biển, khoảng 10 người bám vào chiếc phao cứu sinh của tàu Nguyễn Ngọc. Số còn lại bám vào các vật nổi khác chờ được cứu. Lúc đó người nào cũng bị sóng đánh mệt lả. Trong đó có 1 phụ nữ và một trẻ em khoảng 6 tuổi có dấu hiệu hoảng loạn.
![]() |
Các nạn nhân chia sẻ kinh nghiệm tự cứu mình khi tàu chìm. Ảnh: Thanh Nga. |
“Lúc đó chúng tôi xác định khi tàu Nguyễn Ngọc chìm hẳn sẽ cắt phao cứu sinh để trôi tự do. Rất may, khoảng 15 phút sau khi phát tín hiệu cầu cứu đã có tàu cá ngư dân gần đó tiếp cận ứng cứu”, anh B. nói và gửi lời cảm ơn đến các ngư dân đã cứu mạng 34 con người.
Cần đảm bảo mối liên hệ mật thiết giữa lực lượng cứu hộ và ngư dân
Vụ việc 34 du khách và thuyền viên được cứu sống kịp thời tại xã Thiên Cầm một lần nữa cho thấy, vai trò giữ mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết, phối hợp nhịp nhàng, kịp thời của lực lượng cứu hộ, chính quyền địa phương và bà con ngư dân là cực kỳ cần thiết, quan trọng.
Các nạn nhân đặt giả thuyết, trường hợp không có tàu ngư dân ứng cứu trong thời gian ngắn, nếu trôi lênh đênh giữa sóng lớn đến 3-4 giờ đồng hồ chắc chắn rủi ro tử vong sẽ rất cao.
![]() |
Anh Lê Văn Lĩnh, chủ tàu cá đầu tiên tiếp cận cứu sống các du khách trong vụ chìm tàu du lịch. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Lãnh đạo Đồn biên phòng Thiên Cầm (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) cho biết, thời điểm đơn vị nhận được cuộc gọi cầu cứu của du khách trên tàu, giông lốc rất lớn, không tàu thuyền nào từ bờ ra tiếp cận được.
“Lúc đó không chỉ tàu Nguyễn Ngọc phát tín hiệu cầu cứu, một chiếc tàu cá khác cũng bị chìm trên biển. Vì vậy chúng tôi cử tối đa lực lượng, một mặt rà soát, phát tín hiệu tình huống đến các tàu có công suất lớn đánh bắt gần khu vực tàu Nguyễn Ngọc đang có hiện tượng bị chìm để ứng cứu. Mặt khác tìm kiếm chiếc tàu cá khác bị chìm”, lãnh đạo Đồn biên phòng nói.
Đang tránh giông lốc gần đảo Bớc, nhận được tín hiệu cầu cứu, chủ tàu cá Lê Văn Lĩnh (SN 1984), trú xã Thiên Cầm cùng với 3 thuyền viên khác không chần chừ dùng thuyền thúng di chuyển lại tàu đang gặp nạn, cứu lần lượt từng người qua tàu của mình.
“Vừa đưa được các du khách sang tàu của tôi thì con tàu kia bị chìm, úp xuống biển. Rất may tôi đã hành động kịp thời, nếu chậm khoảng 10 phút, du khách cũng bị chìm theo tàu. Tổng cộng cứu được 26 du khách từ tàu du lịch”, anh Lĩnh kể.
![]() |
30 du khách và 4 thuyền viên thoát chết trong gang tấc. Ảnh: BĐBP cung cấp. |
Sau khi cứu được du khách, do sóng đánh mạnh, gió lớn, thuyền không thể vào bờ nên anh di chuyển vào đảo Bớc để trú ẩn, chờ thời tiết ổn định.
“Du khách khi lên tàu tôi đều bị ướt và lạnh. Nhiều người đã nôn ói và mệt mỏi sau sự cố. Tôi lấy chăn cho cháu bé đắp cho đỡ lạnh. Đến 1h ngày 20/7, sau khi biển lặng, tôi đã dùng thuyền chở các khách du lịch vào bàn giao cho lực lượng Biên phòng Thiên Cầm”, chủ tàu Lê Văn Lĩnh nhớ lại.
Tác giả: Thanh Nga
Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp