Trong báo cáo và giải trình gửi Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ ngành, ông Võ Kim Cự – Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – có ý kiến không đồng tình với kết luận (KL) của Thanh tra Chính phủ (TTrCP) về những sai phạm tại dự án (DA) Formosa và đề xuất sửa đổi nhiều nội dung trong đó hoặc tiến hành lại.
KHÔNG VƯỢT THẨM QUYỀN?
Kết luận 1538/KL-TTCP ngày 3-7-2014 của TTrCP vừa công bố chỉ ra các sai sót của tỉnh Hà Tĩnh trong việc cho Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan (Cty Formosa) thực hiện dự án (DA) Khu liên hợp gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương (DA Formosa) thuê đất vượt thẩm quyền của Chính phủ, thu thiếu tiền thuê đất và mặt nước, đấu thầu thiếu minh bạch, có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong bồi thường giải phóng mặt bằng… Ngày 14-7-2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh có báo cáo và giải trình số 3010 về KL này.
Dự án Formosa có tổng vốn đầu tư hơn 26 tỷ USD
Trước khi cấp phép cho DA, UBND tỉnh đã xin ý kiến 11 bộ, nêu rõ thời hạn đầu tư là 70 năm. Tất cả các bộ đều có ý kiến và không bộ nào phản đối. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ ra Văn bản (VB) 869/TTg-QHKT ngày 6-6-2008, đồng ý cho Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa thực hiện DA và chỉ đạo UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành. Điều này có nghĩa Thủ tướng Chính phủ đồng ý thời hạn hoạt động của DA là 70 năm. Vì thế, việc Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với DA Formosa với thời hạn hoạt động 70 năm không trái quy định pháp luật về đầu tư, đất đai được thể hiện tại khoản 3 điều 67 Luật Đất đai, khoản 3 điều 86 Nghị định (NĐ) 181/2004/NĐ-CP, điều 13 QĐ72/2006/QĐ-TTg ngày 2-4-2006 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định pháp luật hiện hành; phù hợp yêu cầu thực tế, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước trong quá trình đổi mới để hội nhập thế giới. Trong quá trình chấp thuận và cấp giấy chứng nhận đầu tư, tỉnh Hà Tĩnh không tự mình ra quyết định đầu tư đối với DA mà trên cơ sở thống nhất bằng văn bản của 11 bộ, ngành; được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Qua tìm hiểu, xem xét các văn bản của Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Phó thủ tướng, các bộ, ngành; căn cứ Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các quy định khác thì việc cấp giấy chứng nhận đầu tư 70 năm, miễn thu tiền thuế thuê đất 15 năm cho Cty Formosa là phù hợp. Ông Thái Sinh – Chánh thanh tra tỉnh Hà Tĩnh – thắc mắc: “Không hiểu lý do gì mà TTrCP lại KL những nội dung như vậy bởi trong cuộc họp giữa UBND tỉnh Hà Tĩnh và TTrCP ngày 29-11-2013 thì Tổng TTrCP Huỳnh Phong Tranh đã trấn an rằng “không có vấn đề gì đáng lo ngại cả”?
ĐỀ NGHỊ CHỈNH SỬA NHIỀU NỘI DUNG KẾT LUẬN
Về KL của TTrCP cho rằng Hà Tĩnh thu thiếu tiền thuê đất của Cty Formosa, phải thu thêm 46,05 tỷ đồng, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho là không đúng vì đây là DA đầu tư vào lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư và tiến hành ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (theo NĐ108/2006/NĐ-CP và điều 13 của QĐ72/2006/QĐ-TTg) nên được miễn tiền thuê đất trong cả thời gian DA hoạt động. Việc Formosa nộp gần 100 tỷ đồng cho ngân sách địa phương là thực hiện thỏa thuận cam kết khi khảo sát lập DA giữa Ban quản lý KKT Vũng Áng với Cty này. Mặt khác, đây là vấn đề nhạy cảm nên đề nghị đề cập trong các văn bản khác, không để phát sinh tranh chấp, khiếu kiện.
Kết luận của TTrCP cho rằng UBND tỉnh Hà Tĩnh chọn chủ đầu tư không tuân thủ quy định, thể hiện sự “tiền trảm hậu tấu, nóng vội, chủ quan và duy ý chí”, cụ thể là có việc chỉ định nhà thầu tại DA cấp nước cho KKT Vũng Áng, UBND tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ, đây là DA đặc biệt quan trọng, mang tính chất sống còn đối với KKT Vũng Áng. Theo quy định là Nhà nước đầu tư nhưng do ngân sách khó khăn nên phải thực hiện xã hội hóa. Theo quy định, công trình có ngân sách nhà nước trên 30% mới đấu thầu, nhưng ở đây là dưới 30% (1.269/4.400 tỷ đồng). Trong giai đoạn đầu, 100% là vốn của chủ đầu tư nên có quyền chỉ định thầu, hơn nữa tại thời điểm giao đất chỉ có một doanh nghiệp (Cty CP kinh doanh nước Hà Tĩnh) lập DA xin giao đất và cũng không thuộc đối tượng đấu giá đất (theo điểm d khoản 5 điều 2 của NĐ17/2006/NĐ-CP). UBND tỉnh Hà Tĩnh kính đề nghị Tổng TTrCP chỉ đạo chỉnh sửa lại KL này.
Kiến nghị của TTrCP thu về ngân sách 39,274 tỷ đồng là không cần thiết, bởi đây là khoản tiền nợ thuê đất của Tập đoàn phát triển nhà và đô thị (HUD), được Cục Thuế tỉnh theo dõi đầy đủ nợ trên sổ sách đồng thời thường xuyên đôn đốc thu hồi theo quy định.
Vấn đề tiềm ẩn sai phạm trong việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng phục vụ DA Formosa như KL nêu, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị TTrCP chưa thể KL là bồi thường hỗ trợ sai hay gây thất thoát ngân sách bởi đây mới là hiện tượng ban đầu được TTrCP phát hiện…
Ngày 25-7-2014, Văn phòng Chính phủ có Thông báo 290/TB-VPCP nêu ý kiến của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp ngày 15-7-2014 xử lý sau quá trình thanh tra: “…Việc đầu tư xây dựng KKT Vũng Áng, trong đó đặc biệt là DA Formosa, đã trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện khẩn trương, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA. Kết luận thanh tra đã đánh giá khách quan những mặt tích cực và kết quả đạt được của tỉnh Hà Tĩnh trong đầu tư, xây dựng, quản lý sử dụng đất đai. Qua thanh tra chưa phát hiện tiêu cực, tham nhũng và thất thoát tài sản nhà nước”.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng TTrCP thực hiện thanh tra trong thời gian 1 năm 6 tháng (từ cuối năm 2012 đến ngày 3-7-2014) là quá dài, vi phạm quy định của Luật Thanh tra năm 2010 được nêu tại điểm a khoản 1 điều 45; trình tự, thủ tục thanh tra nhìn chung chưa thực hiện đúng quy định… UBND tỉnh Hà Tĩnh kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Tổng TTrCP chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung các KL và kiến nghị thanh tra, có văn bản KL thanh tra đảm bảo chính xác, khách quan; trường hợp cần thiết chỉ đạo tiến hành lại theo quy định.
HOÀNG QUÂN – VĂN TÌNH