Ngày càng có nhiều nông dân thay đổi tư duy trong làm ăn. Họ thích bắt tay với doanh nghiệp để làm ăn, hạn chế tối đa những rủi ro của thị trường.
Bà giám đốc tốt nghiệp lớp 7
HTX Cẩm Thành (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) được thành lập từ năm 2007 với 30 thành viên tham gia góp vốn. HTX hoạt động chủ yếu là dịch vụ phân bón, sản xuất gạch, lúa gạo. Hàng năm HTX cung ứng 100 tấn vật tư phân bón đưa về phục vụ cho bà con nhân dân trong xã.
Tuy nhiên, từ năm 2014 HTX đã đi tiên phong trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như thuê ruộng sản xuất vùng lúa chất lượng cao, dùng máy cấy Kubota (Nhật Bản) cấy thí điểm để từng bước vận động các hộ dân cùng tham gia với HTX. Qua 2 vụ sản xuất HTX đã thuyết phục, vận động được 50 hộ liên kết sản xuất trên cánh đồng cùng một loại giống với diện tích 30ha.
Cho đến nay HTX Cẩm Thành đã ký hợp đồng với 3 thôn có 620 hộ tham gia sản xuất mô hình liên kết theo chuỗi với diện tích 94ha được HTX cung ứng đầu vào, thu mua sản phẩm. Mỗi năm HTX thu mua trên 300 tấn thóc xuất bán cho Công ty Thức ăn gia súc ở Hà Nội, còn lúa chất lượng cao chế biến gạo, đóng gói đưa ra thị trường tiêu thụ.
Sản phẩm gạo RVT được bình chọn sản phẩm tiêu biểu do UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận… HTX cũng đã xây dựng thương hiệu sản phẩm do Cục Sở hữu trí tuệ xác nhận chất lượng sản phẩm. Mọi yếu tố đầu vào đều hợp tác với doanh nghiệp, như giống nhập từ Công ty Giống cây trồng Trung ương; thuốc bảo vệ thực vật mua của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh; phân bón ký hợp đồng mua với các công ty vật tư phân bón…
Khảo sát mô hình nuôi tôm trên cát của Công ty Mitraco. |
Điều đặc biệt nhất là bà Giám đốc HTX Nguyễn Thị Nhâm, người phụ nữ Hà Tĩnh đã ngoài 64 tuổi, nước da sạm đen vì nắng gió, chân chất nhưng mạnh mẽ dám nghĩ dám làm. Chỉ học hết lớp 7, làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã Cẩm Thành trong thời gian dài, sau khi nghỉ hưu đã rủ người góp vốn thành lập HTX để làm ăn. “Sản xuất mà từng người đi mua nguyên liệu sẽ đắt hơn, tổ chức nhau lại sẽ mua được giá rẻ, gọi nôm na là mua buôn” – bà Nhâm chia sẻ.
Người phụ nữ này đúc kết về kinh tế HTX rất giản dị: “Còn sức khỏe còn nghĩ ra việc để giúp bà con nông dân. Chỉ có liên kết lại mới làm được. Phương châm của chúng tôi là mua (nguyên liệu) của công ty lớn, bán (sản phẩm) cũng cho công ty lớn”. Với phương châm làm ăn rất nông dân này mà thu nhập của thành viên HTX Cẩm Thành hiện nay ổn định ít nhất 2 triệu đồng/tháng và sẽ được nâng lên gấp đôi trong năm 2016.
Thành công nhờ “kết hôn” doanh nghiệp
HTX Hoàng Châu (xã Kỳ Bắc, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nằm ở một vùng đất miền núi khô cằn, địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt. Xuất phát điểm chỉ là 1 tổ hợp tác gồm 6 xã viên liên kết làm dịch vụ vận tải hàng hóa phục vụ Nhân dân xã Kỳ Bắc và một số vùng lân cận, thu nhập chỉ 500.000 đồng người/tháng nhưng đến nay đã có thu nhập cao.
Chủ nhiệm HTX Hoàng Châu, bà Trần Thị Châu cho biết năm 2012, khi tổ hợp tác của bà đang lay lắt, chuẩn bị tan rã thì được Liên minh HTX Hà Tĩnh tư vấn thành lập HTX, tư vấn phương án sản xuất, hỗ trợ vay vốn, giúp kết nối với Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Mitraco để liên kết hợp tác chăn nuôi lợn nái sinh sản. Đây là mô hình chăn nuôi lợn nái đầu tiên của Mitraco và cũng là mô hình nuôi vệ tinh thí điểm của tỉnh Hà Tĩnh.
“Lúc đó, chúng tôi đã tổ chức cuộc họp với các xã viên đưa ra hướng đầu tư trại nái. Lý do cả tỉnh Hà Tĩnh đang thiếu con giống tốt cho người chăn nuôi, trong khi lâu nay bà con phải mua con giống trên thị trường trôi nổi không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch, chất lượng kém. Cũng may thời gian này tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định phê duyệt cây con chủ lực, trong đó con giống là một vấn đề quyết định cho sự thành công của phát triển chăn nuôi” – bà Châu nhớ lại.
Thế là HTX Hoàng Châu được thành lập với quy mô ban đầu 350 con lợn nái bố mẹ, 6.000 con lợn cai sữa/năm, hoạt động theo mô hình liên kết với Công ty Mitraco Hà Tĩnh. Theo đó, HTX đầu tư hạ tầng kỹ thuật chuồng trại, theo thiết kế được công ty phê duyệt, bố trí lao động; Mitraco đầu tư con giống, thức ăn, kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
HTX thu nhập theo cơ chế khoán sản phẩm chăn nuôi, vì vậy sản xuất rất ổn định và rất đảm bảo an toàn kỹ thuật. Kết quả, khi mới thành lập HTX chỉ có 7 người góp vốn với 800 triệu đồng, nay đã tăng lên 10 người với số vốn góp gần 6 tỷ đồng. Hiện HTX chăn nuôi với quy mô 350 lợn nái/năm, cung cấp 7.000 con lợn sữa/năm và chăn nuôi 2.400 con lợn thịt/năm, lợi nhuận trung bình đạt 1,2 tỷ đồng/năm.
Đáng nói hơn, HTX Hoàng Châu không chỉ tạo công ăn việc làm cho thành viên của mình, giúp họ làm giàu trên mảnh đất cằn khô mà còn vươn xa hơn giúp các nơi khác cùng làm giàu. “Cuối năm 2014, HTX Hoàng Châu đầu tư vào HTX Bình An trên địa bàn để xây dựng mô hình lợn nái công nghệ cao với quy mô 350 nái bố mẹ và 10.000 con lợn con/năm, dự toán đầu tư ban đầu 13 tỷ đồng. Với quy mô này mỗi năm HTX thu nhập khoảng 1,5-2 tỷ đồng” – bà Châu khoe.
Không chỉ làm ăn giỏi, HTX Hoàng Châu cũng làm rất tốt hoạt động an sinh xã hội khi mua bảo hiểm cho 100 hộ cận nghèo; đầu tư làm đường giao thông liên xã với số vốn 300 triệu đồng; hỗ trợ người nghèo làm nhà ở, nhà vệ sinh; hàng năm giải quyết việc làm cho trên 30 lao động tại xã làm các khâu dịch vụ như xây dựng kênh mương, cầu cống và các dịch vụ khác…
Ấn tượng đặc biệt để lại trong chúng tôi khi rời mảnh đất Kỳ Bắc khô cằn là tiếng hát của một xã viên HTX Hoàng Châu khi nhắc lại hành trình khai hoang làm giàu của mình qua một bài dân ca xứ Nghệ…
————–
Bài 2: Nỗ lực thoát nghèo