Địa Chí Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Hàng ngàn gốc đào chết “trơ xương”, người dân khóc ròng lo mất Tết

Nông dân trồng đào ở phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh đang mất ăn, mất ngủ, lo mất Tết khi hàng trăm gốc đào Nhật Tân héo úa,chết hàng loạt.

Có mặt tại làng đào Thạch Quý, phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh những ngày này, khác với không khí tất bật tỉa cành, tạo dáng như các năm trước thì năm nay làng đào khá ảm đạm, hiu hắt. Người dân lo mất Tết khi nhìn hàng trăm gốc đào trở nên xác xơ, thảm hại, chết hàng loạt.

Có thâm niên trồng đào hơn 20 năm nay, ông Nguyễn Khắc Toàn (SN 1949), khối phố Trung Đình, phường Thạch Qúy cho biết, gia đình ông đầu tư trồng gần 1.000 gốc đào Nhật Tân cho vụ Tết năm nay, nếu thuận lợi khi thu hoạch, trừ đi chi phí cũng lãi vài trăm triệu đồng. Nhưng do mưa kéo dài cộng với lũ bất thường hồi tháng 9, tháng 10 /2016 nên hơn 600 gốc đào của gia đình ông héo úa rồi chết dần, ước tính thiệt hại khoảng 150 triệu đồng.

Nhìn vườn đào ngổn ngang, xơ xác, ông Toàn buồn rầu nói: “Trồng đào bao nhiêu năm, nhưng chưa năm nào thất bại lớn như thế. Năm nay coi như mất Tết rồi”.

Hàng ngàn gốc đào chết "trơ xương",  người dân khóc ròng lo mất Tết  - Ảnh 1

Ông Toàn buồn rầu chăm số đào còn lại mong gỡ ít vốn cho vụ Tết.

Theo ông Toàn, cả vùng Thạch Qúy chủ yếu lấy giống đào Nhật Tân rồi đem ghép với đào địa phương nên hoa có màu đỏ nhạt, khác với giống Nhật Tân gốc nên được nhiều người chơi cây cảnh ưa chuộng. Tuy vậy, đây là giống đào khó trồng, rủi ro rất cao, nhưng khi thành công lại cho hiệu quả lớn. Người dân Thạch Qúy nhiều năm nay thoát nghèo cũng nhờ giống đào này.

Lúc trồng gia đình đã làm mương thoát nước, đắp đất trồng cao lên 50cm, nhưng trận mưa lũ vừa qua, nước thoát không kịp nên đào bị ngập gốc rồi chết dần. Những gốc đào nào còn sống, gia đình cố gắng chăm bón, nhưng không biết sẽ như thế nào, còn những cây chết, giờ chỉ để làm củi – ông Toàn cho biết thêm.

Tương tự ông Toàn, vườn đào ông Trần Hữu Châu với gần 400 gốc đang được gia đình chuẩn bị cho kỹ thuật hãm nụ để đào nở trúng dịp Tết cũng đã chết đi hơn một nửa.

Ông Châu chua xót nói: “Năm nay mưa lũ bất thường nhiều ngày nên đào thiệt hại lớn, mặc dù gia đình đã làm đủ mọi cách tránh ngập cho đào nhưng vùng này thấp trũng nên vẫn không tránh được. Năm nay coi như mất trắng, giờ chỉ biết chăm mấy cây còn lại, may gỡ được ít vốn liếng lo cho cái Tết”.

Chỉ còn hơn 15 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, những kỳ vọng có thu nhập vào nghề trồng đào của người dân nơi đây đang dần tiêu tan.

Hàng chục năm trong nghề, dù kinh nghiệm đầy mình nhưng gia đình ông Nguyễn Hữu Liệu, khối Phố Trung Đình, phường Thạch Qúy cũng phải bất lực nhìn từng gốc đào héo úa, chết dần.

Hàng ngàn gốc đào chết "trơ xương",  người dân khóc ròng lo mất Tết  - Ảnh 2

Dân lo mất Tết vì đào chết trơ gốc. 

Những năm trước, gia đình ông Liệu trồng nhiều, nhưng trong những năm gần đây người trồng đào rầm rộ, thu nhập thì ít mà chi phí và công sức bỏ ra nhiều nên ông rút lại quy mô trồng ít hơn.

“Những năm trước mấy trăm gốc đào cho thu nhập không nhiều nhưng cũng đủ lo Tết, năm nay mưa quá, dịch bệnh nhiều nên cả vườn chỉ còn 80 gốc. Nhưng đa phần là đào họ thuê, nhờ tôi chăm sóc để cuối năm lấy. Giờ những cây họ nhờ tôi chăm sóc lại bị chết, nên giờ mất cả công lẫn tiền” – ông Liệu chia sẻ.

Ông Điện Văn Minh, Chủ tịch UBND phường Thạch Quý cho biết, trên địa bàn phường Thạch Qúy có 35 hộ trồng đào với hơn 5.000 gốc, các đợt mưa lớn vừa qua đã gây ngập úng toàn bộ. Cây đào bén duyên đất Thạch Qúy từ năm 1995 do ông Trần Hải Ninh (phường Thạch Qúy, TP Hà Tĩnh) mang giống đào Nhật Tân từ miền Bắc về trồng. Nhận thấy phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất và thu nhập cao nên người dân bắt đầu phát triển mở rộng, đến nay đã hơn 20 năm.

“Hiện tại chúng tôi vẫn chưa thể tính hết thiệt hại đào chết, vì số lượng đào cứ chết dần dần, không phải cùng lúc. Năm nay, nhiều hộ trồng đào thấp trũng đã chết sạch, hộ nào đất cao hơn thì còn lại ít nhiều nên đang cố chăm sóc số còn lại cung ứng cho dịp Tết đang tới gần” – ông Minh cho hay.

Phạm Trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP