Chăm sóc sức khỏe

Hà Tĩnh: Lò giết mổ gia cầm dùng nước bẩn phục vụ khách hàng

Quy định sử dụng nước giếng khoan tại lò giết mổ gia cầm tập trung (địa chỉ ở phường Tân Giang, TP. Hà Tĩnh) chỉ dùng tẩy rửa nền nhà, sân bãi, bởi nguồn nước này lấy ở khu vực nghĩa địa được xác định là không đảm bảo vệ sinh. Vậy nhưng, hộ kinh doanh dịch vụ tại đây đã và đang sử dụng nguồn nước ô nhiễm này để rửa thịt gia cầm trong quá trình giết mổ.

Nước rửa nền nhà, sân bãi được dùng rửa thịt

Theo phản ánh của người dân, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã mục sở thị quy trình giết mổ gia cầm tại đây. Quan sát tại khu vực giết mổ nhận thấy: Nước hút lên từ giếng khoan xả ra liên hồi được dùng xịt rửa nền nhà, rửa gia cầm trước và sau khi làm thịt. Ngay bên cạnh, vòi nước sạch được lắp đặt đầy đủ nhưng hầu như không được động đến. Mọi hoạt động ở đây diễn ra rất nhanh từ máy quay lông, công đoạn mổ và cuối cùng là rửa thịt đều dùng nước giếng khoan.

Nươc giếng khoan nằm cạnh bãi nghĩa địa được dùng rửa thịt gia cầm
Nươc giếng khoan nằm cạnh bãi nghĩa địa có mùi hôi được dùng rửa thịt gia cầm

Khách hàng mang gia cầm đến rồi chờ làm thịt xong mang về nhưng ít ai biết được, nguồn nước mà họ bỏ tiền ra để thuê dịch vụ giết mổ gia cầm lại được lấy từ nước giếng khoan mà chỉ được phép dùng để rửa nền nhà, sân bãi.

Bà N.T. L, một hộ dân ở phường Tân Giang không giấu được bức xúc khi biết sự việc trên, cho hay: “Từ trước tới nay người dân không phát hiện được vì chủ hộ kinh doanh tại đây chỉ dùng vòi trực tiếp để xịt rửa, không tích nước ở bể lắng, hơn nữa hoạt động chủ yếu vào ban đêm nên bằng mắt thường khó nhìn thấy nước bẩn hay không….”.

Lò qua bị chuyển màu do sử dụng lâu ngày bám nước bẩn
Các dụng cụ tại lò mổ chuyển màu do sử dụng lâu ngày bám nước bẩn

Theo tìm hiểu chúng tôi, để kịp cho ra thị trường tiêu thụ khoảng 200-400 con gà thịt mỗi ngày (chủ yếu là phục vụ các chợ đầu mối, nhà hàng, khách sạn, đám cưới…), từ 2h sáng các công nhân làm việc ở đây đã bắt đầu vào ca. Cơ sở được xây dựng trong khuôn viên khá rộng nhưng chỉ có 2 cá nhân đăng ký thuê, những lúc đông khách hàng thì có 3-5 công nhân làm việc, ngày nào cũng giết mổ liên tục từ 2h -7h sáng.

aaa
Hàng ngày có khoảng 200-400 con gia cầm được chế biến từ lo mổ vận chuyển đến các đầu mối tiêu thụ không đảm bảo VSATTP

Tuy nhiên, phản ứng khi phóng viên đề cập vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Hoàn – đại diện của chủ hộ tham gia dịch vụ giết mổ gia cầm tại đây lại giải thích: “Nước giếng khoan quy định chỉ được dùng để rửa nền, sân bãi nhưng chúng tôi dùng để rửa thịt gia cầm là vì chi phí sử dụng nước máy quá cao. Mỗi ngày chỉ làm được 2-3 tấn gà, nếu sử dụng nước giếng khoan chúng tôi cũng đã phải bù lỗ chứ chưa tính đến chuyện bỏ thêm tiền mua nước sạch sử dụng”.

Ông Trần Quốc Hòa – Phó chủ tịch UBND phường Văn Yên bàng hoàng, cho biết : “Không nghĩ rằng nước giếng khoan lại được sử dụng để rửa thịt gia cầm ở lò giết mổ gia cầm tập trung của tỉnh, bởi lẽ ngay cạnh nguồn nước còn có hàng ngàn ngôi mộ thì khác gì dùng nước nghĩa địa để phục vụ người dân”. Xét về địa giới hành chính thì lò giết  mổ gia cầm tập trung nằm trên đất của phường Tân Giang nhưng lại gần khu vực dân cư tập trung của phường Văn Yên nên nhu cầu sử dụng cũng lớn hơn, vì vậy cần phải được ngăn chặn sớm,  ông Hòa cho biết thêm.

Theo những công nhân làm việc tại đây cho biết thêm: “Khi tiến hành giết mổ chủ yếu dùng nước giếng khoan, sau đó dùng nước máy rửa qua ở công đoạn cuối cùng. Nước giếng khoan không đục nhưng có mùi hôi khó chịu, nguy hại hay không thì không thể nhận biết được bằng mắt thường….!”.

“Cần phải chia sẻ vì không đủ kinh phí sử dụng nước sạch”

Lò giết mổ gia cầm tập trung được xây dựng nằm ở phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh; Ban Quản lý chợ Hà Tĩnh là đơn vị được giao trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng người dân hy vọng sẽ góp phần không nhỏ bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm tiêu dùng. Cũng chính vì lẽ đó, hoạt động giêt mổ gia cầm tại đây luôn nhận được sự quan tâm, thường xuyên kiểm tra của lãnh đạo các cấp, cơ quan chức năng.

Đặt câu hỏi với ông Trần Bình Dị – Phó Ban Quản lý chợ Hà Tĩnh (cán bộ trực tiếp phụ trách môi trường) về việc ông có biết các hộ kinh doanh dịch vụ tại lò mổ gia cầm tập trung đang dùng nước bẩn để phục vụ người dân hay không, ông Trần Bình Dị thẳng thắn thừa nhận có biết: “Trong cam kết được ký giữa hộ kinh doanh và Ban Quản lý chợ chỉ cho phép dùng nguồn nước sạch (nguồn nước do nhà máy cung cấp) để phục vụ giết mổ và rửa gia cầm sau giết mổ tại chợ kinh doanh giết mổ gia cầm tập trung, nguồn nước ngầm chỉ được phục vụ tẩy rửa nền nhà, sàn chợ xung quanh khu vực giết mổ…”.

Sủ dụng nước bẩn để rưa thịt gia cầm công khai nhưng đơn vi quản lý lại cho rằng khó phát hiện
Sủ dụng nước giếng để rửa thịt gia cầm công khai nhưng đơn vi quản lý lại cho rằng khó phát hiện.

Năm 2008, để có lò giết mổ tập trung đạt tiêu chuẩn “sạch” Hà Tĩnh đã phải bỏ ra hơn 4,6 tỷ đồng (trong đó 1, 9 tỷ đồng dự án VAHIP hỗ trợ; ngân sách địa phương 1,2 tỷ đồng; nguồn đối ứng100 triệu đông; đến nay còn nợ đơn vị thi công 1,4 chưa thể thanh toán…) để có được trung tâm giết mổ gia cầm như ngay hôm nay. Theo thiết kế ban đầu của dự án, nguồn nước giếng khoan không qua xử lý mà được lấy trực tiếp, điểm đặt của giếng khoan nằm cách khu nghĩa địa chỉ một bức tường, chính vì vậy xác định không đảm bảo vệ sinh nên chỉ cho phép rửa nền tại lò mổ.

Bàn về phương hướng xử lý, đại diện đơn vị quản lý thừa nhận rằng sử dụng nguồn giếng khoan rất nguy hiểm nhưng lại cho rằng khó phát hiện, nếu xử lý cũng chỉ phạt hành chính từ 50 -200 nghìn đồng, không đủ sức răn đe. Ông Trần Bình Dị- Phó Ban Quản lý chợ Hà Tĩnh cho biết thêm: Việc hộ dân dùng nước giếng khoan cũng phải chia sẻ cho họ, vì chi phí dùng nước sạch quá cao. Ngoài tiền thuê mặt bằng 9 triệu đồng/tháng, các hộ dân còn phải đóng thêm nhiều khoản phí khác. Cả khu vực lò mổ với đầy đủ tiện nghi nhưng hiện nay chỉ có hai hộ dân đăng ký thuê, nếu làm căng chắc chắn họ sẽ nghĩ thì lấy đâu ra nguồn thu để duy trì hoạt động. Việc này Sở TN&MT cũng đã về kiểm tra và có chia sẻ …?!”.

Chỉ cần nhìn vào hóa đơn tiền nước hộ kinh doanh phải chi tra cũng có thể biết được nguồn nước hoạt động chủ yếu được lấy từ giếng khoan
Chỉ cần nhìn vào hóa đơn tiền nước máy hộ kinh doanh phải chi trả cũng có thể đoán định nguồn nước hoạt động chủ yếu được lấy từ đâu

Một thực tế bất cập đáng bàn nữa, trong khi lò giết mổ được đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng để phục vụ người dân, nhằm góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường thành phố thế nhưng không được người dân quan tâm. Trong khi đó, hoạt động giết mổ tự do, tràn lan trong khu dân cư, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường khó có thể  kiểm soát nhưng vẫn được tồn tại.

Theo Đức Cảnh Báo Tài nguyên & Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP