Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Vẽ dự án nông nghiệp để làm điện mặt trời?

Dưới vỏ bọc Dự án trang trại tổng hợp, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn đã tiến hành xây dựng, lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái có quy mô lên đến 7MW. Để “lách luật”, đồng thời nhận được ưu đãi từ Nhà nước, chủ đầu tư đã “chạy nước rút” đấu nối vào lưới điện, chia nhỏ công suất của hệ thống điện mặt trời này ra cho 8 công ty khác nhau.

Bất chấp pháp luật vì lợi nhuận

Dự án trang trại tổng hợp Trung Lễ (xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) vừa được UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý cho điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn thành, sản phẩm nông nghiệp chưa thấy đâu. Thế nhưng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn đã ngang nhiên tiến hành xây dựng, lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái có quy mô 7MW, khiến dư luận bức xúc.

Theo tìm hiểu của pv, việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn bất chấp pháp luật, xem thường dư luận xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái khi hồ sơ pháp lý chưa hoàn thành là nhằm hưởng giá điện ưu đãi của Chính phủ, nếu đưa vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ điện trong thời gian từ ngày 1/7/2019 đến 31/12/2020.

Hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái tại Dự án trang trại tổng hợp Trung Lễ có quy mô và diện tích rất lớn...


Được biết, hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái tại Dự án trang trại tổng hợp Trung Lễ có quy mô 7MWp. Theo quy định, các công trình điện mặt trời trên 1 MWp (điện đấu lưới) phải được Bộ Công thương phê duyệt, nhưng Chủ đầu tư đã chia nhỏ ra, với công suất dưới 1 MWp, để "né" quy định này.

Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn đã chia ra cho 8 công ty, gồm: Công ty TNHH Năng lượng tự nhiên Hà Tĩnh; Công ty TNHH Năng Lượng Xuân Linh; Công ty TNHH Dịch vụ khai thác năng lượng; Công ty TNHH Thương mại xây dựng Việt; Công ty TNHH Xuân Linh Hà Tĩnh; Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hà Tĩnh; Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Xuân Linh; Công ty TNHH Dịch vụ năng lượng Xanh Hà Tĩnh.

Đáng nói, Giám đốc điều hành các công ty này đều là người nhà hoặc nhân viên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn, có những người đứng tên 2 đến 3 công ty, điển hình như: Ông Trần Xuân Linh và ông Trần Bảo Trung...

Hệ thống điện mặt trời đã được đấu nối, tuy nhiên hồ sơ pháp lý về Dự án Trang trại tổng hợp Trung Lễ vẫn chưa hoàn thành.


Theo hồ sơ, 8 công ty nêu trên đều tiến hành đấu nối, ký hợp hợp đồng bán điện cho Công ty Điện lực Hà Tĩnh vào ngày 28/12/2020, với công suất 990 Kw.

Chính quyền có tiếp tay cho sai phạm?

Theo văn bản số 7088/BCT-ĐL ngày 22/9/2020 của Bộ Công Thương, đối với hệ thống điện mặt trời của công trình trang trại, yêu cầu chủ đầu tư bổ sung xác nhận của UBND cấp xã hoặc huyện về việc khai báo xây dựng trang trại (theo mẫu tại Phụ lục III, Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) trong hồ sơ đăng ký/thỏa thuận đấu nối điện hoặc hợp đồng mua bán điện.

Để hoàn tất hồ sơ đấu nối, ký hợp đồng với Công ty Điện lực Hà Tĩnh theo yêu cầu của Bộ Công Thương, ngày 25/12/2020, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn đã làm Tờ khai kinh tế trang trại gửi UBND xã Lâm Trung Thủy. Đáng nói, dù biết Dự án Trang trại tổng hợp Trung Lễ chưa hoàn thành hồ sơ pháp lý, nhưng không hiểu vì sao ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy vẫn xác nhận vào tờ khai cho chủ đầu tư?.

Tờ khai kinh tế trang trại của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn gửi UBND xã Lâm Trung Thủy xác nhận.


Trao đổi với pv về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ, cho biết: “Trước đó chúng tôi đã từng yêu cầu Chủ đầu tư ngừng thi công, sau đó họ có cung cấp được Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và nhờ xác nhận ở trang trại đã có chăn nuôi. Tất nhiên cũng có cái đúng, có cái sai, có gì mong các anh chia sẻ…”.

Trước những sai phạm nghiệm trọng xảy ra tại Dự án trang trại tổng hợp Trung Lễ, phóng viên đã có buổi làm việc với Phòng Quản lý đất đai I - Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây, một cán bộ Phòng Quản lý đất đai I, cho biết: “Tôi vừa nắm được thông tin qua phản ánh của báo chí. Dự án này trước đây chủ đầu tư có trình hồ sơ lên, tuy nhiên do còn nhiều thiếu sót nên chúng tôi đã trả về và yêu cầu làm lại…”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: “Cảm ơn đồng chí đã thông tin, tôi sẽ cho kiểm tra…”.

Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích điện mặt trời tại Việt Nam của Chính phủ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2020. Theo đó, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã đấu nối vào lưới điện trước thời gian trên sẽ được hưởng mức giá ưu đãi (giá FIT) điện mặt trời trên mái nhà 1.943 đồng/kWh, tương đương 8,38 cent/kWh, kéo dài trong 20 năm.

Sau thời điểm này, Chính phủ sẽ tính lại giá mua điện cũng như ban hành cơ chế mới. Chính vì vậy, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn đã bất chấp pháp luật tiến hành xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái khi hồ sơ pháp lý về Dự án trang trại tổng hợp Trung Lễ chưa hoàn thành.

Tác giả: Trần Quốc - Minh Hà

Nguồn tin: tamnhin.trithuccuocsong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP