“Hô biến” giang hồ thành… thương binh
Hẳn câu chuyện của nhiều năm về trước: Người thương binh thật “sản xuất” hàng loạt thương binh giả, tạo nên một “cơn bão thương binh rởm” bao trùm khắp các huyện của Hà Tĩnh, vẫn còn được lưu truyền.
Nhân vật có sức mạnh tạo nên dư chấn ấy là Võ Trọng Lực (SN 1957), trú tại khu phố 2, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1977, Lực bị thương ở chiến trường Campuchia. Sau khi xuất ngũ, Lực được công nhận là thương binh hạng 3/4. Bước ra từ cuộc chiến tranh khốc liệt, hơn ai hết, Lực là người cảm nhận được những nỗi đau, những mất mát, thiệt thòi mà một người lính phải hứng chịu, để nâng niu, trân quý. Ấy vậy mà, có tấm thẻ trên tay, Lực lại biến mình thành “cò hồ sơ thương binh”.
Đối tượng Võ Trọng Lực khi tra tay vào cồng số 8.
Từ việc “quen biết rộng”, nhất là các cán bộ trong sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh, lại có nhiều đầu mối, hắn đã xúi giục một số người kể cả đối tượng là giang hồ, xã hội đen làm hồ sơ để “hô biến” thành thương binh. Hắn đã trở thành “tay cò hồ sơ thương binh” khét tiếng ở đất Hà Tĩnh. Đến mức, ở Hà Tĩnh, bất cứ ai cũng biết đến danh tiếng của hắn. Chỉ cần nhắc tới 4 chữ “hồ sơ thương binh” là họ lại nghĩ ngay đến Lực. Người tìm đến nhờ hắn “giúp đỡ” thuộc nhiều thành phần, đau xót nhất là có nhiều thương binh thật. “Ai có quyền cấp chứng nhận thương bệnh binh? Lực chứ ai!”, dường như là câu nói cửa miệng của hắn.
Nhờ Lực, nhiều hồ sơ thương binh giả trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh, huyện Đức Thọ và huyện Nghi Xuân đều “đầu xuôi, đuôi lọt”. Tuy nhiên, điều đáng nói, Lực “tạo” ra nhiều thương binh rởm không chỉ để moi tiền trợ cấp của Nhà nước để nhậu nhẹt, ăn chơi mà còn vô hình trung, tạo điều kiện cho những đối tượng này đi quấy phá, gây rối, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Cái giá cho mỗi bộ hồ sơ hắn cầm trên tay là từ 2 đến 4 triệu đồng, tùy theo mức độ “khó – dễ”. Đây là một cái giá không hề nhỏ, vào thời điểm năm 2005. Trong số tiền đó, Lực trích ra một ít để “bôi trơn” các thủ tục, số còn lại, hắn đút túi.
Bị bắt, trước CQĐT, hắn khai, phương thức lừa đảo của mình là tẩy xóa rồi viết lại tên tuổi, địa chỉ giấy chứng nhận, bằng khen, giấy khen… biến chúng thành những bộ hồ sơ hợp pháp. Tất nhiên, để làm được vậy, hắn nhận được sự tiếp tay của cán bộ trong ngành. Hắn khai, mình quen biết rất nhiều cán bộ có quyền thế ở tỉnh. Ngoài ra, hắn còn hướng dẫn người làm hồ sơ kiểm tra trên thân thể mình có bao nhiêu vết sẹo, bất kể là do nguyên nhân gì gây ra, để tính mức trợ cấp. Sau khi hồ sơ “lọt” qua cổng chính quyền địa phương, Lực sẽ được “khách hàng” trực tiếp đưa đi khám giám định y khoa, để chẩn đoán mức độ thương tật. Hầu hết, những khách hàng của Lực đều cảm thấy rất hài lòng. Họ dù bỏ ra một số tiền để hợp thức hóa hồ sơ thương bệnh binh, đổi lại được chứng nhận thương tật trên 21% và nhận trợ cấp hàng tháng.
Khi được cán bộ điều tra hỏi về số lượng hồ sơ làm giả, Lực suy nghĩ, nhẩm tính một lúc rồi bảo: “Thú thực, em cũng không thể nhớ hết con số hồ sơ thương binh giả mà mình đã thực hiện trót lọt trong thời gian qua”. Câu trả lời này, khiến chính những người thực thi pháp luật cũng phải giật mình.
Nói về vụ án của Võ Trọng Lực, lãnh đạo CQĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Hồi đó, tiếp nhận vụ án của Lực, chúng tôi bị áp lực không nhỏ. Bởi dư luận lúc bấy giờ rất bức xúc trước việc làm tác oai tác quái của hắn. Lực rất ma mãnh, khôn khéo và “bao thoáng” cho các cán bộ phụ trách hồ sơ thương bệnh binh, nên rất được lòng họ. Mọi hồ sơ vào tay Lực đều “xong”. Đến mức mà nhiều người đồn rằng, chỉ cần Lực nhận lời thì một cái sẹo do đánh nhau cũng được thành thương binh”.
Hợp sức, hợp lực để xóa đói, giảm nghèo cho thương binh… giả
Trong nhiều phiên họp HĐND tỉnh, các Đại biểu đã chất vấn ngành chức năng về tình trạng giải quyết nạn thương binh giả, thế nhưng, vấn nạn này ở Hà Tĩnh vẫn chưa được trả lời và giải quyết thỏa đáng. Khi “cơn bão” thương binh giả đang quét qua Hà Tĩnh, nhiều người thể hiện sự bức xúc gay gắt. Một cán bộ hưu trí ở thị xã Hồng Lĩnh, khi hồi ức lại thời kỳ đó đã chia sẻ: “Giữa thời buổi thật – giả lẫn lộn, cứ mỗi năm đến ngày Thương binh xã hội 27/7, chúng tôi lại bức xúc không nói hết. Bản thân tôi là một người lính cầm súng ra chiến trận, vậy mà phải chịu nhục, cầm quà đi tặng cho những thương binh rởm, chưa một ngày cầm súng ra trận. Thậm chí, cả cái bọn giang hồ giả danh… thương binh nữa chứ”.
Tiếp xúc với những ý kiến trên, chúng tôi cảm nhận sự bức xúc và đó là điều dễ hiểu. Không chỉ các lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí mà người dân Hà Tĩnh cũng đã thể hiện sự bất bình gay gắt. Họ ngao ngán trước thực trạng “lạm phát” thương, bệnh binh. Đến mức, có nhiều người ví von rằng, ở mảnh đất nghèo miền Trung này, thẻ thương binh như được phổ cập hóa cho tất cả các đối tượng, thành phần xã hội, miễn là có tiền.
Thậm chí, nhiều người coi đó là phương thức đầu tư để “xóa đói, giảm nghèo”, sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để “chạy chế độ” thương binh. Điều không thể chấp nhận được, vì đây là một hoạt động nhằm tri ân, một chính sách đền đáp những người có công, bỏ lại một phần cơ thể của mình trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, vậy mà, một số cán bộ lại lợi dụng nó để biến thành công cụ kiếm tiền. Chúng đã đưa và nhận hối lộ để tạo ra hàng trăm thương, bệnh binh rởm, trực tiếp đục khoét công quỹ, “moi” tiền trong ngân sách Nhà nước. Hành động này chà đạp lên sự đóng góp thiêng liêng của những thương binh thật, nó xúc phạm tới những người đã hy sinh cuộc đời mình vì Tổ quốc.
Đến lúc này, buộc lòng các cơ quan chức năng phải vào cuộc một cách triệt để, nghiêm túc. Những đối tượng tiếp tay “sản xuất” ra những thương binh giả cần phải được xử lý một cách nghiêm minh. Cũng trong năm này, vụ án thương binh giả 11/11 huyện, thị xã của Hà Tĩnh bị bắt cũng đã gây sốc cho dư luận cả nước. Và thế là, huyện nào cũng có hàng ngàn bộ hồ sơ giả. Tại huyện Kỳ Anh, có 1.500 hồ sơ thuộc loại này, trong đó khá nhiều bộ được hợp thức hóa qua Hội đồng Giám định y khoa của tỉnh. Vụ án Võ Trọng Lực phơi bày sự thoái hóa, biến chất cực độ của một số cán bộ.
Năm 2013, qua xác minh đơn thư tố cáo, huyện Đức Thọ phát hiện một trường hợp thương binh “giả” từ A đến Z. Ngày 23/7, UBND huyện Đức Thọ có công văn số 1188 gửi sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh đề nghị xử lý đối với trường hợp bà Lương Thị Lý, hiện là thủ quỹ xã Đức Yên vì hành vi làm giả hồ sơ để hưởng chế độ như thương binh và tiếp tay cho người khác làm giả hồ sơ thương binh.
Cụ thể, bà Lương Thị Lý (SN 1957) tại xã Đức Yên. Tháng 11/1974, bà đi dân công hỏa tuyến tại Trung Lào. Hết đợt dân công vài tháng, bà Lý lành lặn trở về quê. Thế nhưng, đến sau năm 2000, bà Lý lập hồ sơ hưởng chế độ như thương binh có hai người làm chứng, kết quả giám định tỉ lệ thương tật 21% và được hưởng chế độ từ tháng 5/2003 đến nay. Sau khi xác minh, huyện Đức Thọ khẳng định, các nội dung tố cáo đối với bà Lương Thị Lý là hoàn toàn đúng, kiến nghị sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh cắt chế độ thương binh đối với bà Lý, truy thu số tiền bà này đã hưởng từ năm 2003 đến nay.
Bắt giữ một thương binh “chế tác” 70kg hồ sơ thương binh giả Thông tin từ phòng CSĐT tội phạm về quản lý Kinh tế và Chức vụ (PC46), Công an Nghệ An: Sáng ngày 2/7, cơ quan này đã khám nhà đối tượng Đặng Hồng Tư (66 tuổi), thương binh 1/4 trú tại khối Tân Thành 2, phường Lê Mao, TP. Vinh, phát hiện, thu giữ 70kg giấy tờ liên quan đến việc giải quyết chế độ thương binh giả và phôi giả. Ngoài ra, cơ quan công an cũng phát hiện và thu giữ nhiều con dấu của các cơ quan, tổ chức nghi bị làm giả. Khi PC46 thực hiện lệnh khám, đối tượng Tư không có mặt tại nhà, sau đó mới đến PC46 trình diện. Ông Nguyễn Xuân Thêm – Trưởng phòng PC46, Công an Nghệ An cho biết, cơ quan đang điều tra xem, liệu số hồ sơ này có liên quan đến hàng trăm bộ hồ sơ bị làm giả, khai man để hưởng chế độ ưu đãi thương binh mà Thanh tra bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phát hiện tại Nghệ An hay không. |
Đã phê duyệt kỹ càng hơn để đẩy lùi vấn nạn thương binh giả Sự việc cho thấy, quy trình làm hồ sơ thương binh của địa phương có quá nhiều sơ hở, bất cập, để những đối tượng giả dối “lọt lưới” quá dễ dàng. Trao đổi về vấn nạn thương binh giả, ông Nguyễn Xuân Thông, Phó Giám đốc sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Những năm vừa qua, để đẩy lùi vấn nạn hồ sơ thương binh giả, chúng tôi đã tiến hành xem xét, phê duyệt rất kỹ càng, chặt chẽ, hạn chế để “lọt lưới” những đối tượng giả mạo. Đối với những vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, hồ sơ bị phát giác, chúng tôi khẳng định, sẽ xử lý nghiêm, kể cả đó là cán bộ của Sở”. |
Nhóm PV/ Người Đưa Tin