‘Có những phút làm nên lịch sử’
Bên bát nước chè xanh trong căn nhà nhỏ ở khối 2 thị trấn Can Lộc, cụ Ngô Đức Mạch mải mê kể về những ký ức ngày xưa. Năm nay đã tròn 100 tuổi, nhưng cụ vẫn nhớ như in giây phút lịch sử của 70 năm về trước.
Cụ Ngô Đức Mạch (100 tuổi), nhân chứng sống của ngày 16/8/1945 khi lực lượng thanh niên Can Lộc nổi dậy cướp chính quyền treo cờ đỏ sao vàng nơi huyện đường. |
Cạnh nhà cụ Mạch bây giờ còn có di tích nền huyện đường, nơi cờ đỏ sao vàng được kéo lên vào ngày 16/8/1945. Ngày đó, huyện đường thuộc tổng Đoài, Trảo Nha. Cụ Mạch cùng nhiều thanh niên trang lứa ở làng Tập Phúc sớm được giác ngộ cách mạng và hoạt động trong lực lượng thanh niên vũ trang (thuộc Đội Thanh niên cứu quốc).
“Tôi được ông Lê Lộc (Chủ tịch ủy ban khởi nghĩa Nam Hà Tĩnh – PV) giao nhiệm vụ tổ chức tự vệ chuẩn bị cướp chính quyền. Trước đó nhiều tháng, lực lượng thanh niên đã phát nhiều truyền đơn cho nhân dân. Tôi còn đi bộ vào tận Cẩm Xuyên để tuyên truyền”, cụ Mạch kể.
Trong dòng suy tưởng của cụ, những ngày cách mạng đầy sôi nổi của 70 năm trước như được tái hiện. Ánh mắt của người đã ở tuổi bách niên vẫn sục sôi nhiệt huyết.
Nhấp ngụm nước chè, cụ Mạch rưng rưng kể rằng đó là ‘giây phút làm nên lịch sử, tôi không bao giờ quên’.
Những người thuộc Đội thanh niên cứu quốc tham gia cướp chính quyền. |
“Từ tối 14/8, tự vệ 4 xã đã có lệnh tập trung, bao vây các ngả đường. Lực lượng thanh niên cũng tuyên truyền quan điểm cách mạng tại đồn bảo an và huyện đường. Không khí cách mạng sục sôi trong từng làng, tổng, nhất là trong tầng lớp thanh niên”, cụ nói sang sảng.
Cách nhà cụ Mạch không xa, là nhà của cụ Bùi Xanh (96 tuổi) và gần đó là nhà cụ Ngô Đức Canh (95 tuổi), những nhân chứng sống của cuộc nổi dậy cướp chính quyền năm xưa.
Cụ Canh sức khỏe đã yếu, giọng nói run rẩy. Nhưng nghe nhắc đến giai đoạn cướp chính quyền, mắt cụ long lanh trở lại.
Ngày đó, cụ Canh cùng 6 thanh niên khác ở làng Tập Phúc đã tham gia nổi dậy. “Hôm ấy 7 anh em tôi đã xông vào huyện đường!”, cụ nói mà tay như nắn gân lại, những cảm xúc thời trai trẻ hiện rõ trên khuôn mặt cụ già trăm tuổi.
Cuộc nổi dậy chớp nhoáng
Suốt 70 năm qua, giờ phút cướp chính quyền, treo cờ đỏ sao vàng lên huyện đường và đồn bảo an vẫn được các cụ Mạch, cụ Canh, cụ Xanh…, những ‘cây trường sinh’ của làng Tập Phúc lưu giữ đến từng chi tiết. Cứ mỗi dịp tháng Tám, những xúc cảm lại ùa về một cách xúc động nhất.
Trong ký ức của những nhân chứng sống cũng như sử liệu của đảng bộ huyện Can Lộc, đó là cuộc nổi dậy chớp nhoáng, giành chính quyền chỉ trong một giờ đồng hồ và không tốn một viên đạn nào.
Lá cờ đỏ sao vàng từng được treo lên trong ngày 16/8/1945. Can Lộc là nơi đầu tiên giành được chính quyền, sớm hơn 3 ngày so với cả nước. |
Nòng cốt của cuộc nổi dậy là lực lượng thanh niên vũ trang, gồm những công nhân, học sinh, viên chức yêu nước sớm được giác ngộ cách mạng, từng tham gia và được tôi luyện trong hoạt động bí mật của Mặt trận Việt Minh. Trước ngày 16/8, khoảng 20 thanh niên đã được lựa chọn, chuẩn bị vũ khí và tập luyện.
“Quá trưa ngày 16/8, lực lượng thanh niên vũ trang tập trung tại những nơi được bố trí sẵn, trong đó có cổng huyện đường.
Khoảng 16h30’ ngày 16/8, lực lượng nổi dậy đi thẳng vào huyện đường gặp huyện trưởng Đặng Văn Doãn. Sau lúc giải thích đường lối, chính sách của Mặt trận Việt Minh, đội thanh niên vũ trang đã bắt ông ta đầu hàng, giao nộp ấn tín, vũ khí.
Mọi người hô to “Việt Minh muôn năm”. Cờ đỏ sao vàng được kéo lên giữa huyện đường”, cụ Mạch kể.
Nền huyện đường năm xưa, nơi gắn liền với những chứng tích hào hùng của nhân dân Can Lộc. |
Cụ Mạch kể, ngày 17/8, một cuộc mít tinh lớn chưa từng có đã được tổ chức ở sân vận động huyện. Trước đó, ngay trong đêm 16/8, Ủy ban lâm thời đã được bầu ra. Không khí cách mạng len lỏi trong mọi ngõ làng, thôn xóm.
Ông Bùi Huy Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết, sau những thăng trầm của lịch sử, có giai đoạn vai trò của lực lượng thanh niên vũ trang trong cuộc nổi dậy cướp chính quyền đã bị hoài nghi hoặc không được thừa nhận. Qua những năm tháng kháng chiến chống Pháp, Mỹ, sự kiện này gần như rơi vào quên lãng.
Mãi sau thời kỳ Đổi mới, lịch sử đảng bộ huyện mới được viết lại, công nhân vai trò của lực lượng thanh niên cứu quốc trong cuộc nổi dậy ngày 16/8/1945.
“Những tài liệu mới nhất đã ghi nhận Can Lộc, quê hương Xô Viết là huyện đầu tiên giành được chính quyền, sớm hơn 3 ngày so với cả nước. Đó là cuộc nổi dậy của khoảng 20 thanh niên cứu quốc, khuất phục huyện đường và đồn bảo an, treo cờ đỏ sao vàng cách mạng”, PCT Bùi Huy Cường rưng rưng.
Cao Thái/ VNN