Hương Khê

Hà Tĩnh: Hàng chục tấn xi măng hỗ trợ nằm “đắp chiếu”

Theo phản ánh của người dân xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh), thời gian qua trên địa bàn xã hàng chục tấn xi măng được Nhà nước hỗ trợ để làm giao thông nông thôn nhưng không được sử dụng kịp thời nên đã bị hư hỏng, chất lượng không đảm bảo.

hatinh24h

Xi măng chất đống tại hội quán thôn 2, xã Hương Liên. Ảnh: N.D

Ông T, một người dân xã Hương Liên bức xúc: Xi măng nhận về nhưng không làm đường ngay, đến nay bao thì chết cứng như đá, bao thì bị vón cục. Vừa rồi người dân phản ánh nhiều quá xã mới cấp  cho các hộ dân làm lò đốt rác. Một số hộ thấy chất lượng xi măng không đảm bảo nên không nhận. Có hộ nhận về nhưng không làm được vì chất lượng xi măng kém.

Ông Trần Văn Lựu, xóm trưởng xóm 2, xã Hương Liên cũng xác nhận,  số xi măng trên tồn đọng để trong hội quán thôn đã lâu không được sử dụng nhưng giờ chất lượng không đảm bảo nên vừa rồi xã chỉ cung cấp cho các hộ dân làm lò đốt rác hộ gia đình.

Ông N, một người dân xóm 2, xã Hương Liên nói: “Vừa rồi tôi được nhận 2 bao xi để làm lò đốt rác nhưng làm được một lò thấy xi măng cứng như đá, chất lượng xi không đảm bảo nên tôi không làm tiếp nữa”.

Theo tìm hiểu của PV, năm 2013, xã Hương Liên làm 2,5km đường giao thông nông thôn. Theo đó xã nhận 360 tấn xi măng với số tiền 407 triệu đồng. Nguồn xi măng này được tỉnh hỗ trợ 55%, huyện hỗ trợ 35% và ngân sách xã 10%.

Đầu tháng 10.2013, Công ty TNHH xây dựng Sơn Hải có trụ sở tại thị trấn Hương Khê trong lúc thi công công trình đường giao thông nông thôn thuộc Chương trình 135 năm 2013 tại xã Hương Liên đã làm tờ trình vay UBND xã Hương Liên một số xi măng trong chiến dịch giao thông nông thôn năm 2013. Số xi măng được công ty đề nghị cho vay là 20 tấn và được Chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tiến Lành ký duyệt. Đến tháng 3.2015 phía công ty bàn giao lại số xi măng trước đó đã vay của xã và số xi măng này được doanh nghiệp vận chuyển về địa phương trả và chất đống từ đó đến nay.

Lý giải cho việc số xi măng bị tồn đọng này, ông Đinh Văn Sánh – Chủ tịch UBND xã Hương Liên cho hay, việc xi măng còn tồn đọng như người dân phản ánh là có thật. Tuy nhiên việc tồn đọng này do nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố do kỹ thuật làm của nhân dân (trộn không đúng tỷ lệ) nên dư xi măng. Ngoài ra còn do năm 2013 xã cho một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hương Khê vay 20 tấn xi măng. Đến năm 2015 doanh nghiệp này trả lại nên mới tồn nhiều như vậy.

“Vừa qua sau khi đoàn thanh tra của huyện có kết luận chúng tôi cũng đã tiến hành họp quy trách nhiệm đối với Chủ tịch xã, kế toán và cán bộ xây dựng cơ bản và kiểm điểm 5 chức danh có liên quan. Vì số xi măng để lâu nên chất lượng không còn đảm bảo nên không làm được các công trình lớn mà chỉ làm các công trình nhỏ lẻ” – ông Sánh nói.

Nguyễn Duyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP