Phải dành những lời đầu tiên cho vị bác sỹ đa tài này đó là anh rất cởi mở, hòa đồng, nụ cười luôn thường trực trên môi.
Từ sáng chế giúp bệnh nhân giảm cơn đau, nỗi khổ
Với nghề y, hơn 20 năm công tác, từ BS Chuyên khoa II ở BVĐK tỉnh và nay là Giám đốc BVĐK TP Hà Tĩnh, BS Phú đã làm được rất nhiều sáng kiến cho ngành, cho người bệnh. Một trong những sáng chế thiết thực của bác sĩ này là “ghế vệ sinh di động”.
Trước thực trạng không có buồng vệ sinh khép kín trong phòng và việc chứng kiến một bệnh nhân lớn tuổi mắc chứng bệnh suy tim khốn khổ khi đi vệ sinh trong 1 đêm đông đã thôi thúc anh đi đến sáng chế để đời. “Tôi nhớ rất rõ, lúc ấy 2h sáng ngày 9/2/2009, bệnh nhân nam 79 tuổi, bị suy tim đang điều trị tại Khoa Cấp cứu khó thở nên khi đi vệ sinh phải cần một lúc 2-3 người dìu, khuôn mặt ông cụ cứ nhăn nhó, khổ sở làm sao. Đêm ấy tôi suy nghĩ rất nhiều, thức trắng đêm. Ý tưởng thiết kế chiếc ghế vệ sinh di động ra đời luôn sáng tờ mờ hôm ấy”- BS Phú kể.
Từ ý tưởng đến thực tiễn là cả một vấn đề. Khó khăn nhất mà anh phải đối mặt là đó là chiếc ghế phải vừa ngồi, di chuyển dễ dàng, sạch sẽ, lại phải phù hợp với mọi bệnh nhân, kể cả khi bệnh nhân đang thở oxy hay đang truyền dịch vẫn có thể sử dụng. Hết vẽ lại xóa. Hết xóa lại vẽ. Quá trình chế tạo, anh lại phải chỉnh sửa nhiều lần để chiếc ghế vệ sinh di động hoàn hảo theo ý tưởng ban đầu.
Cuối cùng, sau hơn 3 tháng quyết tâm và sự giúp sức của những người bạn cơ khí, BS Phú đã cho ra đời chiếc “ghế vệ sinh di động” đầu tiên. Tổng giá trị chiếc ghế chưa đầy 2 triệu đồng. Đáng chú ý các thiết bị là những sản phẩm dễ dàng tìm kiếm trên thị trường cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người được hưởng lợi từ sáng tạo này.
Đưa vào sử dụng thử nghiệm, khỏi phải nói hết niềm vui của người bệnh và người thân săn sóc bệnh nhân. Đặc biệt, những bệnh nhân mang các bệnh lý đi lại khó khăn như chấn thương, thoát vị đĩa đệm, suy tim, di chứng tai biến, bệnh nhân đi lại chóng mặt, khó thở, người già yếu không đi lại được, phụ nữ có thai lúc trở dạ, đặc biệt trong các vụ dịch tiêu thực sự bớt đi được nỗi nhọc nhằn, những cơn đau do được đi vệ sinh ngay tại gần giường bệnh.
Còn với y bác sỹ, cấu tạo đa năng của ghế giúp các y bác sỹ dễ dàng lấy và cách ly bệnh phẩm, dễ sát khuẩn vì có ngăn đựng, ngăn cách chất thải.
Được trang bị ghế vệ sinh di động bệnh nhân vừa thở ô xi vừa đại tiểu tiện ngay trong phòng điều trị.
Năm 2010, sản phẩm ghế vệ sinh di động của BS Phú đã được trao giải 3 trong cuộc thi sáng tạo kỹ thuật Việt Nam lần thứ 10 năm 2008 – 2009 củaLiên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Đến bác sỹ của nhiều ca khúc được vinh danh
Nói đến BS Trần Nguyên Phú mà không nhắc đến niềm đam mê văn thơ, âm nhạc đến cháy bỏng của anh quả là một thiếu sót. Cái chất nghệ sỹ của anh đã bộc lộ ngay từ bên ngoài với mái tóc bồng bềnh, bộ ria mép lãng mạn và nụ cười tươi trên khuôn mặt không lẫn vào đâu được.
Bác sỹ Trần Nguyên Phú tâm sự về niềm đam mê âm nhạc.
BS Phú nói rằng, chính bố mẹ anh, những người am hiểu văn, thơ đã truyền cho anh cảm hứng, tình yêu về văn chương, âm nhạc. Và âm nhạc, văn thơ với anh như là lẽ sống. Từ nhiều năm nay BS Nguyên Phú đã dành thời gian để sáng tác các tác phẩm về âm nhạc và phần nhiều trong số đó là các đề tài về tình yêu, về quê hương và ngành mà anh đã lựa chọn như ca khúc “Nhớ cha”, “Hà Tĩnh, Thành phố khát vọng”, “Tâm hồn em bên áo blouse trắng”….
Tâm hồn nghệ sỹ trong anh luôn rực cháy. Bởi vậy, bát, chén, đũa, vung nồi… lọt vào tay anh, tất cả đều trở thành nhạc cụ. Anh hát bằng tất cả niềm đam mê.
Một sự khích lệ rất lớn đối với BS Nguyên Phú khi chỉ một thời gian ngắn, cuối năm 2015, đầu năm 2016, anh đã nhận được một cú đúp niềm vui. Ngày 23/12/2015 anh là một trong tổng số 52 người được Hội Nhạc sĩ Việt Nam kết nạp làm hội viên. Tiếp đó, ngày 19/1/2016, với ca khúc” Quê em” anh được Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao giải nhì Giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 2015 cho chuyên ngành sáng tác.
Đặt câu hỏi, làm công tác quản lý ở một bệnh viện lớn thứ nhì tỉnh, công việc bộn bề, lịch làm việc gần như kín, vậy anh lấy ra đâu khoảng trời riêng để “yêu” âm nhạc? Bác sỹ Nguyên Phú cười tươi, “âm nhạc đã mang đến cho tôi tất cả, tôi yêu âm nhạc nên yêu tất cả mọi thứ. Âm nhạc giúp tôi tìm sự thư thái, êm dịu trong cuộc sống. Công việc hằng ngày trôi chảy cũng bắt đầu tư đây thôi!”