Những chiếc máy gặt bị hỏng khi bà con nông dân vào vụ thu hoạch mùa màng, giữa cái nắng như thiêu như đốt của mùa hè làm cho công việc gặt hái càng khó khăn hơn gấp bội.
Máy gặt thành cục sắt vụn
Đối với người nông dân, việc để tạo ra một sản phẩm nông nghiệp do mình làm ra nuôi sống gia đình không phải là dễ dàng, bao nhiêu là mô hôi, công sức đã phải đổ xuống. Để giúp bà con nhân dân bớt khó khăn, mệt nhọc trong những ngày mùa, theo chương trình đề án hỗ trợ sản xuất 135, xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh đã xin chỉ đạo của cấp trên mua 44 chiếc máy gặt nhằm hỗ trợ cho hộ nghèo, và cận nghèo trong xã.
Đề án đưa ra, được người dân đồng tình nhất trí, lãnh đạo phê duyệt. Những tưởng được nhà Nhà nước quan tâm thì người dân nơi đây sẽ bớt khổ, mùa gặt này sẽ càng phấn khởi hơn khi có máy gặt mới về trợ giúp. Ấy vậy mà, người dân nơi đây lại đang “khóc ròng” khi những chiếc máy mình mới nhận lại nhanh chóng trở thành cục sắt vụn trong chớp mắt khi mà đồng ruộng vẫn chưa thu hoạch xong.
Ông Bùi Đại Nghĩa, một người dân ở thôn 4, xã Hượng Thọ cho biết, vừa nghe có chính sách hỗ trợ máy gặt cho những hộ nghèo và cận nghèo, bà con nhân dân chúng tôi rất mừng.
“Khi có máy phát về cho từng hộ dân thì xóm chúng tôi không phát cho hộ nghèo mà lại đồng ý bán lấy tiền để góp vào công quỹ. Nghĩ máy của nhà nước hỗ trợ sẽ là máy tốt, mà lại được xóm bán giá rẻ hơn so với bảng báo giá mà xã gửi về nên gia đình tôi cũng xung phong mua một cái 3,5 triệu đồng”, ông Nghĩa cho biết.
Vừa vào vụ gặt, gia đình háo hức mang máy mới ra đồng để thử nghiệm. Vậy mà chiếc máy vừa đi được một đoạn thì nóng ran, tiếp tục làm thì vỏ nhựa bắt đầu bị cháy, một lúc sau chiếc máy cũng theo đó mà cháy luôn, làm thế nào cũng không thể nổ lại được. Anh đành bỏ dở đám ruộng đang gặt để mang đến thợ sửa. Nhưng thợ cũng lắc đầu bảo máy này hỏng rồi không sửa được…
Tương tự như ông Nghĩa, ông Trần Văn Đương – Công an viên của xóm 5, xã Hương Thọ cho hay, vì mẹ ông nằm trong danh sách hộ nghèo nên gia đình ông cũng may mắn bốc thăm được một chiếc máy gặt. Những hộ được nhận máy ai cũng mừng, xóm nhận được 6 chiếc máy, 6 gia đình liền chung nhau mỗi nhà đều mua bia, bánh kẹo đến xóm để tổ chức liên hoan một bữa cho vui.
“Thấy tôi người nhỏ bé, nhiều người còn có ý định hỏi để mua lại, nhưng nghĩ là máy của nhà nước hỗ trợ, tốt hay xấu gì cũng giữ lại để dùng, lúc nào hỏng thì vất. Thế mà chỉ sau một lần sử dụng chiếc máy gặt của ông đã trở thành cục sắt vụn không giá trị’, ông Đương ngậm ngùi.
Ông Nguyễn Văn Quang bức xúc: “máy hỗ trợ gì mà mới đi được một vòng là khói bốc lên, đi một đoạn nữa là máy tắt. Đưa đến tiệm họ nói máy này giờ mới thấy lần đầu, chưa có đồ để sửa”
Xóm được phát 8 máy, nhưng 7 cái bị hỏng, còn một chiếc nữa gia đình này thấy máy của mọi người xung quanh đều hỏng nên không giám đưa ra sử dụng.
Sai ở đâu sẽ xử lý ở đó!
Ông Nguyễn Hùng Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Hương Thọ cho biết: xã cũng đã nhân được sự phản ánh của bà con. Những chiếc máy gặt này được hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo nhằm phục vụ cho bà con trong mùa gặt năm nay.
Ông Cường cho hay, theo nguồn ngân sách trên chi về, thì xã đã lập đề án xin huyện cho mua máy gặt phục vụ cho bà con nông dân và đã được huyện đồng ý. Khi đó xã mới cử người hợp đồng với công ty cổ phần giống cây trồng Hà Tĩnh để mua máy về giao cho bà con. Khi giao hàng thì xã cũng đã mở máy ra kiểm tra thì vẫn thấy hoạt động bình thường, tuy nhiên khi phát về cho dân sử dụng lại gặp trục trặc. Hiện tại, đã có hai thôn lên báo cáo máy bị hỏng mong muốn xã xử lý.
Ông Cường cũng giải thích, “trong hợp đồng máy có bảo hành, nên xã sẽ mời công ty về xem xét và kiểm tra lại xem sai sót ở đâu để mà xử lý. Một chiếc máy trị giá 6,2 triệu đồng được xem là một chiếc máy gặt tốt nhưng mới đưa vào sử dụng đã hỏng thì chắc có phần sai sót nào đó”.
Theo ông Cường, với nguồn vốn hỗ trợ sản xuất 135 xã đã trích một số tiền để mua tổng cộng 44 chiếc máy chia cho tỉ lệ hộ nghèo các thôn, đây cũng không phải số tiền nhỏ, xã sẽ yêu cầu bà con giữ lại máy không để công ty xuống kiểm tra và cũng không đưa máy đến các tiệm sửa chữa để sửa. Xã sẽ mời công ty trực tiếp xuống làm việc với người dân để tìm ra phương án xử lý.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc