Thời điểm nửa cuối năm 2019 đến 31/12/2020 là thời điểm các dự án điện mặt trời đua nhau nở rộ tại các tỉnh miền Trung nhằm hưởng ưu đãi từ Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh những dự án điện mặt trời thực hiện nghiêm túc tinh thần của Quyết định này còn có những dự án cho đến nay, thời điểm Quyết định đã hết hiệu lực 5 tháng vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục đầu tư, chưa thực hiện các nội dung trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư… mà chỉ lắp đặt tấm quang điện và bán điện để hưởng giá mua ưu đãi của Chính phủ. Các dự án điện mặt trời này đã lách luật, 'núp bóng' trang trại, việc thực hiện dự án chỉ là phụ, lắp đặt hệ thống điện mặt trời và bán điện là chính đang diễn ra tại hàng loạt dự án điện mặt trời ở Hà Tĩnh.
Hàng loạt dự án điện mặt trời lách luật, “núp bóng” trang trại, lợi dụng ưu đãi ở Hà Tĩnh
Dự án trang trại tổng hợp Trung Lễ (xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) của công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn khi vừa mới được UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý cho điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, trong khi hồ sơ pháp lý chưa hoàn thành, chưa triển khai trang trại theo như nội dung trong quyết định chủ trương đầu tư, nhưng công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn đã tiến hành xây dựng, lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái có quy mô 7MWp và bán điện.
Hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái tại dự án trang trại tổng hợp Trung Lễ có quy mô 7MWp. Theo quy định, các công trình điện mặt trời trên 1MWp (điện đấu lưới) phải được Bộ Công Thương phê duyệt, nhưng chủ đầu tư đã chia nhỏ ra với công suất dưới 1MWp để "né" quy định này và phù hợp với Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg để hưởng giá mua ưu đãi theo như phụ lục của Quyết định trên.
Dự án trang trại tổng hợp Trung Lễ (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) có quy mô 7MWp, là trang trại nhưng không nuôi trồng chỉ lắp pin điện mặt trời để bán điện. |
Cụ thể, công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn đã chia ra cho 8 công ty, gồm: Công ty TNHH năng lượng tự nhiên Hà Tĩnh; Công ty TNHH năng lượng Xuân Linh; Công ty TNHH dịch vụ khai thác năng lượng; Công ty TNHH thương mại xây dựng Việt; Công ty TNHH Xuân Linh Hà Tĩnh; Công ty TNHH thương mại Quốc tế Hà Tĩnh; Công ty TNHH dịch vụ thương mại Xuân Linh; Công ty TNHH dịch vụ năng lượng Xanh Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy cho biết, doanh nghiệp tiến hành thi công dự án vào tháng 10/2020, ngay sau khi được UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định về việc điều chỉnh chủ trương dự án đầu tư trang trại chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại thị xã Hồng Lĩnh và huyện Đức Thọ. Theo đó, tên dự án đầu tư được đổi thành là trang trại tổng hợp Trung Lễ, mục tiêu dự án là chăn nuôi gà thả vườn, nuôi cá nước ngọt, trồng các loại cây ăn quả, cây dược liệu, các loại nấm… Quy mô chăn nuôi là 19 con gà thịt/năm, sản lượng cá nước ngọt đạt 15-20 tấn/năm, 25.000-30.000 bịch nấm/năm, trồng 30.000-35.000 cây đinh lăng...
Thời điểm thi công, địa phương có xuống kiểm tra hồ sơ pháp lý nhưng chủ đầu tư chỉ cung cấp quyết định điều chỉnh chủ trương dự án và quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết. Tiếp đó, đoàn kiểm tra đã lập biên bản yêu cầu tạm dừng thi công với lý do chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất. Tuy nhiên, sau đó doanh nghiệp vẫn tự ý xây dựng. Theo trả lời của ông Thọ thì xã đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản vi phạm. Tuy nhiên, khi PV đề nghị được xem biên bản thì ông Thọ không tìm thấy.
Thực tế có mặt tại trang trại tổng hợp Trung Lễ, thời điểm PV ghi nhận, trang trại này mới chỉ dựng cột, lợp mái tôn và lắp tấm quang điện lên để bán điện mặt trời chứ chưa tiến hành nuôi con gì và trồng cây gì theo như quyết định chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.
Tương tự như dự án trang trại tổng hợp Trung Lễ, một thời gian ngắn sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án trang trại tổng hợp Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) cũng của công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn đã đấu nối 8MWp điện mặt trời vào lưới điện. Tại dự án Kỳ Lạc cũng chỉ lắp tấm quang điện lên để bán điện mà chưa hề nuôi trồng gì.
Tương tự như vậy, dự án trang trại tổng hợp Kỳ Lạc của công ty Hoành Sơn cũng chưa nuôi trồng cây gì, con gì theo như quyết định đầu tư mà chỉ lắp tấm pin năng lượng mặt trời lên để bán điện. |
Cũng giống như dự án trang trại tổng hợp Trung Lễ, dự án trang trại tổng hợp Kỳ Lạc đã dúng mánh chia nhỏ công suất để “né” phê duyệt và phù hợp với Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg để được hưởng giá mua ưu đãi của Chính phủ.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn đã chia nhỏ cho 9 chủ đầu tư (mỗi chủ đầu tư gần 1 MWp), gồm: Công ty TNHH năng lượng sạch Hà Tĩnh; Công ty TNHH TMĐT năng lượng tự nhiên Hà Tĩnh; Công ty TNHH ánh sáng Năng Lượng Xanh; Công ty TNHH DVTM Năng Lượng Xanh; Công ty TNHH xây dựng năng lượng Tái Tạo; Công ty TNHH năng lượng Bảo Trung; Công ty TNHH DVTM Xây dựng Việt Nam; Công ty TNHH TMĐT Hà Tĩnh; Công ty TNHH DVTM Bắc Miền Trung.
Ông Phan Hoàng Trường, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc cho biết: “Hướng của địa phương cũng muốn doanh nghiệp sớm có định hướng đi vào sản xuất nhưng doanh nghiệp có trình bày là khó khăn nên chưa triển khai. Doanh nghiệp cũng mới triển khai làm nhà và lắp điện áp mái chứ chưa triển khai được cái gì cả. Theo quy định là phải thực hiện sản xuất trước khi lắp điện áp mái nhưng Hoành Sơn có trao đổi lại là họ đẩy nhanh tiến độ lắp điện áp mái trước để hưởng ưu đãi theo quyết định 13”.
Tại xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh cũng tương tự như vậy, dưới vỏ bọc là trang trại tổng hợp - một dự án điện mặt trời có công suất 3MWp đã được xây dựng, đấu nối và bán điện từ trước ngày 30/12/2020.
PV Diễn đàn pháp luật cũng đã đến thực địa và được nhân viên ở đây cho biết: Dự án đi vào hoạt động và hòa lưới điện quốc gia trước ngày 30/12/2020 để bán điện theo giá ưu đãi của chính phủ. Toàn bộ dự án có công suất 3MWp, được xây dựng rất nhanh, chỉ trong vòng một tháng, trong đó có 3 trạm (trạm biến áp - Pv), mỗi trạm 1MW.
Theo văn bản số 952/PCHT-KD của điện lực Hà Tĩnh trả lời PV thì tại đây cũng được chia cho 3 hộ để bán điện cho điện lực, mục đích chính là chia nhỏ công suất cho phù hợp với Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Chính phủ.
Dự án trang trại tổng hợp Kỳ Thọ (huyện Kỳ Anh) thời điểm cuối tháng 4/2021 mới làm đất và trồng một ít cây đinh lăng. |
Theo ghi nhận của PV vào cuối tháng 4/2021, trang trại này mới bắt đầu tiến hành trồng cây đinh lăng phía dưới của các tấm panel năng lượng mặt trời và cũng chỉ mới trồng được một phần của trang trại. Việc trồng cây trong mái nhà kín như vậy thì liệu rằng cây có thể phát triển bình thường hay không thì chúng tôi sẽ thông tin trong một bài viết sau.
Theo xác nhận của Điện Lực Hà Tĩnh, khoảng cuối tháng 12/2020, tất cả hệ thống điện mặt trời mái nhà nói trên đều đã ký hợp đồng mua bán điện và đấu nối vào điện quốc gia để hưởng giá ưu đãi 1.943 đồng/kWh.
Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích điện mặt trời tại Việt Nam của Chính phủ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2020. Theo đó, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã đấu nối vào lưới điện trước thời gian trên sẽ được hưởng mức giá ưu đãi (giá FIT) điện mặt trời trên mái nhà 1.943 đồng/kWh, tương đương 8,38 cent/kWh, kéo dài trong 20 năm. Sau thời điểm này, Chính phủ sẽ tính lại giá mua điện cũng như ban hành cơ chế mới.
Tại mục 5, điều 3, chương I của Quyết định 13 có nêu rõ: “Hệ thống điện mặt trời mái nhà là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 01 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35kV trở xuống của Bên mua điện”.
Quyết định này cũng quy định về biểu giá mua điện mặt trời. Đáng chú ý là trong biểu giá có quy định rất rõ: Dự án điện mặt trời nổi giá mua là 1.783 đồng/Kwh, Dự án điện mặt trời mặt đất giá mua là 1.644 đồng/Kwh và hệ thống điện mặt trời mái nhà có giá mua cao nhất, lên đến 1.943 đồng/Kwh.
Như vậy, những trang trại điện mặt trời nêu trên tại thời điểm ký hợp đồng mua bán điện với Điện lực Hà Tĩnh thì nó có khác gì với Dự án điện mặt trời mặt đất hay không? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Diễn đàn pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.
Tác giả: Vũ Sơn
Nguồn tin: phapluatnet.nguoiduatin.vn