Người dân dùng kích điện để đánh bắt thủy sản |
Theo chân 1 người đi đánh cá dọc sông Thạch Đồng, PV được chứng kiến cách thức làm việc của họ. Để đánh cá theo cách kích điện, người dân dùng thuyền loại nhỏ gồm 2 người và bộ dụng cụ bình ắc quy 24V để kích nâng dòng điện lên 220V. Với dòng điện này có khả năng sát thương cao, khi đánh bắt một người đứng trước mũi thuyền kích điện, người sau cầm vợt vớt cá. Cứ mỗi lần họ đưa đầu điện xuống nước là nhiều loại cá sống bề mặt như cá rô phi, rô đồng, cá chép và các loài cá nhỏ nổi trắng bụng lên mặt nước. Người ngồi sau cứ thế vớt số cá to, còn cá bé thì để mặc nổi chết dưới sông.
Anh NVT cho chúng tôi biết “Tôi đánh bắt cá trên sông đã hàng chục năm nay, trước đây tôi thường đánh bắt bằng các phương tiện truyền thống như lưới, nơm, đó…nhưng giờ số lượng cá không còn nhiều như trước, với lại những người khác họ cũng đánh bắt bằng kích điện vừa đơn giản lại bắt được cá nhiều hơn, nên tôi cũng sắm cho mình 1 bộ. Mặc dầu biết đánh bắt như thế là trái pháp luật nhưng giờ quăng lưới thả chài bắt được ít lắm cô ạ! Chúng tôi đánh bắt bằng hình thức này chính quyền ngăn cấm, nếu phát hiện họ trích thu phương tiện ngay”.
Người dân sử dụng nhiều vật liệu tự chế để đánh bắt thủy sản |
Nhận thấy việc khai thác thủy sản bằng các loại công cụ kích điện tự chế sẽ làm hủy diệt môi trường sinh thái, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe con người, ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn, gây bức xúc trong dư luận. Công an Thành Phố Hà Tĩnh đã ra quân tăng cường truy quét đấu tranh các đối tượng sử dụng hình thức nói trên.
Sau gần hai tháng ra quân truy quét, Công an thành phố Hà Tĩnh đã đấu tranh, bắt giữ, xử lý 52 vụ với 44 đối tượng sử dụng công cụ kích điện các loại để đánh bắt thủy sản, thu giữ 52 bộ kích điện, 01 bộ lưới điện, 01 vợt lưới điện, phạt tiền gần 20 triệu đồng. Ngoài ra còn tuyên truyền, vận động người dân giao nộp 11 bình kích điện.
Trao đổi với PV moitruong.net.vn ông Lê Xuân Sang, Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế và Môi trường Công an TP Hà Tĩnh cho chúng tôi biết “Việc đánh bắt thủy sản bằng các dụng cụ bình điện tự chế là hình thức đánh bắt mang tính hủy diệt cần lên án mạnh mẽ. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh với các hành vi vi phạm nói trên, đồng thời kết hợp với các cấp chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm nâng cao nhận thức cho các hộ dân sống bằng nghề chài lưới trên sông”.
Đánh bắt thủy sản bằng xung điện là một cách khai thác phản khoa học, có tác hại lâu dài phá hủy sinh cảnh, gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản. Hệ quả của việc đánh bắt đó là phải mất nhiều năm mới phục hồi lại được môi trường thủy sinh. Mỗi lần kích điện, các loại thủy sản trong bán kính 1 – 2 m đều bị điện từ các bình kích điện tiêu diệt, dẫn tới suy giảm nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, đe dọa đến chính cuộc sống lâu dài của một bộ phận người dân sống bằng nghề chài lưới. Đặc biệt nguồn điện phát ra từ các bộ kích điện này là rất lớn, có thể gây ra chết người hoặc axit từ bình ắc quy có thể gây bỏng cho người sử dụng. Vì vậy việc ra quân đấu tranh với hình thức đánh bắt thủy sản nói trên của Công an TP Hà Tĩnh là việc làm thiết thực nhằm bảo đảm môi trường sinh thái cũng như bảo vệ môi trường của các loài thủy sản và cuộc sống con người.
Tác giả: Ngọc Trâm
Nguồn tin: Báo Môi trường và Cuộc sống