Lao Động - Việc Làm

Hà Tĩnh: Giải bài toán “thừa thầy, thiếu thợ”

Dẫu chưa có số liệu thống kê đầy đủ số sinh viên (SV) tốt nghiệp đại học (ĐH) của toàn tỉnh hiện có việc làm hoặc làm việc không đúng chuyên ngành đào tạo, nhưng qua khảo sát, con số này không hề nhỏ.

Chỉ riêng ngành Giáo dục Hà Tĩnh, đến thời điểm hiện tại ước tính thừa 1.156 giáo viên. Bài toán “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn chưa thể tìm được lời giải khi suy nghĩ của đông đảo phụ huynh và học sinh (HS), ĐH vẫn đang là con đường tiến thân duy nhất.


Đại học là con đường duy nhất?


Việc con gái thi đậu vào Khoa Kinh tế của trường ĐH Huế với ông Nguyễn Văn Sơn ở Lộc Hà là một niềm vinh dự và tự hào. Dẫu phải bán lợn, bán bò và vay ngân hàng để có tiền liên hoan, mua sắm máy vi tính, điện thoại, tiền nhập học… cho con nhưng ông chẳng phiền lòng. “Bây giờ chỉ có con đường vào ĐH thôi cháu ạ, chứ trung cấp, cao đẳng (CĐ) sau này làm sao có chỗ đứng trong xã hội” – ông Sơn tự hào.


Suy nghĩ của ông Sơn cũng là suy nghĩ của đa số phụ huynh, HS. Người người, nhà nhà mong muốn và tìm mọi cách để con thi vào ĐH, nhưng trong số họ có không ít người chưa nắm bắt được nhu cầu của xã hội, không lường được sức học của con em và hoàn cảnh gia đình. Điều đó đã vô tình tạo áp lực trong thi cử, gây tốn kém cho gia đình, xã hội và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng thừa “thầy”.


Những năm gần đây, với sự chỉ đạo quyết liệt của Sở GD&ĐT, các trường dạy nghề trên địa bàn toàn tỉnh đã chủ động phối hợp với các trường THPT tổ chức quảng bá tuyển sinh nhưng hiệu quả vẫn chưa đạt được như mong muốn. Theo số liệu được công bố tại 1 cuộc họp, năm 2012, toàn tỉnh chỉ có 550 SV học hệ CĐ tại các trường nghề trên địa bàn toàn tỉnh.


Thạc sỹ Nguyễn Duy Vinh – Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Việt Đức cho biết: “Trường chúng tôi là một trong 30 trường CĐ nghề thuộc tốp đầu của cả nước về chất lượng. Đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn, tay nghề cao; nhà xưởng, máy móc được trang bị hiện đại; giờ thực hành chiếm 70% chương trình đào tạo… Hầu hết HS sau khi ra trường đều có việc làm… Thế nhưng, việc thu hút HS cũng hết sức khó khăn…”.


Xu thế đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu


Thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ” đã tác động không nhỏ đến xu thế đào tạo nghề của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn Hà Tĩnh. Điều đó được thể hiện rõ nét nhất trong công tác quảng bá tuyển sinh của một số trường nghề trên địa bàn. Với Trường CĐ Nghề Việt Đức, bên cạnh việc phát huy lợi thế là một trong những trường thuộc tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng, năm nay, nhà trường cũng mở thêm 2 mã ngành mới: Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí; Công nghệ thông tin ứng dụng phần mềm.

Giải bài toán “thừa thầy, thiếu thợ”

Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Việt Đức.

Cao đẳng VHTT&DL Nguyễn Du là một trường đặc thù, đối tượng tuyển sinh hạn chế nhưng việc quảng bá tuyển sinh cũng được chủ động từ sớm. Thầy Trần Đăng Kiên – Trưởng phòng Quản lý đào tạo HS-SV cho biết: Năm nay, ngoài những thông tin cảnh báo dư thừa của Bộ GD-ĐT, chúng tôi đặc biệt quan tâm việc tìm hiểu nhu cầu thực tế của xã hội để có kế hoạch, chỉ tiêu tuyển sinh và hướng đến một số mã ngành xã hội đang có nhu cầu như: hướng dẫn du lịch, nghiệp vụ lễ tân, nhà hàng, khách sạn, kỹ thuật chế biến món ăn; nhạc cụ dân tộc, dân ca; hội họa – phục vụ cho nhu cầu thiết kế nội thất… Ngoài ra, trường còn đào tạo theo đơn đặt hàng của các phòng giáo dục về kỹ thuật chế biến món ăn cho các giáo viên mầm non, tiểu học…


Trường ĐH Hà Tĩnh năm nay cũng rộn ràng không khí mới khi nhà trường đã có những “điểm nhấn” trong công tác tuyển sinh. Thạc sỹ Lê Thị Hường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Tĩnh cho biết: “Trong tổng số 1.200 SV hệ CĐ và ĐH thì SV hệ sư phạm chỉ có 420 chỉ tiêu, giảm gần một nửa so với trước đây, trong đó 50 chỉ tiêu ở mã ngành Giáo dục chính trị, chủ yếu đào tạo theo nhu cầu cho nước bạn Lào. Điều đặc biệt, năm nay, nhà trường đã mở thêm 4 mã ngành mới, đáp ứng nhu cầu của xã hội đó là: Khoa học môi trường, Kỹ sư xây dựng, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành và Tiếng Anh thương mại”.


Điều đáng mừng hơn cả là từ chủ trương của Bộ GD-ĐT, năm nay, trường tuyển sinh 1.200 chỉ tiêu liên kết đào tạo ĐH ở 13 mã ngành để đáp ứng nguồn nhân lực cho khu kinh tế Vũng Áng. Đó cũng là một trong những cơ hội rộng mở cho con em Hà Tĩnh trên bước đường lựa chọn ngành nghề.


Theo xu thế phát triển của xã hội, cơ hội tìm kiếm việc làm đang rộng mở đối với các SV trường nghề nhưng điều đáng tiếc là số lượng lao động này vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các công ty, nhà máy, trong lúc một lực lượng đông đảo SV tốt nghiệp ĐH vẫn đang loay hoay với con đường tìm kiếm việc làm. Đây là một thực tế đặt ra cho công tác quản lý, phân luồng đào tạo; đồng thời gợi mở cho phụ huynh, HS những lựa chọn phù hợp trước ngưỡng cửa lập thân, lập nghiệp.


Thúy Ngọc

Báo Hà Tĩnh

  Từ khóa: Bài toán , Tốt nghiệp , Sinh viên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP