Vừa trở về sau một chuyến hành trình dài, trên khuôn mặt vẫn còn in hằn sự mệt mỏi, anh Thủy như người “chết đi sống lại”, thở phào vì thoát khỏi vùng chiến sự, được trở về quê nhà, được đoàn tụ với vợ con.
Nói về hành trình sang đất nước Libya, Thủy cho biết: “Để đi xuất khẩu lao động sang Libya làm công nhân xây dựng cho Công ty TNHH Hyundai Engineering ở thành phố Al Bayda, tôi và mọi người phải bỏ ra gần 50 triệu đồng. Vừa sang được 9 tháng, làm ăn yên ổn vài tháng, chuẩn bị được vài đồng gửi về cho vợ trả nợ ngân hàng thì chiến sự nổ ra. Lúc ấy, vì sự an toàn nên các lao động nước ngoài đều phải về nước. Vậy là số tiền vay từ trước đó đã mất trắng”.
Vợ chồng anh Thủy, chị Bình cưới nhau được hơn 7 năm và đã có 2 người con. Gia đình chị đang sống tá túc trong một “căn chòi” nhỏ. Cũng giống như bao gia đình khác, mong muốn thoát nghèo luôn thôi thúc đôi vợ chồng trẻ. Tháng 9/2013, anh Thủy quyết định sang Libya. Thế nhưng, khi mọi công việc vừa mới bắt đầu ổn định thì chiến sự xảy ra, anh đành bỏ lại tất cả để trở về.
Chị Phan Thị Bình (vợ anh Thủy) tâm sự: “Khi nhận được tin chồng đang trên đường về quê, tui và gia đình rất mừng. Dù tiền có mất nhưng thấy chồng trở về an toàn là vợ con mừng lắm rồi”.
Cùng mang tâm trạng tương tự, anh Hoàng Bắc (SN 1973, trú tại xóm 5, xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên) cho biết: “Suốt mấy ngày qua, ngày nào mọi người cũng theo dõi các chương trình thời sự để cập nhật tình hình từ quê nhà. Khi nghe tin nhà chức trách đang làm thủ tục để đưa các lao động trở về, ai cũng đều vui mừng. Bởi anh em làm việc chỉ cách vùng chiến sự khoảng hơn 100km. Hàng ngày tiếng súng nổ cũng văng vẳng bên tai, nhiều lúc có đôi đầu đạn lạc đến làm cho mọi người lo lắng mong ngóng được trở về quê nhà”.
“Mới sang xuất khẩu lao động thì ai cũng muốn làm một vài năm để ổn định kinh tế rồi về nước, chứ về lúc này thì đang còn dang dở nhiều thứ. Nhưng chiến sự ác liệt, nếu ở lại, lỡ có bất trắc gì thì gia đình ở nhà không biết sống ra sao. Còn người thì còn của” – anh Bắc nói thêm.
Mong được tiếp tục đi xuất khẩu lao động
Mặc dù vừa trở về, đang “say” niềm vui đoàn tụ gia đình, nhưng hàng chục công nhân lao động tại Libya vẫn muốn được tiếp tục đi xuất khẩu lao động. Bởi chuyến trở về này chỉ có 2 bàn tay trắng. Có người vừa kịp trả hết số nợ, có người vẫn đang ôm khoản nợ hàng chục triệu đồng.
“Vợ chồng tôi còn trẻ, muốn có một ít vốn để làm ăn. Nhưng giờ vốn chưa có mà trong khi nợ vẫn chưa trả xong. Nên giờ tôi muốn đi tiếp để làm việc”, anh Thủy cho biết.
Một điều mà những lao động này chia sẻ là điều kiện làm việc, sinh hoạt ở Libya rất tốt. Họ được ăn uống, rèn luyện sức khỏe và làm việc một cách khoa học.
Anh Bắc cho biết: “Ở bên đó làm việc bài bản lắm. Dù là công nhân nhưng sáng dậy là chúng tôi được tập thể dục, ăn sáng rồi sau đó mới tiến hành làm việc”.
Tất cả những lao động đi làm việc ở nước ngoài đã số là những người nghèo khó quanh năm suốt tháng bám vào đồng ruộng. Việc đi lao động ở nước ngoài đã mang lại một khoản thu nhập khá lớn.
Anh Hoàng Bắc cho biết, đi lao động ở Libya, mỗi tháng anh cũng tiết kiệm gửi về cho gia đình được 7 đến 8 triệu đồng/tháng. “Ở nhà thì làm gì có khoản tiền đó hả chú. Biết là phải xa vợ, xa con, xa gia đình nhưng nếu chịu khó thì mỗi năm mình cũng tiết kiệm được một khoản tiền”.
Khi được hỏi về những dự định tiếp theo của mình thì tất cả công nhân đều mong muốn được tiếp tục đi lao động ở nước ngoài vì với họ có đi xuất khẩu lao động mới thoát được nghèo.
Để nhằm động viên, thăm hỏi kịp thời chiều ngày 11/8, Sở Lao động – Thương bình và Xã hội Hà Tĩnh phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Tĩnh đã đến thăm hỏi, động viên một số công nhân trở về từ Libya và hứa sẽ cố gắng tạo mọi thuận lợi để họ có thể tiếp tục xuất khẩu lao động.
Theo Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Tĩnh, trong chiều nay (11/8), tiếp tục có lao động Việt Nam từ Libya về, trong đó có 47 lao động Hà Tĩnh. Tính đến thời điểm này, trong tổng số 413 lao động Hà Tĩnh tại Libya thì đã có 95 lao động được về nước an toàn. Số lao động còn lại sẽ tiếp tục được hỗ trợ, tạo điều kiện để về nước sớm nhất. |
Anh Tấn – Xuân Sinh