Giá cát tăng “phi mã”
Trong vai người đi mua cát cho công trình đang thi công, PV Dân trí đáp một nhà xe chuyên vận chuyển cát có mặt tại Xuân Lam, huyện Nghi Xuân - một trong những điểm tập kết cát lớn nằm ở phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh. Có mặt tại đây, chúng tôi không khỏi giật mình khi được biết giá cát mà chủ bãi bán ra lúc này.
Nếu cách đây chưa tới một tháng, giá một 1m3 cát xây, cát áo lần lượt chỉ ở mức 100.000 và 110.000 đồng, thì nay được chủ bãi thông báo mức giá là 180.000 và 200.000 đồng.
Trả giá thấp hơn chút ít để lấy số lượng lớn, chủ bãi cát liền lắc đầu từ chối. Lý do là nguồn cung thời gian gần đây không đủ đáp ứng yêu cầu của khách hàng, bán thấp hơn sẽ lỗ.
1m3 cát xây, cát áo lần lượt chỉ ở mức 100.000 và 110.000 đồng, thì nay đã đội lên 180.000 và 200.000 đồng. |
Xuôi vào địa bàn huyện Kỳ Anh, giá các loại cát cũng tăng một cách khủng khiếp. Anh Tuấn, cán bộ quản lý của Công ty CP Xây lắp và Thương mại H.C. (Cty xây lắp H.C.) cho hay, cách đây hơn 1 tháng, giá cát bẩn dùng để san lấp mặt nền là 130.000/m3, còn cát xây là 150.000/m3, nhưng giờ các loại cát trên đều tăng lên 180.000 và 230.000 đồng.
“Dù tăng cao như thế, nhưng cát hiếm không dễ mua chút nào”- anh Tuấn ngán ngẩm cho biết.
Đó là giá bán tại bãi cung, đầu mối lớn. Còn tại các bãi buôn nhỏ lẻ ở thành phố, thị xã, thị trấn, do nguồn cung khan hiếm, phải chịu nhiều chi phí cao hơn trước, nên giá cả các loại cát tăng cao nhất từ trước tới nay. Anh Thành, quản lý của Cty An Xây dựng An Thịnh (TP Hà Tĩnh) phản ánh, giá cát xây hiện đạt ngưỡng hơn 300.000 đồng/m3.
“Mức giá này là cao nhất từ trước tới nay. Giá đắt, nhưng cũng không phải dễ mua”- anh Thành cho hay.
Lý giải nguyên nhân khiến mức giá cát tăng cao, anh Trần Quang Chung, chủ một đầu mối cung cấp vật liệu xây dựng ở phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) cho biết: Giá cát cao xuất phát từ đầu vào cao và nhiều chi phí tăng hơn trước. Cụ thể, giá một xe cát 10m3 cách đây hơn một tháng về đến TP Hà Tĩnh là khoảng hơn 2 triệu đồng, nay đã tăng lên hơn 3 triệu đồng.
Giá cát xây dựng đột ngột tăng cao khiến việc thi công công trình của cả doanh nghiệp và người dân gặp rất nhiều khó khăn. Đại diện Công ty xây lắp H.C. đang thi công tuyến đường chính vào trụ sở mới của huyện Kỳ Anh (có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên đến 180 tỷ đồng) cho biết, tiến độ thi công hiện nay của dự án đang bị ảnh hưởng do giá cát vừa cao, lại vừa khó mua.
“Chúng tôi tạm chấp nhận mua cát giá cao để đảm bảo tiến độ dự án theo cam kết đã ký kết với chủ đầu tư, nhưng chấp nhận là một chuyện, việc mua được cát hay không là chuyện khác. Với sự khan hiếm và giá cả như này tiến độ hoàn thành dự án vào đầu năm 2020 như cam kết là rất khó khăn”- đại diện Cty xây lắp H.C. nói.
Nhà thầu đang thi công tuyến đường Hạ Môn (TP Hà Tĩnh) cũng gặp rất nhiều khó khăn khi giá cát xây dựng liên tục "nhảy múa". Hiện nhà thầu này đang có kế hoạch làm văn bản gửi chủ đầu tư báo cáo thực trạng nhằm điều chỉnh giá vật liệu cát đầu vào, nếu không sẽ chịu phải lỗ nặng nề.
Tại địa bàn TP Hà Tĩnh và vùng ven, không ít người dân đã lựa chọn phương án tạm ngừng thi công để nghe ngóng tình hình khi giá cát liên tục tăng. Anh Nguyễn Văn Long (ở xã Thạch Tân, giáp TP Hà Tĩnh) cho biết, gia đình đã phải hoãn thi công công trình nhà ở khi giá cát tăng quá cao.
Vì sao giá cát tăng cao chưa từng có?
Theo tìm hiểu, ngoài cao điểm mùa xây dựng, nhu cầu cát lớn, thì việc các lực lượng chức năng tại Hà Tĩnh đang mở đợt cao điểm siết chặt, quản lý, khai thác khoáng sản trái phép khiến nguồn cung giảm là nguyên nhân chính đẩy giá cát xây dựng tại địa phương này tăng cao.
Cụ thể, theo một cán bộ tại Phòng Khoáng sản, Sở TN&MT Hà Tĩnh cho hay, từ đầu tháng 4/2019, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh, Sở TN&MT đã thành lập 1 đoàn công tác, Công an tỉnh thành lập 2 đoàn công tác ra quân ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, cũng như kiểm tra hoạt động khai thác, kinh doanh của các mỏ đã được cấp phép.
“Hoạt động kiểm tra, xử lý được tăng cường với nhiều cơ quan chức trách tham gia. Việc chủ mỏ cát đã tuân thủ hóa đơn, chứng từ, tải trọng theo quy định khi xuất hàng đã loại bỏ được phần nào nạn cát lậu. Nguồn cung bị thu hẹp nên giá cát đội lên”- vị cán bộ này thông tin.
|
Những ngày qua lực lượng Công an và Sở TN&MT Hà Tĩnh đã bắt giữ 3 vụ khai thác cát trái phép tại các địa bàn huyện Đức Thọ, Hương Khê và TX Hồng Lĩnh.
Cũng theo vị cán bộ này, trong khi nhu cầu cát xây dựng là rất lớn thì hiện tỉnh mới có 10 mỏ cát xây dựng được cấp phép, đang có hiệu lực hoạt động, số mỏ này chỉ đáp ứng được khoảng hơn 20% nhu cầu của doanh nghiệp và nhân dân.
Trao đổi với Dân trí vào chiều ngày 22/4, ông Hoàng Trung Thông- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh nhận định, cơn sốt cát ở địa phương này sẽ còn tiếp tục tăng khi mà cao điểm mùa xây dựng đang kéo dài và đặc biệt là các cơ quan chức trách đang đẩy mạnh cuộc chiến loại bỏ vấn nạn khai thác khoáng sản lậu.
Ông Thông cho rằng, việc đấu tranh, loại bỏ vấn nạn khai thác cát lậu của tỉnh Hà Tĩnh là hoàn toàn chính đáng, vừa bảo đảm công bằng cho các doanh nghiệp được cấp phép, vừa tăng nguồn thu cho tỉnh. Tuy nhiên, ông Thông cho rằng, tỉnh cần mở rộng cấp phép, đấu giá thêm nhiều mỏ nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và nhân dân.
“Số lượng mỏ cát được cấp phép hiện nay là quá ít so với nhu cầu xây dựng của người dân, doanh nghiệp. Tại cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề về doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cách đây hai ngày (ngày 20/4), tôi cũng đã nêu kiến nghị những khó khăn của doanh nghiệp khi giá cát tăng cao để tỉnh có giải pháp tháo gỡ. Tôi cho rằng, các kiến nghị của doanh nghiệp và nhân dân là hoàn toàn chính đáng. Nếu tình trạng này kéo dài doanh nghiệp và người dân sẽ rất khó khăn”- ông Thông nói.
Tác giả: Văn Dũng
Nguồn tin: Báo Dân trí