Kinh tế

Hà Tĩnh: Đưa giá trị sản phẩm lâm nghiệp lên 7.500 tỷ vào 2025

Để bảo vệ, phát triển bền vững 360.000ha rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở NN-PTNT xây dựng đề án “Khai thác tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp để phát triển KT-XH tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo”.

Đề án cơ bản đánh giá đúng hiện trạng và xây dựng được giải pháp phát triển rừng và đất lâm nghiệp ở các địa phương

Đề án này định hướng cho các địa phương, cơ quan chức năng quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt 74.500ha đất rừng đặc dụng; bảo vệ, phát triển 113.000a đất rừng phòng hộ kết hợp khai thác các giá trị kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; nâng cao năng suất, giá trị 173.000ha đất rừng sản xuất, ổn định độ che phủ rừng 52%.

Đưa tổng giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên đất lâm nghiệp từ 3.000 tỷ đồng (năm 2016) lên khoảng 7.500 tỷ (năm 2025). Chuyển đổi khoảng trên 6.300ha rừng và đất lâm nghiệp để phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực. Hoàn thành việc xây dựng 2 nhà máy ván sợi MDF, OSP, OKAL; kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt khoảng 90 triệu USD/năm.

Đồng thời, kêu gọi một số doanh nghiệp lớn vào đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch tại một số điểm như Ngàn Trươi - Cẩm Trang, hồ Kẻ Gỗ, Nước Sốt - Sơn Kim, hồ Rào Trổ, thác Vũ Môn... góp phần hình thành bước đầu các tour, tuyến kết nối điểm du lịch khác trên địa bàn toàn tỉnh...

Từ mục tiêu chung, đề án phân ra 3 cụm để định hướng phát triển một số lĩnh vực trọng tâm. Riêng khu vực phía nam Hà Tĩnh (các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh) sẽ tập trung 4 lĩnh vực chính gồm: 1/ Phát triển rừng trồng nguyên liệu. Hiện tại diện tích rừng trồng nguyên liệu gỗ (thông, bạch đàn, keo, cây bản địa) đã có 72.600ha; phấn đấu đến 2025 đạt khoảng 77.700ha. Hình thành 1 vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy tại KKT Vũng Áng với diện tích hơn 16.000ha. Xây dựng mô hình “khu rừng thâm canh kiểu mẫu” diện tích 3.000ha gỗ nhỏ tại huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Lấy các nhà máy chế biến MDF làm đầu kéo liên kết sản xuất với hộ gia đình...

2/ Phát triển chăn nuôi, cây thức ăn chăn nuôi.

Theo đó, dự kiến cắt chuyển 1.840ha có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường ra khỏi quy hoạch chăn nuôi. Đối với cây thức ăn chăn nuôi (cỏ, ngô...) theo quy hoạch của UBND tỉnh là 6.780ha nhưng hiện các huyện đã giao 705ha (chủ yếu là Cty Bình Hà và TCty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh), vì thế thời gian tới sẽ rà soát điều chỉnh diện tích quy hoạch còn lại để trồng rừng nguyên liệu, sản xuất nông lâm kết hợp.

3/ Phát triển du lịch sinh thái gắn với hồ Kẻ Gỗ. 4/ Điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng ven biển để phát triển đai rừng ven biển kết hợp du lịch. Cuối cùng, rà soát quỹ đất các đơn vị chủ rừng và các dự án hoạt động không hiệu quả và diện tích đang do UBND xã quản lý (34.000ha) để cho các doanh nghiệp thuê trồng rừng, ổn định vùng nguyên liệu cho nhà máy...

Tác giả: Thanh Nga

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP