Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Dở khóc dở cười làng tam, tứ đại đồng đường

Con cái “đủ lông đủ cánh” phải dựng vợ, gả chồng rồi cho ra ở riêng để tránh xung đột, cũng là cách để chúng tự lập. Nhưng ở vùng biển thôn Nam Hải, Bắc Hải - xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) ý nghĩ đó là một điều xa xỉ.

5 cặp vợ chồng sống chung một nhà

Chừng hơn một thập kỷ trước bãi biển Thạch Hải được quy hoạch làm du lịch, thường xuyên nhộn nhịp du khách đến nghỉ dưỡng. Đến năm 2008, dự án mỏ sắt Thạch Khê khởi động thì bao kỳ vọng của chính quyền và người dân nơi đây đều đặt vào dự án này.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm “ngủ đông” dự án đứng trước nguy cơ khai tử, đồng nghĩa hàng nghìn hộ gia đình trong vùng ảnh hưởng rơi vào tình cảnh “sống dở chết dở”. “Con voi” lớn nhất Đông Nam Á chết yểu kéo theo bao hệ lụy và cái “bi” đầu tiên là hàng trăm cặp vợ chồng lấy nhau xong phải sống chung trong một căn nhà diện tích nhỏ bé vì thiếu đất ra ở riêng.

Chủ tịch UBND xã Thạch Hải Nguyễn Hải Lý ngao ngán: “Trong nhà 3, 4 thế hệ sống chung với nhau, dù có thương yêu nhau đến mấy cũng sẽ có đụng độ. Tất nhiên chưa đến mức chính quyền phải đứng ra can thiệp nhưng không khí trong gia đình luôn nặng nề, tình đoàn kết anh em mất đi, thậm chí nhiều người lên phàn nàn, khóc lóc với xã chỉ vì không có đất dọn ra ở riêng”.

Theo ông Lý, 2/3 dân số thôn Nam Hải, Bắc Hải bám biển mưu sinh, số còn lại một phần đi xuất khẩu lao động ở các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan... Ở địa phương bây giờ chỉ còn người già và trẻ em nên cuộc sống có phần bế tắc. Ngày thường người dân đi làm ăn xa thì không sao nhưng ngày lễ, tết họ về nhà thì tình hình an ninh trật tự rất phức tạp, đời sống văn hóa cũng đáng báo động.

Thôn Bắc Hải có 260 hộ thì có đến 30 gia đình “tam đại đồng đường”; 5 gia đình “tứ đại đồng đường”. Diện tích đất ở được cấp 200m2 nhưng thực tế sử dụng làm nhà ở chỉ dao động 90 - 100m2, trong khi có những hộ có đến 15-16 người sống trong một nhà.

Ông Hoàng Tính (80 tuổi) kết hôn với bà Nguyễn Thị Quyệt (75 tuổi) sinh được 2 người con trai. Sau khi kết hôn con trai thứ 2 của ông là Hoàng Đình Ngôn lập gia đình, sinh được 3 cháu, đứa lớn nay đã 22 tuổi, đứa út 17 tuổi. Mặc dù đã tách hộ nhưng gia đình anh Ngôn (5 người) vẫn phải sống chung với vợ chồng ông Tính vì không có đất ra ở riêng.

Để giữ hòa khí trong gia đình ông Tính có khi phải nhường cả con, cháu

Ông Tính bảo: Tui có tiền để dựng nhà cho con cháu ở nơi khác nhưng không có quỹ đất mà mua. Nói thật nhiều thế hệ sống chung một nhà bất đồng quan điểm, bất đồng suy nghĩ nên khó tránh những va chạm.

Đơn giản hơn là chuyện xem ti vi. Nhà có mỗi cái ti vi đặt giữa phòng khách, tối đến ông bà cụ thích xem chèo, cải lương; bố thì thích xem bóng đá; mẹ xem phim truyền hình; còn con cái lại thích nghe nhạc trẻ... Mỗi người một kiểu, chẳng ai chịu ai, buổi tối sum họp lại thành ra thiếu thoải mái.

“Đời con tôi chưa có đất ra ở riêng thì sắp đến hai thằng cháu. Mai mốt nó lấy vợ nhiều khả năng rồi cũng phải ở chung nhà với ông bà”, ông Tính lo lắng.

Trường hợp gia đình ông Nguyễn Bé còn bi đát hơn. Căn nhà của ông chỉ khoảng 100m2 nhưng có đến 15 con người túm tụm; trong đó có đến 5 cặp vợ chồng, gồm: bố mẹ ông Bé; vợ chồng ông Bé; 3 cặp vợ chồng con trai ông; 1 con gái và 4 người cháu. Khi chúng tôi đề cập đến những sinh hoạt tế nhị, trưởng thôn Bắc Hải Nguyễn Văn Thạch nhoẻn miệng vừa cười vừa xua tay: “Nhiều khi bí quá phải chấp nhận lấy cót lác, phên nứa làm... tường ngăn phòng. Cơ bản ngăn khỏi chộ chắc (không thấy nhau - PV) là được”.

3-4 thế hệ sống trong một nhà nên không tránh khỏi mâu thuẫn, xung đột

Ngồi bên cạnh ông Thạch, một nam thanh niên đỏ mặt tiếp lời: “Có khi đang “hành sự” có người nhà đi ngang phải cắn luôn chiếc khăn vào miệng cho nhanh”.

Ngoài thôn Bắc Hải, 15 gia đình “tam đại đồng đường” ở thôn Nam Hải vì thiếu đất sản xuất, định cư buộc phải gửi con cháu cho ông bà ở nhà trông coi để “ly hương” vào Nam hoặc đi xuất khẩu lao động kiếm kế mưu sinh.

Theo lời trưởng thôn Nam Hải, việc lao động trong độ tuổi 20 đến 45 đổ xô đi làm ăn xa nên khi trong thôn có người chết cũng không kiếm ra người lo hậu sự. “Trong thôn dù không có gia đình “tứ đại đồng đường” nhưng gia đình 3 thế hệ trung bình cũng có 10-11 người, thậm chí có hộ đến 14-15 người sống chung”, ông Nguyễn Văn Mại, trưởng thôn Nam Hải, nói thêm.

Sống chết cũng phải bám biển

Mặc dù ăn ở chật chội, bí bách như vậy nhưng khi chúng tôi hỏi vì sao không mua đất ở địa phương khác định cư, chị Nguyễn Thị Kế, thôn Bắc Hải thật thà: “Dân đây đi biển quen rồi, giờ lên phố hay sang xã khác không biết làm gì mà ăn nên sống chết thế nào cũng phải bám biển”.

Chị Kế tính, năm nào sóng yên biển lặng chỉ cần đi biển 6 tháng cũng đã cầm trong tay gần 1 tỷ đồng, thời gian biển động thì ở nhà đi phụ hồ hoặc sản xuất lá trầu không kiếm 200.000đ/ngày.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nghề chính của người dân Bắc Hải, Nam Hải là nông, ngư kết hợp. Ngoài thời gian đi biển, bà con sản xuất lá trầu không nhập cho các thương lái ở chợ đầu mối. Nếu tính thu nhập, bình quân nghề biển đem lại cho họ từ 9-10 triệu đồng/lao động/tháng; nghề sản xuất trầu từ 4-6 triệu đồng/lao động/tháng.

Ông Nguyễn Văn Mại cười đùa bảo: “Quê cha đất tổ ở đây, việc làm ăn cũng đang yên ổn nên chẳng ai muốn dời chỗ ở cả. Như tôi đây cả đời kéo lưới rồi giờ bảo cày đường thì được chứ cày ruộng thì chịu”.

Dù quỹ đất chật hẹp nhưng người dân thôn Bắc Hải, Nam Hải quyết bám trụ quê hương

Liên quan đến vấn đề giãn dân trong “gia đình”, ông Nguyễn Hải Lý cho rằng, trước mắt chính quyền cần sớm quyết định việc dừng hay tiếp tục triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê, thông báo công khai để người dân được biết. Nếu dừng dự án thì phải có phương án hoàn thổ; đồng thời, điều chỉnh quy hoạch đất đai để xã có cơ sở bán đất cho hộ dân có nhu cầu. Nếu tiếp tục để tình trạng này kéo dài không chỉ gây bất ổn an ninh mà còn kìm hãm sự phát triển kinh tế của địa phương. Bãi biển Thạch Hải đang có quá nhiều lợi thế để phát triển du lịch, giải quyết việc làm cho người dân các thôn ven biển nhưng vì vướng quy hoạch mỏ sắt nên tất cả đành bó tay.

Chúng tôi rời Thạch Hải lúc mặt trời khuất núi, ngoài biển hàng chục chiếc thuyền lại dong khơi bắt đầu một chuyến đánh bắt mới. Bà con ngư dân nói rằng họ sẽ cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này chờ ngày chính quyền các cấp có câu trả lời cuối cùng về dự án mỏ sắt Thạch Khê để họ yên tâm bám trụ quê hương, bám biển mưu sinh, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Hiện giá một suất đất ở khu vực bãi biển thôn Nam Hải, Bắc Hải dao động từ 100-200 triệu đồng/200m2. Mức giá này tuy không cao nhưng điều đáng nói là không có quỹ đất để bán. Một số hộ khác nhiều đất, thay vì bán kiếm lời họ chọn giải pháp an toàn để dành làm của hồi môn cho con cháu, tránh tình trạng sau này có tiền cũng không mua được đất như nhiều hộ khác trong thôn.



Tác giả: Thanh Nga

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

  Từ khóa: tứ đại , làng tam , Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP