Hoạt động khai thác đất, chở đất diễn ra liên tục lâu nay. (Hình ảnh ghi nhận tại mỏ đá Hưng Thịnh) |
Theo như thông tin phản ánh của người dân xã Cẩm Thịnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh tại mỏ đá Hưng Thịnh lâu nay khai thác đất bán ra ngoài địa phương với số lượng lớn. Được biết, Công ty khai thác và chế biến đá Hưng Thịnh có địa chỉ tại thôn 2, Cẩm Thịnh được UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động khai thác và chế biến đá, thế nhưng theo như người dân phản ánh thì mỏ đá Hưng Thịnh đang vi phạm quy định khai thác tài nguyên.
Khối lượng đất phong hóa rất nhiều nhưng không hề san lấp hoàn trả lại những mặt bằng đã khai thác. |
Để tìm hiểu rõ những phản ánh của người dân PV Làng Mới đã “mục sở thị” nhiều tuyến đường từ mỏ đá Hưng Thịnh ra Quốc lộ 1A, qua mấy ngày quan sát từ ngày 29/7-2/8, hàng loạt xe ô tô tải to nhỏ các loại nối đuôi nhau ra vào mỏ đá để lấy đất đi khắp các địa bàn huyện Cẩm Xuyên bán cho các công trình, nhà dân.
Việc lợi dụng khai thác đá, bóc nhiều phần đất phong hóa với khối lượng hàng nghìn m3 đất, doanh nghiệp vô tư múc đất bán ra ngoài mà không hề có sự can thiệp của chính quyền sở tại.
Theo như người dân tính toán, với khối lượng đất chở ra nhiều như vậy, trung bình mỗi ngày doanh nghiệp múc đất ở đây cũng thu đến vài chục triệu đồng tiền lời sau khi đã trừ chi phí. Đáng nói, việc làm “phi pháp” này đã diễn ra lâu nay, doanh nghiệp lợi dụng cải tạo bóc đi khối lượng đất nhiều như thế mà khi trao đổi với phóng viên doanh nghiệp khẳng định đất bán ra đã được UBND huyện cho phép.
Khi được hỏi về giấy phép hoạt động cũng như giấy phép được phép cho bán khối lượng đất phong hóa ở trong mỏ đá thì doanh nghiệp không hề cung cấp được. Ông Nguyễn Ngô Thiên người đại diện doanh nghiệp Hưng Thịnh trả lời những câu hỏi của PV: “Do hoạt động sản xuất khai thác, chế biến đá đang gặp khó khăn về lượng mua bán trong khi đó, lượng đất phong hóa với khối lượng rất lớn nên doanh nghiệp đành bán ra ngoài để bù vào chi phí thua lỗ ”.
Ông Thiên cũng cho biết thêm: “Để duy tu bão dưỡng con đường 5,3 km, mà doanh nghiệp làm với chi phí 14 tỷ đồng, đá thì không bán được, doanh nghiệp đành bán đất để bù vào các khoản chi phí sửa chữa bảo dưỡng đường xá, đóng quỹ bảo vệ môi trường…”.
Ngang nhiên chở đất ra khỏi mỏ đá, nhưng không hề thấy bóng dáng lực lượng chức năng xử lý |
Xe chở đất vượt quá tải trọng cho phép đã và đang cày nát nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở đây. |
Theo như quy định về cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản, các tổ chức, cá nhân được phép tiến hành các hoạt động khai thác khoáng sản có nghĩa vụ tuân theo các quy định của Luật Bảo Vệ Môi Trường để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Đồng thời, các tổ chức cá nhân này cũng phải cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc hoạt động khai thác.
Như vậy, đất phong hóa trong hoạt động kinh doanh khai thác sản xuất đá là phần đất mà doanh nghiệp khai thác tài nguyên đá xong sẽ lấy phần đất phong hóa đó để san lấp hoàn trả lại mặt bằng, trồng cây phủ xanh lại phần được phép khai thác. Thế nhưng doanh nghiệp lại lợi dụng vào văn bản cấp phép khai thác đất phong hóa để bán nhằm trục lợi là trái với quy định pháp luật.
Xe chở đất vượt quá tải trọng cho phép đã và đang cày nát nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở đây. |
|
|
Những chiếc xe ì ạch chạy từ mỏ đá ra các cung đường trên địa bàn Cẩm Xuyên. |
Nếu như doanh nghiệp khai thác tài nguyên khoáng sản hoạt động trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đều vì lý do làm ăn thua lỗ, đóng nhiều chi phí tác động môi trường… mà cố tình khai thác, bán đi những tài nguyên không cho phép khai thác thì thử hỏi những quy định pháp luật về khai thác tài nguyên khoáng sản còn có hiệu quả hay không?. Khẩn thiết các cơ quan thẩm quyền vào cuộc chấn chỉnh, xử lý mạnh những sai phạm mà nhiều mỏ khai thác tài nguyên khoáng sản đang lách luật làm càn, lợi dụng trục lợi.
PV Làng Mới sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những sai phạm về khai thác tài nguyên, khoáng sản quốc gia của nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Hà Tĩnh.
Tác giả: Xuân Vũ – Quốc Khánh
Nguồn tin: Tạp chí điện tử Làng Mới